Ý tưởng táo bạo: Trồng nho nơi sa mạc khô cằn nhất thế giới
Ở trung tâm sa mạc Atacama của Chile - nơi khô cằn nhất trên thế giới, ông Hector Espindola đang thực hiện một công việc không ai ngờ tới, đó là điều hành một trang trại nho.
Ở độ cao gần 2.500 mét so với mực nước biển, trang trại nhỏ bé mang tên Bosque Viejo của ông trồng nhiều loại nho khác nhau, trong đó đặc biệt nhất có thể kể đến là nho muscat - một trong những họ nho lâu đời nhất thế giới, và criollo - một loại nho nổi tiếng thích nghi với điều kiện sống khắc nghiệt.
Những giàn nho của ông Espindola được che trong bóng râm của cây mộc qua, cây lê và cây sung, đồng thời được tận hưởng nguồn nước suối từ băng tuyết núi Andes tan chảy.
Ông Espindola, 71 tuổi, xây dựng trang trại của mình trên một vùng đất yên tĩnh ở Toconao, cực Bắc Chile - cách những trung tâm trồng nho lớn của nước này khoảng 1.500km. Các sản phẩm của ông cũng có nhiều đóng góp, khiến đất nước dài nhất thế giới này khiến nó trở thành một trong 10 nhà sản xuất rượu nho hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, trồng nho trên sa mạc không phải là công việc dễ dàng. Ông Espindola phải xoay xở để giúp trang trại Bosque Viejo trụ vững trước sự dao động nhiệt độ ngày và đêm, bức xạ mặt trời ở mức đỉnh điểm và sương giá khắc nghiệt.
Ông chia sẻ trong khi vuốt ve những dây leo héo khô và nâu sẫm hai tháng sau khi thu hoạch của mình: "Bạn phải tận tâm với công việc của mình. Tôi tưới nước cho cây vào ban đêm... lúc 3 giờ sáng, 11 giờ đêm. Bạn phải cẩn thận vì ở đây nắng nóng, khí hậu không đùa được đâu. Có lúc trời trở gió, thu hoạch thất bát. Cũng có lúc băng giá đến sớm. Nói chung rất phức tạp".
Ông Espindola gửi sản phẩm của mình tới hợp tác xã Ayllu - địa điểm từ năm 2017 đã tiếp nhận nho thu hoạch từ 18 trang trại nhỏ xung quanh Toconao. Năm 2021, hợp tác xã này nhận 16 tấn nho, đủ để sản xuất 12.000 chai rượu nho.
Vụ thu hoạch năm 2022 lạc quan hơn, với hơn 20 tấn nho - đủ để sản xuất 15.000 chai rượu. Tuy nhiên, nếu để so sánh với sản lượng rượu của Chile hằng năm, con số này chưa tới 1%.
Hầu hết những người đóng góp cho hợp tác xã là thành viên của các cộng đồng bản địa, trước đây là những người sản xuất cá thể, quy mô nhỏ.
Một trong số họ, bà Cecilia Cruz (67 tuổi), trồng nho syrah và nho đen pinot trên độ cao khoảng 3.600 mét bên ngoài làng Socaire - trang trại nho cao nhất tại Chile. Bà chia sẻ : "Tôi cảm thấy đặc biệt khi có vườn nho này ở đây và sản xuất rượu vang tại độ cao này" . Bà đồng thời tiết lộ một mục tiêu lớn hơn, đó là vun đắp "tương lai" cho ba cậu con trai của bà bắt đầu từ những trái nho.
Đối với nhà nghiên cứu rượu nho vùng Ayllu - anh Fabian Munoz (24 tuổi), nhiệm vụ bây giờ là phải tạo ra một loại rượu vang hội tụ các đặc điểm của sa thạch. Anh cho biết : "Phải làm sao để khi người tiêu dùng nếm thử rượu nho Ayllu, họ sẽ thốt lên rằng: "Chà! Tôi đang nếm trải sa mạc Atacama"".
Trong khi đó, bà Carolina Vicencio - một chuyên gia về hóa học trong sản xuất rượu - cho biết độ cao, áp suất khí quyển thấp và sự dao động nhiệt độ khắc nghiệt khiến cho vỏ nho nơi đây dày hơn so với các loại thông thường khác. Bà giải thích: "Điều này tạo ra nhiều phân tử tannin hơn trong vỏ nho, mang lại một vị đắng nhất định trong rượu. Độ mặn của đất cũng cao hơn, khiến rượu nho từ sa mạc Atacama trở nên có một không hai ".