Ý nghĩa của hoa văn cát tường trong cuộc sống của người xưa

Chia sẻ Facebook
01/01/2023 19:30:23

Từ cung đình, vương phủ đến nhà dân thường đều có thể được trang trí bằng nhiều loại hoa văn khác nhau với ý nghĩa cát tường...


Trong Chu Dịch viết: “Cát sự hữu tường”, nghĩa là việc tốt thì có điềm lành. Người xưa thường sử dụng các hoa văn cát tường, mang ngụ ý may mắn, để cầu mong những điều tốt đẹp, thuận lợi sẽ đến với bản thân và gia đình.

Chiếc hộp sơn đen mạ vàng có hoa văn con Rồng được trưng bày tại Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan. (Ảnh: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Các hoa văn cát tường được sử dụng vô cùng phổ biến trong cuộc sống của người xưa. Đặc biệt là vào ngày lễ mừng long trọng, ngày hội và tế lễ hay lễ cầu nguyện, đám cưới, đám tang, tất cả đều được trang trí bằng nhiều loại hoa văn cát tường. Những hoa văn tinh xảo đó thường tượng trưng cho sự khao khát của con người về những điều tốt đẹp, gửi gắm niềm hy vọng vào cuộc sống bình an hạnh phúc.

Về lịch sử, hoa văn cát tường bắt đầu xuất hiện vào thời nhà Chu hơn 3000 năm trước. Sau đó, nó được phát triển và sử dụng rộng rãi trong dân gian, đặc biệt thịnh vào thời Minh Thanh. Vào thời nhà Minh và nhà Thanh, nó phát triển đến mức gần như các bức tranh đều phải có chủ đích và mang ý nghĩa cát tường.


Từ cung đình, vương phủ đến nhà dân thường đều có thể nhìn thấy ở những bức tường nhà, lan can, hàng rào, cửa ra vào, cửa sổ và thậm chí cả ngói nhà cũng được trang trí bằng nhiều loại hoa văn khác nhau với ý nghĩa cát tường. Ngay cả những vật dụng thường ngày như “văn phòng tứ bảo” (bốn vật thường dùng trong thư phòng), quần áo, mũ nón, giày dép cũng đều có hoa văn cát tường. Vì vậy có thể thấy hoa văn cát tường là hình thức nghệ thuật mà người sang hay người hèn, người giàu hay người nghèo đều có thể thưởng thức được.

Cặp lồng tráng men có hoa văn mây thời nhà Thanh hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan. (Ảnh: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Hoa văn cát tường còn là vật dẫn độc đáo thể hiện nội hàm văn hóa, thể hiện tín ngưỡng của dân chúng. Nó có một ảnh hưởng rất lớn đến sự sáng tạo của các loại hình nghệ thuật khác như thư pháp, hội họa, thủ công mỹ nghệ và kịch nghệ.


Con người vô cùng coi trọng nhân sinh đại sự như hôn tang, giá thú, sinh con nối dõi, mạnh khoẻ trường thọ, thăng quan phát tài, kết giao bè bạn… Người làm quan thì mong được “thăng quan tiến chức” (tranh gà trống và hoa mào gà), được “đeo ấn phong hầu” (đồ án con ong, con khỉ, và ấn quan). Người dân thường thì cầu mong được may mắn và sức khỏe lâu dài, thể hiện qua tranh “tam dương khai thái” (3 con dê và mặt trời), “đại phú đại quý” (tranh hoa mẫu đơn), “bát tiên khánh thọ” (sống lâu), mong con cái thành người tài đức “vọng tử thành long” (tranh em bé ôm cá chép),… Vì vậy, có thể thấy giá trị của hoa văn cát tường trong đời sống tinh thần của người xưa là vô cùng to lớn.

Tổng quan mà xét hoa văn cát tường thường có những phương diện chủ đề sau:

Hoa văn được tạo nên từ các nhân vật truyền thuyết và thần thoại, như hình tượng con rồng, con phượng, con hạc.

Với sự phổ truyền của Phật giáo trong dân gian, các mẫu bảo vật Phật giáo hay pháp khí của người tu hành đã trở thành thành phần chính của các hoa văn cát tường, như hoa văn chữ vạn, bánh xe, ô…

Hoa văn sử dụng các ký tự mang ý nghĩa tốt lành và các biến dạng của chúng để làm chủ đề vẽ hoa văn, như chữ “phúc”, “thọ”, “lộc”

Sử dụng những hiện tượng hay động thực vật trong tự nhiên vừa quý hiếm lại vừa mang ý tốt lành như cỏ lan chi, hoa mai, chim muông…


Chủ đề của hoa văn cát tường là rất đa dạng và phong phú. Nhưng xưa nay, mọi người đều hy vọng được sống mạnh khoẻ trường thọ, vì vậy hoa văn trường thọ chiếm một tỉ lệ lớn. Hoa văn chúc tụng trường thọ thường có nhất là “tùng bách” muôn đời xanh tươi, có “tiên hạc” theo truyền thuyết sống lâu mấy ngàn năm, có “tiên thảo” linh chi theo truyền thuyết ăn vào có thể sống lâu trăm tuổi và quả “bàn đào” ăn vào khiến người ta trường sinh bất lão.

Bức bình phong “Thập trường sinh đồ”. (Tranh qua Neh.gov, Public Domain)


Các kiểu chữ “thọ” khác nhau cũng được sử dụng với ngụ ý khác nhau, chữ hình dài gọi là “trường thọ” , chữ hình tròn gọi là “viên thọ”, người ta đến lúc qua đời mà không đau ốm bệnh tật gì thì gọi là “viên thọ” . Ngoài ra, mọi người còn đem những vật nói trên thêm vào những tổ hợp khác nhau trở thành “Tùng hạc diên niên”, “Vạn phúc lưu vân”, “Tường vân hạc thọ”, “Bách hoa hiến thọ”, “Cửu long hiến thọ”, “Ma Cô hiến thọ”


Theo NTDTV
An Hòa biên tập


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook