Lý do bầu chủ tịch nước mới mà không để Tổng Bí thư Tô Lâm kiêm nhiệm
Đại tướng Lương Cường đã được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15, thay cho ông Tô Lâm. Vì sao ông Tô Lâm không tiếp tục kiêm nhiệm hai chức vụ?
Chụp lại hình ảnh, Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường
22 tháng 10 2024
Đại tướng Lương Cường trở thành quân nhân thứ hai từng nắm vị trí nguyên thủ quốc gia, sau Đại tướng Lê Đức Anh.
Trước khi bầu ông Lương Cường làm chủ tịch nước, Quốc hội đã miễn nhiệm chức danh này đối với ông Tô Lâm.
Giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K Inouye (Mỹ) nhận định với BBC ngày 22/10 rằng việc bầu chủ tịch nước mới cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho việc sáp nhập, nhất thể hóa hai chức vụ cao nhất: tổng bí thư và chủ tịch nước.
Vì sao không nhất thể hóa?
Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem Play video, "Chủ tịch nước Lương Cường: trường hợp đặc biệt", Thời lượng 7,04 07:04 Chụp lại video, Chủ tịch nước Lương Cường: trường hợp đặc biệt
Theo Giáo sư Vuving, ý tưởng về chuyện sáp nhập cả hai chức vụ đứng đầu đảng và nhà nước đã được đem ra tranh luận trong hai thập kỷ qua, nhưng nó chưa bao giờ trở thành quan điểm chiếm ưu thế trong giới lãnh đạo Việt Nam.
Năm 2018, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiêm luôn chức vụ nguyên thủ quốc gia thay cho ông Quang.
Tại Việt Nam, Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện nên người đứng đầu đảng - tổng bí thư - đương nhiên là lãnh đạo chính trị cao nhất. Trong khi đó, chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia. Cơ cấu quyền lực này gây ra nhiều bất cập, về đối nội thì tạo ra một bộ máy cồng kềnh, về đối ngoại thì có nhiều bất tiện, đặc biệt là trong việc giao thiệp với các quốc gia dân chủ phương Tây. Do đó, vấn đề nhất thể hóa đã được đặt ra từ lâu, với mô hình tham khảo là Trung Quốc.
Hiểu một cách đơn giản, nhất thể hóa là việc hợp nhất bộ máy đảng và nhà nước, trong đó vấn đề thường được bàn tới nhiều nhất là hợp nhất chức danh tổng bí thư (đảng) và chủ tịch nước.
Trong lịch sử, chỉ có ông Hồ Chí Minh, ông Trường Chinh, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tô Lâm từng kiêm nhiệm cả hai chức vụ lãnh đạo đảng và nhà nước. Xét các trường hợp ông Trường Chinh, Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm, việc giữ hai chức danh lãnh đạo đảng và nhà nước thực ra chỉ là giải pháp tình thế, sau khi chủ tịch nước hoặc tổng bí thư đương nhiệm đột ngột qua đời. Do đó, các trường hợp này chưa thể coi là nhất thể hóa.
Trả lời báo Viettimes mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phân tích về khái niệm nhất thể hóa như sau:
"Trong mô hình tổng thống chế, thì người đứng đầu đảng làm tổng thống. Đảng với nhà nước hòa với nhau làm một và chủ trương, chính sách do nhà nước quyết định."
Ngược lại, Tiến sĩ Dũng nói rằng mô hình thể chế của Việt Nam là mô hình một đảng cầm quyền và điều quan trọng nhất là Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện thông qua chủ trương, đường lối và giám sát việc thực hiện chứ Đảng không làm thay các việc thuộc về nhà nước.
Do đó, theo ông Dũng, nếu đường lối, chính sách vẫn do Đảng quyết, thì việc tổng bí thư giữ chức chủ tịch nước cũng chỉ là việc kiêm nhiệm chứ không phải là việc nhất thể hóa.
Chụp lại hình ảnh, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Vào ngày 8/10/2018, trong một cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, ông Trọng đã nói rằng việc tổng bí thư làm chủ tịch nước "không phải vì nhất thể hóa mà là tình huống".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích: "Đây là hai cơ chế khác nhau, hai cơ quan khác nhau, không thiên vai nào chính vai nào phụ thì sẽ không chuẩn; đồng thời cũng không nói nhất thể hóa, nôm na thì đây là bầu cho một người để làm hai công việc này."
Giáo sư Alexander Vuving nói với BBC rằng chính ông Trọng đã phản đối việc nhất thể hóa, cho rằng việc tập trung quá nhiều quyền lực vào tay một cá nhân là không tốt.
Nhưng dù là giải pháp tình huống, ông Trọng vẫn nắm giữ cả hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước từ năm 2018-2021 (khoảng hai năm rưỡi).
Trong khi đó, ông Tô Lâm chỉ kiêm nhiệm cả hai chức vụ trong vòng hai tháng 18 ngày (từ 3/8-21/10).
"Sau khi cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời vào tháng 7, ông Tô Lâm có lẽ đã không thể thuyết phục được giới lãnh đạo Đảng nhất thể hóa sự tập trung quyền lực tạm thời của mình," Giáo sư Vuving nói.
Về điểm này, Giáo sư danh dự của Đại học New South Wales (Úc), ông Carl Thayer, phân tích rằng ông Trọng dày dạn kinh nghiệm hơn ông Tô Lâm nên việc ông Trọng vào năm 2018 đảm nhiệm cả hai chức vụ là dễ hiểu:
"Ông Nguyễn Phú Trọng đã giữ chức tổng bí thư từ năm 2011, ông đã kinh qua và gánh vác một khối lượng công việc nặng nề hơn nhiều so với vị trí chủ tịch nước. Do đó, vào năm 2018, ông Trọng dễ dàng làm tròn trọng trách cả hai vị trí này."
Ngược lại, ông Tô Lâm được biết đến là người nắm Bộ Công an trong gần hai nhiệm kỳ trước khi được bầu làm chủ tịch nước vào tháng 5/2024. Chưa đầy ba tháng sau, ông lên làm tổng bí thư .
Có thể thấy, thời gian ông Tô Lâm làm lãnh đạo đảng và nhà nước quá ngắn để đánh giá năng lực lãnh đạo của ông Tô Lâm. Nói cách khác, ông Tô Lâm có hồ sơ lãnh đạo khá mỏng so với người tiền nhiệm. Vì vậy, trong giai đoạn "nước rút" chuẩn bị nhân sự và văn kiện cho Đại hội 14, việc có chủ tịch nước mới sẽ giúp ông Tô Lâm tập trung tốt hơn vào công việc của Đảng.
Chụp lại hình ảnh, Tổng Bí thư Tô Lâm được đánh giá là có hồ sơ lãnh đạo khá mỏng so với người tiền nhiệm
Cân bằng quyền lực
Chụp lại hình ảnh, Tứ Trụ Việt Nam: Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Giáo sư Alexander Vuving cho rằng việc lựa chọn ông Lương Cường làm chủ tịch nước còn phản ánh nỗ lực duy trì cân bằng quyền lực trong Đảng, chủ yếu nằm ở các lực lượng an ninh-công an và quân đội.
"Sự cạnh tranh xoay quanh cán cân quyền lực giữa hai lực lượng vũ trang của chính đảng theo tư tưởng Lenin.
"Đảng muốn quay lại với Tứ Trụ, một sự sắp xếp cần thiết cho 'lãnh đạo tập thể' của Đảng. Sự lãnh đạo tập thể này đã ổn định đời sống nội bộ của Đảng trong nhiều thập kỷ, vì vậy Đảng không muốn làm lung lay nền tảng này," chuyên gia Vuving nói với BBC.
Tiến sĩ Zachary Abuza, Giáo sư từ Đại học National War College từ Mỹ, cho rằng việc bầu ông Lương Cường - một nhân vật không còn thuộc Bộ Quốc phòng nhưng vẫn đại diện cho lợi ích của quân đội trong Bộ Chính trị - cho thấy Đảng muốn giữ vững truyền thống lãnh đạo tập thể.
Và Tứ Trụ bao gồm chức tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội vẫn tiếp tục do những cá nhân khác nhau đảm trách để có thể kiểm soát, cân bằng quyền lực nội bộ.
Bộ Chính trị hiện có 15 ủy viên, trong đó có sáu người xuất thân từ công an, ba người từ quân đội.
Giáo sư Carl Thayer nói với BBC rằng quân đội muốn cân bằng quyền lực với công an nên mới đề cử người của mình vào vị trí chủ tịch nước.
Với việc Đại tướng Lương Cường lên làm chủ tịch nước, cùng với Đại tướng Tô Lâm và Trung tướng Phạm Minh Chính, Tứ Trụ Việt Nam hiện có tới ba vị tướng xuất thân từ các lực lượng vũ trang. Đây là con số cao kỷ lục trong thời bình. Trong đó, ông Tô Lâm là tướng công an đầu tiên trong lịch sử nắm giữ vị trí tổng bí thư.
Vì sao Đảng cần cân bằng quyền lực giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng? 9 tháng 9 năm 2024 Công an và Quốc phòng: Bộ nào có 'quyền lực chính trị' hơn? 21 tháng 5 năm 2024 Bộ trưởng Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị có đúng quy định? 17 tháng 8 năm 2024
Chụp lại hình ảnh, Đại tướng Lương Cường thay Đại tướng Tô Lâm làm chủ tịch nước
Ông Thayer nói thêm, ông Tô Lâm là tổng bí thư đầu tiên có xuất thân từ công an và việc cân bằng, tìm kiếm sự ủng hộ giữa các phe phái sẽ là bài toán cho ông. Vì vậy, việc để một đại diện được cho là của phía quân đội giữ chức chủ tịch nước sẽ giúp xoa dịu, tránh xung đột nội bộ.
Giáo sư Thayer cũng lưu ý, tuy Bộ Chính trị có nhiều ủy viên đi lên từ Bộ Công an nhưng không có bằng chứng gì cho thấy những người này một lòng đoàn kết, bắt tay nhau dưới sự chỉ đạo của ông Tô Lâm. Cho nên, sự cân bằng giữa hai lực lượng vũ trang là có và nó đã có từ lâu nay nhưng cán cân không phải nghiêng hẳn về bên công an.
Thay vào đó, ông Thayer gợi ý rằng Bộ Chính trị gồm các đại diện từ một số nhóm gồm: nhóm Hưng Yên, nhóm Nghệ An, nhóm Hà Tĩnh, nhóm miền Nam, nhóm quân đội và nhóm công an.
Theo cách chia như vậy, Tứ Trụ đã có đủ đại diện từ nhóm công an, nhóm Hưng Yên, nhóm quân đội và nhóm miền Nam. Dự kiến, người thay ông Cường ở vị trí thường trực Ban Bí thư sẽ thuộc nhóm Nghệ An - Hà Tĩnh.
Các nhà quan sát đánh giá, Bộ Chính trị sẽ sớm phân công một ủy viên Bộ Chính trị giữ chức thường trực Ban Bí thư.
Biến động chính trị và sự thay đổi nhân sự liên tục đã làm Việt Nam xao nhãng những vấn đề quan trọng . Vì thế, Đảng cần nhanh chóng kiện toàn các chức danh cấp cao để tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có công tác chuẩn bị cho Đại hội 14.