Đưa quyền con người vào giáo dục các cấp
Điều này không chỉ giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi công dân mà còn giúp lan toả những giá trị nhân văn, nhân đạo trong truyền thống dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án, nhưng để giáo dục quyền con người tại Việt Nam đạt hiệu quả thực chất cần sự quan tâm và tích cực hơn nữa của các bộ, ngành và các địa phương.
Giáo dục công dân - một môn học quen thuộc với học sinh, nay có thêm nhiều kiến thức mới về quyền con người. Tuy nhiên, không phải là những lý thuyết vĩ mô, quyền con người là những điều dễ hiểu, dễ thực hành và hữu ích với cuộc sống hàng ngày của các em.
Đưa quyền con người vào giảng dạy không chỉ là yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới mà còn là theo Đề án 1309 của Thủ tướng Chính phủ.
Được phê duyệt từ năm 2017, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả đội ngũ giảng viên, giáo viên sẽ được tập huấn và 100% cơ sở giáo dục trên cả nước sẽ tổ chức giảng dạy về quyền con người.
Cùng với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đều đang tích cực triển khai tại các cơ sở giáo dục trực thuộc. Nhưng trên thực tế, khái niệm quyền con người vẫn đang được hiểu một cách mờ nhạt, hiện tập trung chủ yếu vào các khái niệm như quyền trẻ em hay một số vấn đề trong hiến pháp. Do đó, các địa phương và các cơ quan cần thực sự quan tâm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện giáo dục quyền con người.
Cũng theo Tiến sỹ Tường Duy Kiên - Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, quyền con người cần được coi là một nội dung ưu tiên trong giáo dục vì những lợi ích thiết thực như giảm đáng kể bạo lực học đường, nhận thức công dân của học sinh được nâng cao, ý thức tuân thủ pháp luật, sống có trách nhiệm với cộng đồng, với gia đình và với chính bản thân mình.