Ý tưởng đẹp biến Tô Lịch thành hầm chống ngập, công viên
Một đơn vị đề xuất phương án cải tạo sông Tô Lịch thành hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc, công viên văn hóa, tâm linh. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho rằng: Đây mới chỉ là đề xuất, cần có nguồn lực rất lớn, có phương án tính toán kinh phí xây dựng, hình thức đầu tư để xem xét chứng minh tính khả thi của đề đề xuất.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo khoa học: “Giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (Công viên hữu nghị Việt - Nhật) và các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch”.
Mô hình tượng đài trên sông Tô Lịch
Tại đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE Group (đơn vị đề xuất dự án) cho biết, dự án có tổng chiều dài 12,6km, bắt đầu từ nơi hợp lưu của 5 trục đường giao nhau là: Hoàng Quốc Việt - Lạc Long Quân - Võ Chí Công (đường trên cao) - Hoàng Hoa Thám - Chợ Bưởi (thượng lưu), chạy dài dọc theo sông đến điểm cuối là đập Thanh Liệt (hạ lưu).
Quy mô dự án gồm 2 hạng mục: Hợp phần hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm (ở phía dưới mặt đất) và cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh” (ở phía trên sông Tô Lịch).
Phương án tài chính dự kiến đề xuất chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và một phần vốn đối ứng trong nước...
Mới nên cần được nghiên cứu
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng JVE mới chỉ đề xuất các giải pháp về không gian kiến trúc, cảnh quan và thoát nước trong ranh giới sông Tô Lịch mà chưa có sự nghiên cứu trong mối liên hệ tổng thể giữa sông Tô Lịch với sông Lừ, sông Sét cũng như hệ thống thoát nước, tưới tiêu, thu gom nước thải… của thành phố.
Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị phía JVE tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề xuất cải tạo sông Tô Lịch để làm cơ sở lấy ý kiến các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền.
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố đã giao Sở Xây dựng và các sở ngành liên quan để nghiên cứu đề xuất trên. Có thể nói ý tưởng này cần có thời gian dài để chuẩn bị, cùng nguồn lực lớn. “Ngoài ra, hiện sông Tô Lịch đang thực hiện các tuyến cống gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Do đó cũng chưa thể triển khai được trong giai đoạn này”, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội thông tin.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định: Sông Tô Lịch không chỉ mang yếu tố cảnh quan của thành phố mà nó còn mang yếu tố văn hóa truyền thống. Dự án nếu được triển khai không chỉ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, làm sạch không khí, làm sạch dòng nước… mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng tầm giá trị truyền thống, văn hóa của Hà Nội.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, từ năm 2011, thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên bờ tuyến sông Tô Lịch, trong đó yêu cầu tạo lập phát huy vai trò của mặt nước, tạo cảnh quan hai bên bờ sông, kết nối trục không gian hai bên… Tuy nhiên, đến nay quy hoạch này vẫn chưa được thực hiện do việc xử lý nguồn nước ô nhiễm tại dòng sông này chưa được giải quyết được.
“Vấn đề hiện nay cần phải làm sạch nước sông thì mới tính đến chuyện khai thác,” ông Nghiêm nhận định.
Đối với ý tưởng xây đường cao tốc ngầm kết hợp hầm chống ngập dọc sông Tô Lịch, KTS Nghiêm cho rằng chưa nên bàn vội vì phải xác định mục tiêu và nguồn vốn.
KTS Nguyễn Anh Tuấn (Cty CP ATH Homes) cho biết thêm, không chỉ với sông Tô Lịch mà trước đây Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã có đề xuất cống hóa 1,2km sông Kim Ngưu để làm sạch môi trường, kết hợp với thương mại dịch vụ công cộng. Về lý do ý tưởng này không được triển khai, vị chuyên gia cho rằng: Ở đây cần tính toán đến nguồn lực đầu tư. Nhà đầu tư cần có kinh doanh hồi vốn nên đề xuất khối dịch vụ cao 3 tầng tại khu vực cống hóa, còn ý tưởng này thậm chí còn chưa xác định nguồn vốn, tổng mức đầu tư. “Tôi cho rằng ý tưởng tốt nhưng đi đến thực hiện thì còn khoảng cách khá lớn”, KTS Tuấn nói.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định: Sông Tô Lịch không chỉ mang yếu tố cảnh quan của thành phố mà nó còn mang yếu tố văn hóa truyền thống. Dự án nếu được triển khai không chỉ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, làm sạch không khí, làm sạch dòng nước… mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng tầm giá trị truyền thống, văn hóa của Hà Nội.
Theo Trần Hoàng
Theo Tiền Phong