Yuanta: VN-Index sẽ tăng lên vùng 1,345-1,390 điểm trong kịch bản lạc quan
Theo báo cáo phân tích chiến lược đầu tư tháng 6/2022 của CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN), VN-Index sẽ diễn ra theo hai kịch bản. Ở kịch bản thận trọng, VN-Index sẽ biến động hẹp quanh mức 1,315 điểm. Ở kịch bản lạc quan, nếu chỉ số vượt 1,339 điểm, sẽ tăng về vùng 1,345-1,390 điểm. Nhà đầu tư (NĐT) dài hạn nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao.
Yuanta: VN-Index sẽ tăng lên vùng 1,345-1,390 điểm trong kịch bản lạc quan
Bối cảnh tháng 5 tại Việt Nam, chỉ số VN-Index và VN30 ít thay đổi. Nhóm dầu khí dẫn đầu đà tăng trưởng trong các hoạt động kinh tế do sự thay đổi cung cầu và chi phí nguyên vật liệu biến động mạnh.
Khối ngoại quay lại mua ròng 3,315 tỷ đồng trong tháng 5, tập trung ở CCQ ETF nội và nhóm hóa chất. Tỷ lệ sở hữu khối ngoại cải thiện tích cực trên sàn HOSE , chiếm 16% toàn thị trường. Dự kiến, cơ cấu giao dịch của NĐT nước ngoài sẽ còn tăng lên nữa trong thời gian tới khi dòng vốn nội có dấu hiệu suy thoái dần. Bởi, hầu hết NĐT nước ngoài nhận định chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn, mỗi nhịp điều chỉnh là cơ hội để mua vào sở hữu.
Trái lại, NĐT trong nước có xu hướng rút tiền khỏi thị trường để quay lại sản xuất kinh doanh hậu COVID-19, lãi suất huy động nhiều ngân hàng cũng có xu hướng tăng trong khi nhiều NĐT đã lỗ nặng trong suốt chu kỳ gần nửa năm vừa qua, việc gửi tiền lấy lãi là lựa chọn khả dĩ hơn.
Sang tháng 6, Yuanta nhận định thị trường có thể tăng nhẹ với biên độ hẹp. Thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy dài hạn, dòng tiền sẽ vẫn ở mức thấp và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. NĐT nên chú ý vào xu hướng ở từng cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận trong tháng 6/2022.
Yuanta dự báo VN-Index tăng trong tháng 6/2022 với hai kịch bản:
Một là kịch bản thận trọng, VN-Index sẽ biến động hẹp quanh mức 1,315 điểm.
Hai là kịch bản lạc quan, nếu VN-Index vượt được mức 1,339 điểm, sẽ tăng về vùng 1,345-1,390 điểm.
Theo đó, Yuanta khuyến nghị NĐT nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và ưu tiên mua/nắm giữ các nhóm cổ phiếu có mức xếp hạng tăng trưởng cao gồm: Phần mềm và dịch vụ máy tính; bán lẻ; nước và khí đốt; sản xuất, phân phối điện và hóa chất.
Hoài Thư