Ý kiến: Đàn áp bạo lực biểu tình ở Trung Quốc có thể là kết thúc đối với ông Tập
Một cựu lãnh đạo của cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 cho biết phản ứng “bạo lực” của Bắc Kinh đối với các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Trung Quốc có thể dẫn đến sự sụp đổ của Đảng Cộng sản (ĐCSTQ).
Embed from Getty Images
Trong một bài đăng trên Facebook vào Chủ nhật, ông Vương Đan cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình không nên huy động quân đội, nói rằng nếu ĐCSTQ áp dụng “các chính sách đàn áp bạo lực” hoặc nổ súng vào những người biểu tình như năm 1989, thì “sự sụp đổ” của ĐCSTQ có thể sớm xảy ra.
“Tôi đã nói từ trước rằng ‘ngày 4 tháng 6’ chỉ xảy ra một lần. Nếu ĐCSTQ dám huy động quân đội để nổ súng một lần nữa, ĐCSTQ chắc chắn sẽ bị lật đổ”, ông Vương viết.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp Trung Quốc nhằm phản ứng với chính sách Zero COVID của ông Tập, chính sách được cho là nguyên nhân dẫn đến cái chết của 10 người trong vụ cháy chung cư ở thành phố Urumqi, sau khi các biện pháp phong tỏa làm trì hoãn việc cứu hộ nạn nhân.
Sự phản kháng hiếm hoi chống lại ĐCSTQ cầm quyền đã gợi lại những ký ức về sự kiện Thiên An Môn vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, khi những người biểu tình ủng hộ dân chủ chiếm quảng trường thành phố Bắc Kinh đã bị quân đội vũ trang đàn áp dã man. Ước tính số người chết dao động từ vài trăm đến vài nghìn.
Ông Vương Đan hiện đang sống ở Hoa Kỳ với tư cách là một nhà hoạt động chính trị lưu vong. Ông là một trong những người tổ chức nổi bật của các cuộc biểu tình năm 1989. Với vai trò lãnh đạo này, ông nằm ở vị trí hàng đầu trong danh sách “21 thủ lĩnh sinh viên Bắc Kinh bị truy nã gắt gao nhất” của Trung Quốc, theo Human Rights Watch.
Vào Chủ nhật, ông Vương cho biết việc tổ chức và các cuộc biểu tình chống lại Tập Cận Bình và ĐCSTQ gần đây đã mang lại “một kỷ nguyên mới ở Trung Quốc”. Ông chỉ ra rằng mặc dù thế giới có thể chưa “sẵn sàng” cho sự sụp đổ của đảng cộng sản, nhưng sự tan rã của Liên Xô “cũng xảy ra chỉ sau một đêm.”
“Nếu ĐCSTQ tái diễn đổ máu 33 năm sau, điều này có thể dẫn đến phản tác dụng nhiều hơn trước,” nhà hoạt động cảnh báo trong một video trên YouTube.
Cư dân ở các thành phố như Urumqi đã bị phong tỏa hơn 100 ngày, buộc nhiều người phải ở trong nhà.
Luật COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc và việc nước này từ chối nhập khẩu vắc-xin nước ngoài cũng đã gây thiệt hại kinh tế cho đất nước. Các quan chức Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng phản ứng với virus hiện tại của Bắc Kinh có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Các cuộc biểu tình gần đây ở Trung Quốc không chỉ là một sự thách thức hiếm hoi đối với ĐCSTQ, mà một số người biểu tình đã đi xa đến mức kêu gọi lật đổ ông Tập.
Cựu nhà ngoại giao Roger Garside, người từng hai lần phục vụ tại Đại sứ quán Anh ở Bắc Kinh, cho biết những lời kêu gọi đó là nguyên nhân khiến cơn thịnh nộ hiện nay ở Trung Quốc thậm chí còn trở thành một bước ngoặt hơn so với cơn giận dữ đã thấy cách đây hơn ba thập kỷ.
“Điều này chưa từng xảy ra trước đây kể từ khi Đảng Cộng sản bắt đầu cầm quyền ở Trung Quốc vào năm 1949. Ngay cả vào năm 1989, mọi người cũng không kêu gọi rõ ràng nhà lãnh đạo ‘từ chức’ hay Đảng Cộng sản làm như vậy,” ông Garside nói với The Sun.
“Khi đưa ra những yêu cầu chính trị rõ ràng như vậy, mọi người đã vượt qua ranh giới đỏ về tâm lý và chính trị,” ông nói. “Không có điểm quay đầu lại.”
Ông Garside cho biết mặc dù cảnh sát Trung Quốc đã thể hiện sự kiềm chế cho đến nay, nhưng chính quyền cuối cùng sẽ ra lệnh sử dụng vũ lực.
Ông cho biết mặc dù một số sĩ quan sẽ tuân theo mệnh lệnh và có thể giết người biểu tình, nhưng những người khác có thể chống lại ĐCSTQ, “và sau đó mệnh lệnh sẽ bị phá vỡ hoặc Tập Cận Bình sẽ bị lật đổ trong một cuộc đảo chính.”
Lê Vy (theo Newsweek)
Du học sinh Trung Quốc trên thế giới biểu tình yêu cầu ĐCSTQ trả lại quyền lực Làn sóng phản đối ĐCSTQ, liên quan đến ‘Zero COVID’ và những hạn chế hà khắc đối với quyền tự do dân sự, tiếp tục lan rộng ra quốc tế.