“Xuống tiền” mua bất động sản lúc này, nên hay không?

Chia sẻ Facebook
04/07/2022 13:58:31

Theo các chuyên gia, nếu nhà đầu tư bỏ tiền vào bất động sản giai đoạn chỉ nên chọn mua các sản phẩm có hiệu quả khai thác. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư lâu năm sẽ dễ dàng tìm kiếm, còn với những người mới có thể nên chờ thị trường vào chu kỳ mới.

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản xuất hiện nhiều trường hợp bán cắt lỗ. Tình trạng này diễn ra chủ yếu từ những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính lớn, ôm đất vị trí xấu và lo thị trường hạ nhiệt sẽ còn giảm sâu. Chứng kiến thị trường như vậy, nhiều người có tiền nhàn rỗi vẫn chọn bất động sản là kênh đầu tư và trú ẩn cho nguồn vốn khi lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, giai đoạn thị trường bất động sản đang bất định, nhà đầu tư cũng bày tỏ sự lo lắng.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers tại Việt Nam nêu quan điểm, hiện không ít nhà đầu tư đang có tâm lý lạc quan về dài hạn nhưng khá thận trọng trong giai đoạn hiện tại. Họ đang chú ý nhiều đến thông tin về chính sách vĩ mô liên quan đến việc kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, động thái của các chủ đầu tư, thanh khoản thị trường và một số thông t in kinh tế quan trọng khác.

Tâm lý của nhà đầu tư cũng khác biệt ở các phân khúc. Phân khúc căn hộ giá vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu ở thực tại khu vực vùng ven các thành phố lớn sẽ nhận được sự quan tâm khá nhiều từ nhà đầu tư. Xét các yếu tố như tốc độ đô thị hoá nhanh hay dân số trẻ đông đảo với nhu cầu ở thực cao thì loại hình căn hộ này có tiềm năng tăng giá về dài hạn, cũng là kênh bảo toàn vốn tốt.

"Mặc dù thị trường có một số thông tin khiến các nhà đầu tư băn khoăn, thận trọng nhưng chứng kiến đà hồi phục kinh tế khá năng động cùng với tiềm năng phát triển mạnh mẽ của Việt Nam, có thể một số nhà đầu tư đang có tâm lý "fomo" – sợ cơ hội bị bỏ lỡ. Họ tin rằng một chu kỳ tăng trưởng mới đang mở ra và cần phải tìm cách tận dụng, đón đầu", chuyên gia Colliers Việt Nam cho hay.

Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nguồn cung nhà ở tại Việt Nam trong thời gian tới còn rất hạn chế, chính vì vậy việc giảm giá bất động sản là rất khó xảy ra.

Phân tích thêm, ông Khương cho rằng, ở Việt Nam, mặc dù từ năm 1975 đến nay nền kinh tế cũng trải qua một số biến cố như cuộc khủng hoảng 1997-1998, 2007-2008, 2011-2012 và gần nhất là giai đoạn 2020- 2021. Riêng chỉ có giai đoạn 2011-2012 là giá bất động sản trên toàn thị trường giảm đến 30% bởi khi đó các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Còn lại, thực tế cho thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, bất động sản lại tăng giá.

"Có chăng, ở thị trường thứ cấp việc cắt lỗ sẽ diễn ra mạnh hơn do thị trường tiếp tục bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường. Những nhà đầu sở hữu bất động sản có sử dụng đòn bẩy tài chính có thể sự chịu đựng bị lung lay và quyết định bán ra để thu hồi vốn, thậm chí bán dưới giá vốn mua vào. Nhưng đây chỉ là số ít, không đại diện cho toàn thị trường bất động sản", ông Khương cho biết.

Chính vì vậy, theo chuyên gia Savills Việt Nam, đối với các nhà đầu tư, trước khi quyết định xuống tiền, cần chú ý về giá và pháp lý của bất động sản. Đối với những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản vào lúc này, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó. Sẽ là hợp lý nếu khoản tiền này được đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh thị trường biến động.

Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư đang rút khỏi thị trường bởi áp lực lãi vay và chấp nhận bán cắt lỗ. Một số nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tìm thấy các sản phẩm giá tốt để mua nhưng các nhà đầu tư F0, ít kinh nghiệm thì nên cảnh giác với những rủi ro khi thị trường chững lại.

Vị này cho rằng, các nhà đầu tư nên chờ đợi và tiếp tục quan sát các diễn biến tiếp theo của thị trường. Nếu vẫn chọn mua bất động sản ở thời điểm này, người mua cần cân nhắc nhiều yếu tố.

Cụ thể, chỉ nên chọn mua các sản phẩm có hiệu quả khai thác, không mua theo số đông. Bên cạnh đó, nhà đầu tư không nên vay ngân hàng để mua lúc này bởi khả năng được duyệt hồ sơ không cao và lãi suất có thể tăng trong thời gian tới.


Theo Thanh Phong

Nhịp Sống Kinh tế

Chia sẻ Facebook