Yêu cầu sàn thương mại điện tử nước ngoài bổ sung giấy phép kinh doanh

Chia sẻ Facebook
11/08/2022 13:23:27

Các sàn thương mại điện tử có vốn đầu tư nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam phải bổ sung Giấy phép kinh doanh trước ngày 1/1/2023.


Bổ sung giấy phép kinh doanh

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa có thông báo về việc bổ sung giấy phép kinh doanh đối với các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Ngày 25/9/2021, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử, trong đó có quy định cụ thể về bổ sung giấy phép kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới website/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khi đăng ký đăng ký website/ứng dụng thương mại điện tử (trên Cổng online.gov.vn), doanh nghiệp cần cung cấp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu quyết định thành lập (đối với tổ chức); bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.

Ngoài ra, các tổ chức này còn phải cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp (đối với thương nhân), giấy phép kinh doanh (đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài).

Trong khi đó, với các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được xác nhận đăng ký website/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và đang hoạt động mà chưa có giấy phép kinh doanh theo quy định của Nghị định 09/2018/NĐ-CP, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị cập nhật hồ sơ, bổ sung Giấy phép kinh doanh qua Cổng online.gov.vn, trước ngày 1/1/2023.

Theo quy định tại Nghị định 85/2021/NĐ-CP, với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.

Đáng chú ý, Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn thương mại điện tử giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Văn phòng đại diện hoặc nội dung ủy quyền phải đảm bảo các trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc ngăn chặn những giao dịch hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam; thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam; đồng thời thực hiện báo cáo theo quy định.

Để cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam, thương nhân, tổ chức nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương trong vòng 12 tháng kể từ ngày nghị định này có hiệu lực.


Tăng cường chống thất thu trên nền tảng số

Thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển bùng nổ, đạt doanh số khoảng 13,7 tỷ USD năm 2021 và dự báo có thể chạm ngưỡng 39 tỷ USD vào năm 2025.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thuế, tính từ năm 2018 đến ngày 29/6/2022, số thu đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế đã đạt 5.432 tỷ đồng. Một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như: Facebook 2.071 tỷ đồng; Google 2.034 tỷ đồng; Microsoft 692 tỷ đồng... Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, con số của nhóm này đạt gần 760 tỷ đồng, bằng 48% số thu năm 2021.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài. Số lượng khách hàng truy cập các sàn trung bình mỗi ngày khoảng 3,5 triệu lượt.

Để chấn chỉnh tình trạng né thuế, lách thuế của các tổ chức và cá nhân kinh doanh hàng hóa online, ngành thuế sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ đôn đốc người nộp thuế tự khai thuế, nộp thuế theo quy định. Phía cơ quan thuế cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra với hoạt động thương mại điện tử, trong đó tập trung đối với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và một số chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử...

Trên thực tế, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành các công văn gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Công an (Cục cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) để cùng phối hợp triển khai quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Tổng cục Thuế đang nghiên cứu đề xuất thu thuế GTGT tại nguồn đối với các giao dịch thương mại điện tử. Theo đó, các chủ sở hữu sàn thương mại điện tử sẽ có trách nhiệm khai và nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn. Để thực hiện giải pháp này, cần sửa đổi Luật thuế GTGT, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Để siết chặt quản lý thuế, ngành Thuế đã nâng cấp, xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông, tích hợp giữa hệ thống ngân hàng, các nhà cung cấp nền tảng số để nắm bắt được đối tượng quản lý thuế, số giao dịch phát sinh, doanh số, số thuế phải nộp, nhất là đối với các giao dịch xuyên biên giới, giao dịch thương mại trên các nền tảng số, kinh doanh qua mạng; phối hợp với các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán để thu thập các thông tin doanh nghiệp, thu thập thông tin, dữ liệu dòng tiền giao dịch qua tài khoản của các tổ chức trong nước với các công ty nước ngoài sở hữu, vận hành trên các nền tảng trực tuyến như: Facebook, Google, Youtube...


Tuệ Minh (tổng hợp)

Chia sẻ Facebook