Yuanta Việt Nam: Ngân hàng Nhà nước đã dừng bán USD ổn định tỷ giá trong vài tuần qua
Yuanta Việt Nam cho rằng tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong tháng 10 mặc dù giá USD trên thị trường quốc tế giảm là do Việt Nam có độ trễ và NHNN đã dừng bán USD ổn định tỷ giá trong vài tuần qua.
Trong báo cáo thị trường chứng khoán tháng 11, Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta Việt Nam) cho biết tỷ giá tăng đều ở các thị trường trong tháng 10, đặc biệt thị trường tự do (+4.5% so với cuối tháng trước). Trên thị trường quốc tế, chỉ số US Dollar Index điều chỉnh giảm 1,0% trong tháng 10 sau giai đoạn tăng nóng.
Điểm tích cực là thặng dư xuất khẩu bắt đầu tích cực hơn trong tháng 10 và vốn FDI đăng ký cũng đã tăng trở lại, cộng với việc giá USD trên thị trường thế giới giảm, áp lực lên tỷ giá USD/VND sẽ sớm hạ nhiệt.
Mặt khác, lãi suất liên ngân hàng tăng ở tất cả các kỳ hạn trong tháng 10. Cụ thể, lãi suất qua đêm, kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng tăng lần lượt 2,27 điểm%, 1,62 điểm %, 0,65 điểm % và 1,37 điểm % so với cuối tháng 9. Cuối tháng 10, NHNN đã tiếp tục nâng một số loại lãi suất điều hành thêm khoảng 1%, theo đó, các NHTM cũng đã nâng lãi suất huy động thêm trung bình khoảng 1-2%.
Nhìn chung, Yuanta Việt Nam thấy mặt bằng lãi suất tại các NHTM đang chịu khá nhiều áp lực do 1) tỷ lệ Dư nợ tín dụng/ Vốn huy động và tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn của nhiều NHTM đang ở mức cao; 2) xu hướng nâng lãi suất ở các Ngân hàng Trung ương các nước.
Điểm tích cực là NHNN đã dừng bán USD do áp lực tỷ giá giảm. Nhóm phân tích kỳ vọng các áp lực lên lãi suất sẽ sớm hạ nhiệt theo.
Dù vậy Yuanta Việt Nam không loại trừ khả năng NHNN tăng thêm lãi suất điều hành lần nữa, khi nhu cầu vốn của nhiều doanh nghiệp vẫn ở mức cao trong khi room tín dụng của năm gần như các NHTM đã sử dụng hết và khả năng huy động từ kênh trái phiếu ở thời điểm hiện tại còn nhiều khó khăn.
Số liệu vĩ mô tháng 10 cho thấy nền kinh tế trong nước đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như lạm phát, lãi suất, tỷ giá cao. Điều này đã làm chậm lại tốc độ tăng trưởng lĩnh vực sản xuất khi chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 chỉ tăng 3% so với tháng trước và 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cầu tiêu dùng cũng suy giảm với Tổng mức bán lẻ tháng 10 giảm 1,4% so với tháng 9, nhất là trong lĩnh vực Dịch vụ lữ hành và Lưu trú - Ăn uống trước tình hình kinh tế khó khăn hơn. Hoạt động xuất nhập khẩu phần nào chậm lại trước nhu cầu yếu đi tại các thị trường chính, khi lạm phát tại cách thị trường chính như Châu Âu, Mỹ vẫn ở mức cao.
Theo Yuanta Việt Nam, điểm tích cực là xuất siêu ở mức cao, lũy kế 10 tháng đầu năm đạt 9,4 tỷ USD, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ thêm cho tỷ giá khi dự trữ ngoại hối đã giảm khoảng 21 tỷ USD trong thời gian qua.
Một yếu tố tích cực khác là gần đây là việc đốc thúc hoạt động đầu tư công trở nên tích cực hơn. Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng không kỳ vọng quá nhiều động lực từ đầu tư công có thể thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong những tháng còn lại của năm khi nền kinh tế chung vẫn đang gặp vấn đề lớn nhất là khả năng tiếp cận nguồn vốn.