YouTube tìm cách xoay sở trước bối cảnh quảng cáo số suy thoái

Chia sẻ Facebook
16/11/2022 18:53:55

YouTube đang đẩy mạnh vào lĩnh vực thương mại điện tử bằng cách giới thiệu các tính năng mua sắm cho trang web video lớn nhất thế giới của họ, nhằm tìm cách đa dạng hoá các nguồn doanh thu trong bối cảnh mảng quảng cáo số tăng trưởng chậm lại.

YouTube tìm cách xoay sở trước bối cảnh quảng cáo số suy thoái

YouTube, một mảng kinh doanh của Alphabet, vừa giới thiệu chức năng mới cho Shorts, nền tảng chia sẻ video dạng ngắn của YouTube được ra mắt vào năm 2020 để cạnh tranh với đối thủ TikTok đang phát triển rất nhanh. Điều này đồng nghĩa người dùng có thể mua sảm phẩm khi họ lướt qua các video trên Shorts.

YouTube cũng đang thử nghiệm các kế hoạch chia hoa hồng mới đối với những người có ảnh hưởng lớn cũng là những người bán sản phẩm thông qua các liên kết trong video của họ. Động thái này nhằm giữ chân người sáng tạo nội dung trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ.

“Mục tiêu của chúng tôi là tập trung tạo ra những cơ hội kiếm tiền tốt nhất cho nhà sáng tạo nội dung trên YouTube”, Michael Martin, tổng giám đốc của YouTube Shopping, nói với Financial Times trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi ông gia nhập công ty vào 6 tháng trước.

YouTube mở rộng các tính năng mua sắm trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ nhanh chóng đa dạng hóa nguồn doanh thu của họ để đối phó với tình trạng kinh tế thế giới đang chậm lại và thị trường quảng cáo kỹ thuật số đang suy thoái.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022 của Alphabet, doanh thu từ việc bán quảng cáo của YouTube giảm. Đây là lần đầu tiên con số này thấp hơn ước tính của giới phân tích kể từ khi Alphabet bắt đầu báo cáo riêng về hiệu quả của YouTube vào năm 2020.

Các đối thủ bao gồm Meta và TikTok cũng đã tham gia vào thị trường thương mại mạng xã hội trong vài năm qua, tức là nơi người tiêu dùng mua sản phẩm trên mạng xã hội. Họ đều đặt cược đây sẽ trở thành tương lai của mua sắm.


Trên toàn cầu, thị trường thương mại mạng xã hội dự kiến tăng lên hơn 2 tỷ USD vào năm 2025. Xu hướng này cho đến nay đang thành công nhất ở Trung Quốc, nơi người tiêu dùng đã chi 352 tỷ USD để mua sắm trên mạng xã hội vào năm 2021, theo công ty tư vấn quản lý McKinsey.

Theo Martin, YouTube có kế hoạch triển khai hai chương trình mua sắm thử nghiệm vào năm 2023.

YouTube đang thử nghiệm chương trình “tiếp thị liên kết”, tức là trả hoa hồng cho những người sáng tạo bán sản phẩm, với một số người sáng tạo nội dung ở Mỹ. Trong khi đó, người dùng ở Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Canada và Australia hiện có thể mua sắm thông qua Shorts.

YouTube cũng sẽ trả cho người sáng tạo nội dụng 45% doanh thu kiếm được thông qua việc hiển thị quảng cáo giữa các video trên Shorts từ đầu năm 2023. Shorts hiện đã có hơn 1.5 tỷ người dùng hàng tháng, vượt qua con số 1 tỷ người dùng mà TikTok đã công bố gần nhất.

Các nền tảng mạng xã hội cạnh tranh ngày càng khốc liệt để thu hút nhân tài từ nhóm người sáng tạo nội dung, với hy vọng có thể thúc đẩy số lượng người dùng cũng như mức độ tương tác, đặc biệt là khi đối thủ non trẻ TikTok từ Trung Quốc đang phát triển rất nhanh.

Hình thức mua sắm thông qua các sản phẩm do người sáng tạo nội dụng đề xuất đang rất phổ biến đối với những người dùng Thế hệ Z của YouTube, những người ưa thích tương tác trên video mà không phải truy vấn, nghĩa là họ không muốn chủ động tìm kiếm sản phẩm, ông Martin cho hay.

YouTube cũng đã thử nghiệm tính năng mua sắm trực tiếp, nơi người xem có thể mua sản phẩm trong quá trình phát video trực tiếp. Nhưng ông Martin cho biết họ không còn tập trung vào mảng này do doanh số bán hàng từ người dùng phương Tây không đủ. YouTube hiện chỉ tập trung vào các thị trường mà nó đã trở nên phổ biến, chẳng hạn như Hàn Quốc.

Martin nói: “Tôi nghĩ sẽ mất một khoảng thời gian trước khi hình thức mua sắm trực tiếp xuất hiện trên quy mô lớn”.

Kim Dung (Theo FT)

Chia sẻ Facebook