Zoom: “Bao giờ cho đến… ngày xưa”

Chia sẻ Facebook
19/05/2022 00:03:14

Zoom đã trở thành một cái tên quen thuộc khi hàng triệu người đột nhiên bị buộc phải làm việc tại nhà. Nhưng, khi đại dịch vẫn chưa kết thúc, quá khứ huy hoàng của Zoom chỉ còn là hoài niệm.


Điều gì đã xảy ra với Zoom?


Trên thực tế, hội nghị truyền hình đã nổi lên từ cuối những năm 1990 với sự ra đời của WebEx (thuộc sở hữu của Cisco từ năm 2007) và được phổ biến cho người tiêu dùng thông qua Skype (hiện thuộc sở hữu của Microsoft) và iChat của Apple. Nhưng, khoảnh khắc tuyệt vời với Zoom đã xảy ra khi họ đã là kẻ xuất hiện đúng thời điểm, tháng 3 năm 2020.

Khi đại dịch tấn công nước Mỹ, việc sử dụng Zoom đã tăng vọt chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, phần mềm này phổ biến đối với bất kỳ ai làm công việc bàn giấy hoặc cố gắng duy trì kết nối với bạn bè và gia đình trong khi giãn cách xã hội. Thậm chí, còn có cả những... đám cưới trên Zoom.

Tất cả những điều đó đã tạo ra một trong những khoảnh khắc huy hoàng nhất trong lịch sử của Zoom : Doanh thu tăng 326% và năm 2020, lên 2,6 tỷ USD, trong khi lợi nhuận cũng tăng vọt 672 triệu USD, từ mức chỉ 22 triệu USD vào năm 2019.

Cổ phiếu của Zoom đã tăng vọt trong năm đầu tiên của đại dịch: từ 89 đô la Mỹ một cổ phiếu vào ngày 7 tháng 2 năm 2020, lên mức cao nhất là 559 đô la Mỹ vào tháng 10. Sự cuồng nhiệt đã được đẩy lên cao trào đến mức, các công ty giao dịch công khai khác có tên "giống như Zoom" cũng thấy cổ phiếu của họ tăng vọt.

Trong khi các đối thủ cạnh tranh hội nghị ảo như Google (Google Meet) và Microsoft (Teams và Skype) cung cấp các sản phẩm tương tự, nhưng Zoom đã có những chiến lược khác biệt khi đó và họ đại diện cho một cơ hội đầu tư thuần túy của các nhà đầu tư đang tìm cách tiếp xúc với cuộc cách mạng làm việc từ xa mới chớm nở. Công ty cung cấp phiên bản miễn phí của sản phẩm cho người tiêu dùng (với giới hạn thời gian cho các cuộc gọi) nhưng kiếm tiền thông qua bán hàng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Nhưng, chỉ hơn hai năm sau, các hạn chế đi lại được nới lỏng, thị trường công nghệ chùng xuống do lãi suất tăng và giá cổ phiếu của Zoom đã giảm xuống mức trước đại dịch, giảm 83% so với mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 10 năm 2020. Giờ đây, khi mà đại dịch vẫn chưa kết thúc, mọi thứ với Zoom đã trở thành một "dĩ vãng nhạt nhòa".


Nỗi buồn của những “đứa con cưng” đại dịch


Kể từ đầu năm nay, Zoom đã mất khoảng một nửa giá trị vốn hóa thị trường - giảm từ 54 tỷ USD xuống còn 27 tỷ USD cùng với thị trường chứng khoán công nghệ suy giảm.

Nhưng, giờ đây mọi thứ chỉ còn là dĩ vãng.

Tuy nhiên, Zoom cũng không phải là "đứa con cưng" duy nhất của đại dịch: Kể từ đầu năm 2022, Peloton , công ty truyền thông và thiết bị tập thể dục giảm 55%, Docusign, hãng công nghệ tiên phong và đứng số 1 trong mảng chữ ký điện tử trên thế giới giảm 52% và Netflix, dịch vụ phát trực tuyến số 1 thế giới cũng sụt giảm 68%. Trong khi "nỗi đau" cũng không bỏ qua các công ty truyền thông xã hội, Meta (giảm 40%), Pinterest (giảm 40%) và Snap (giảm 48%).

Thực tế cho thấy, có vẻ như các nhà đầu tư đang cảm thấy mệt mỏi với giá trị sụt giảm tồi tệ của một thị trường công nghệ ảm đạm sau đại dịch. Với Zoom, mọi thứ còn tồi tệ đến mức không thể tồi tệ hơn nữa, các mối đe dọa cạnh tranh và việc người lao động trở lại văn phòng.

Nếu không có những chiến lược khác biệt và tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, có thể Zoom sẽ chẳng bao giờ trở lại được ngày xưa…


Theo Nguyễn Chuẩn

Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ Facebook