Yếu tố nào giúp Techcombank sở hữu tỷ lệ ROA cao nhất hệ thống?
Techcombank tiếp tục dẫn dầu về tỷ lệ ROA trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam nhờ những thế mạnh mà rất ít nhà băng khác có được.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – TCB) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý II với lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt hơn 11.494 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ 2021.
Với kết quả này, Techcombank đứng thứ tư toàn ngành ngân hàng về lợi nhuận và kém nhà băng dẫn đầu là Vietcombank hơn 2.400 tỷ đồng. Dù vậy, với quy mô tài sản chưa bằng một nửa Vietcombank, con số lợi nhuận trên đã giúp Techcombank có được tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) lên tới 3,6% - mức cao nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Điểm thú vị là cách đây 9 năm (năm 2013), Techcombank có tỷ suất lợi nhuận ROA chỉ ở mức 0,39%, thấp hơn nhiều so với Vietcombank (0,99%) và các ngân hàng tư nhân khác như VPBank (0,91%), ACB (0,6%). Kết quả hiện tại cho thấy một sự thay đổi mạnh mẽ trong hiệu suất tuyệt đối và tương đối của ngân hàng trong giai đoạn vừa qua.
Nhìn vào cấu trúc lợi nhuận và tài sản của Techcombank, có thể nhận ra bốn nguyên nhân tạo nên mức ROA cao của Techcombank.
Thứ nhất là khả năng huy động nguồn vốn giá rẻ bao gồm cả tiền gửi không kỳ hạn và các khoản vay quốc tế. Thứ hai, cơ cấu tài sản hỗn hợp giữa trái phiếu doanh nghiệp - cho vay có tính linh hoạt và lợi suất cao. Thứ ba là sự đa dạng trong cơ cấu nguồn thu. Thứ tư là chất lượng tài sản an toàn.
Phân tích kĩ hơn về những yếu tố trên, chi phí vốn (CoF) của Techcombank liên tục giảm trong những năm gần đây và xuống còn 2,2% trong nửa đầu năm 2022, chủ yếu nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao và gia tăng huy động vốn lãi suất thấp trên thị trường quốc tế. Hiện Techcombank vẫn dẫn đầu về tỷ lệ CASA trong ngành ngân hàng. Cuối tháng 6/2022, tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng là gần 153.000 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA đạt khoảng 47,5% cao hơn so với cùng kỳ năm trước (46,1% tại ngày 30/6/2021) và bỏ xa ngân hàng đứng kế sau là MB (45,5%).
Có được điều này là do Techcombank đã đi đầu trong chính sách ‘’zero fee’’ và đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động chuyển đổi số, giúp gia tăng nhanh chóng về số lượng khách hàng cũng như giao dịch ngân hàng điện tử.
Bên cạnh đó, việc liên tiếp thực hiện các khoản vay hợp vốn lãi suất thấp cũng giúp Techcombank tiết giảm được chi phí đầu vào.
Vào ngày 26/6, Techcombank đã hoàn tất huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá lên tới 1 tỷ USD. Cho đến nay, đây là khoản tín dụng trung dài hạn có trị giá lớn nhất của một định chế tài chính Việt Nam trên thị trường hợp vốn quốc tế.
"Khoản huy động này sẽ bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho Techcombank, giúp ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn trung dài hạn của khách hàng khi nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ngân hàng cũng đẩy mạnh sử dụng các công cụ phái sinh để quản lý rủi ro tỷ giá và lãi suất cho các khoản vay hợp vốn này", Chứng khoán KB đánh giá.
Khả năng điều chỉnh cơ cấu tín dụng (giữa cho vay và đầu tư trái phiếu) cũng là một thế mạnh của Techcombank, cho phép ngân hàng có thể điều chỉnh linh hoạt cơ cấu tài sản trước những thay đổi của thị trường.
Theo đó, cơ cấu tín dụng (cho vay và trái phiếu doanh nghiệp) theo phân khúc của Techcombank có sự dịch chuyển đáng chú ý trong nửa đầu năm khi dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 19,7% so với quý trước lên 205 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,6%. Cho vay cá nhân tăng mạnh được thúc đẩy bởi sản phẩm cho vay mua nhà, hiện chiếm đến 82,0% trong tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của ngân hàng này. Trong khi dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đã giảm đáng kể từ 76,8 nghìn tỷ xuống 49,3 nghìn tỷ đồng.
Sự dịch chuyển này đã phản ánh khả năng linh hoạt của ngân hàng trong việc điều chỉnh phù hợp với điều kiện thị trường khi "room" tăng trưởng tín dụng có hạn và thị trường trái phiếu bị siết một số quy định trong thời gian gần đây.
Mặt khác, với cơ cấu nguồn thu đa dạng, Techcombank vẫn có thể duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận trong bối cảnh chịu bất lợi từ các yếu tố mang tính hệ thống nêu trên. Theo đó, dù thu từ phí mảng trái phiếu chậm lại do tác động từ động thái thắt chặt quy định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp nhưng ngân hàng vẫn ghi nhận mức lợi nhuận thuần từ hoạt động dịch vụ lên tới 4.428 tỷ đồng (+29,5% so với cùng kỳ) nhờ các hoạt động thẻ, bảo hiểm, thư tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ.
Tính đến cuối quý II, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank ở mức 0,6% - thấp nhất hệ thống, cùng với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh, 171,6%, phản ánh chất lượng và sự ổn định của tài sản trong và sau đại dịch COVID. Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là 0,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,1% tổng dư nợ, giảm từ mức 1,6 nghìn tỷ đồng ở thời điểm 31/3/2022.
Chất lượng tài sản an toàn đi cùng tình hình tài chính của nhiều khách hàng phục hồi tốt sau đại dịch đã giúp chi phí dự phòng 6 tháng đầu năm của Techcombank giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 636 tỷ đồng (tương đương 5,5% lợi nhuận thuần). Đây là nhân tố quan trọng tạo ra sự khác biệt trong cấu trúc lợi nhuận giữa Techcombank và các ngân hàng khác trong nhóm dẫn đầu.
"Chúng tôi ưa thích Techcombank do đây là ngân hàng đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm với mức tăng trưởng kép 10 năm qua là 19%/năm. Cùng với đó, Techcombank là ngân hàng có văn hóa đổi mới sáng tạo và là ngân hàng tiên phong trong việc tạo ra nhiều dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Techcombank cũng là ngân hàng có hiệu quả hoạt động cao với ROA cao nhất hệ thống và ROE bình quân 5 năm gần đây lên tới 21,3% trong khi đòn bẩy tài chính thấp nhất trong hệ thống ở mức 6,1 lần", Chứng khoán Bảo Việt nêu quan điểm trong báo cáo phân tích mới đây.