Ý nghĩa cuộc sống
Con người khi không tự đặt câu hỏi và cố gắng tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống của chính mình, cố làm một điều gì đó có ý nghĩa tốt đẹp thì...
Tôi có một người anh rất thân, hai anh em chơi với nhau từ bé, chuyện gì cũng có thể nói với nhau, đã từng nhiều hôm chia nhau nửa ổ bánh mì cầm hơi, uống chung bịch trà đá. Thoắt cái, mỗi đứa một nơi. Tôi tàng tàng sống, tàng tàng trôi. Anh giàu, nhà đẹp, xe xịn, tiền nhiều, gái lắm, quần quật làm, quần quật chơi. Thỉnh thoảng anh em gặp nhau, anh luôn cười và làm tôi vui như ngày còn nhỏ.
Đùng cái, anh tự tử, chết ngọt. Tất cả người quen lẫn biết mà không quen đều ngạc nhiên, phán xét, “Ngu” . Kèm theo những đoán già đoán non rần rần một dạo.
Người Việt thường chửi người tự tử, bất kể chết hay không chết, là ngu. Thậm chí luật bảo hiểm y tế cũ thì các ca tự tử không được chi trả bảo hiểm, luật mới bổ sung năm 2014 đã bỏ điều này. Và hình như người tự tử phải đóng thêm một khoản gọi là tiền ngu thì phải (chi tiết này tôi không nắm rõ vì không tìm thấy trong luật, nhưng hồi nhỏ hay nghe người lớn nói).
Có nhiều lý do khiến người ta tự tử. Hầu hết là vì tình, giận, uất ức, bế tắc vì không giải quyết được vấn đề cuộc sống như nợ, nghèo… Người tự tử vì không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống thì hiếm. Với người Việt, tự tử vì tình, vì tiền, vì buồn đã là một đứa ngu rồi thì tự tử vì không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống là một đứa đã ngu còn thêm vớ vẩn, điên khùng!
Chẳng mấy người hiểu tại sao lại có đứa lại tự tử vì không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Cuộc sống với đám đông là thức dậy mỗi sáng, ăn, đi học đi làm, ăn, làm, chơi, ngủ, lại thức dậy… Sắm được cái xe, mua được cái nhà là có ý nghĩa, to đẹp hơn của nhà thằng hàng xóm thì càng có ý nghĩa, cưới vợ gã chồng đẻ con, già, bệnh, chết… vòng tròn lặp đi lặp lại, tàng tàng, đều đều, vậy là được.
Người Việt sau này rất ít đứa thích triết học. Và trong những đứa thích triết thì chỉ có số ít suy ngẫm về cuộc đời. Đứa nào lỡ miệng hỏi, “Ý nghĩa cuộc sống của bạn là gì?” thì liền bị mắng, “Bày đặt triết lý, lấy chồng (vợ) đi!” Dường như với phần đông người Việt, ý nghĩa của sự tồn tại của một con người chỉ là để duy trì nòi giống. Ông anh tự tử của mình, người ta sau khi chửi ngu, sướng mà không biết đường hưởng, thì còn suýt xoa, “Nó chưa lấy vợ đẻ con.” Nghĩa là, anh ta chẳng để lại di sản gì, cuộc đời anh ta không có ý nghĩa khi chưa có được thằng con nối dõi tông đường.
Trước đó, mình cũng đọc nhiều nhưng chưa bao giờ tự hỏi ý nghĩa cuộc sống là gì, mục đích của việc mình có mặt trên đời và tồn tại cho đến nay là gì? Nhưng ông anh tự tử, mình hiểu nguyên nhân. Ờ thì một ngày bỗng chán việc phải thức dậy, đi làm, tán gái, tiêu tiền, cảm thấy có mình cũng được mà không có mình thì cũng được, trái đất vẫn quay và cuộc đời vẫn đẹp, chết cũng được mà sống cũng được, chẳng còn thứ gì thú vị, vướng bận, chẳng có lý tưởng mà cũng không biết mình tồn tại làm gì, tìm không ra câu trả lời, thích chết thì chết thôi cho đỡ chật đất. Nhẹ bẫng. Nhàn tênh.
Mặc kệ những phán xét người ta dành cho anh, tôi thấy trong chính cái sự chết của anh mang một ý nghĩa tích cực và dũng cảm nhất định. Tìm mãi không ra ý nghĩa của cuộc sống của chính mình thì ít ra anh còn dám chết, không như nhiều người tồn tại vật vờ ngoài kia chẳng đóng góp được gì mà còn góp phần làm hư hại, băng hoại thêm cho người khác và nặng chật quả đất nhưng vẫn cứ giương giương tự đắc, tự mãn.
Tôi có một anh bạn rất ghét ngày sinh của mình. Cứ tới ngày sinh của anh là anh rơi vào trạng thái trầm cảm khi không tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Ta là ai? Vì sao ta tồn tại? Ý nghĩa cuộc sống của ta trên đời này là gì? Với những người như anh, nếu không tìm ra câu trả lời cho chính mình và để trạng thái trầm cảm kéo dài thì một ngày nào đó bất kỳ họ dễ dàng quyết định từ bỏ cuộc sống một cách quyết liệt, triệt để.
Sống từng này năm, trải chuyện, tôi nghĩ mỗi cây cỏ còn có mục đích riêng thì nhẽ nào con người có suy nghĩ lại tồn tại không vì lý do gì? Con người khi không tự đặt câu hỏi và cố gắng tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống của chính mình, cố làm một điều gì đó có ý nghĩa tốt đẹp thì sự tồn tại còn kém sự đóng góp của cây cỏ. Khát vọng cống hiến, đóng góp cái gì đẹp cho đời cho người để thấy mình có ý nghĩa là điều chỉ có ở những người biết tự đặt câu hỏi cho chính mình về ý nghĩa cuộc sống, do đó họ mới có thể có được hoài bão và mỗi việc họ làm, mỗi lời họ nói đều cố gắng mang một ý nghĩa, thông điệp nào đó tốt đẹp của sự hiến dâng.
Nhiều người khi nghe người khác có ý định tự tử thì thường khuyên nhủ theo kiểu, “Đừng làm chuyện dại dột.” Ừ, chết vì tình, vì buồn, vì áp lực thì đúng là ngu thật, nhưng khi một người chán cuộc sống vì không tìm được ý nghĩa thì lời khuyên trên trở nên hài hước bởi ít ra người muốn tự tử còn có ý nghĩa và thông minh hơn cái đứa đi khuyên.
Có vài lần, vài anh bạn thất tình tâm sự với tôi kêu là không sống nổi, đòi tự tử, tưởng nhận được lời khuyên, an ủi, động viên đừng chết của tôi thì tôi lại dửng dưng như không, bảo, “ Dạ, anh chết đi. Có cần em chỉ cách? Hãy chuẩn bị cho thật kỹ để khi chết là chết ngọt chứ đừng ngắc ngứ thì khổ thân thêm nghen.” Cuối cùng chẳng anh nào dám chết. Nhưng những đứa quyết chết vì không tìm được ý nghĩa cuộc sống thì thường chẳng nói gì, luôn mồm bảo mình ổn và khi chết là đi ngọt, gọn gàng.
Ở xã hội Việt Nam hiện nay, chỉ cần mở mắt ra nhìn mở tai ra nghe thực trạng xã hội, mở mồm ra nói lời công chính là đã tự tìm thấy mục đích của sự tồn tại, ý nghĩa cuộc sống của chính mình rồi. Có chịu tự đặt câu hỏi hay không mà thôi. Tôi ghét cái cách mà người Việt mình tin vào thuyết mệnh trời vì người ta hay đổ thừa vào trời và lấy nó làm cái cớ cho sự bịt mắt, bịt tai và bịt mồm mình lẫn người khác lại, tự bào chữa cho sự vô dụng, lười nhác, trây ỳ của bản thân bằng cách chối bỏ việc đi tìm câu trả lời cho chính mình về ý nghĩa cuộc sống.
Vậy tôi tồn tại vì lý do gì? Tại sao tôi có mặt ở đây, nơi này với cộng đồng này, xã hội này mà không phải là ở một nơi khác, xã hội khác? Tôi chết có để lại gì không? Trong hành trình tìm kiếm câu trả lời cho chính mình, tôi cố gắng để lại dấu vết và sau 41 năm nhìn lại tôi thấy những dấu vết mà mình cố tạo ra, so với người khác, nó nhỏ mọn lắm. Dẫu vậy, tôi vẫn tin những dấu vết đó có ý nghĩa. Khi tin mình còn làm được gì đó có ý nghĩa đẹp, dù nhỏ, thì tôi mới có thể sống tiếp mà không sợ hãi với cái ý nghĩ rằng mình chỉ là một đứa đang vật vờ tồn tại.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây . Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây . Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây
Xem thêm cùng tác giả :
Một chuyện cổ về ý nghĩa của đời người
Mời xem video :