Xung đột sắp cán mốc 6 tháng, điều gì đón đợi Nga và Ukraine?

Chia sẻ Facebook
24/08/2022 00:49:14

Bất chấp sự kháng cự của người Ukraine, Nga dường như vẫn sẵn sàng trả giá cho một cuộc chiến tiêu hao kéo dài.


Đã gần tròn 6 tháng kể từ khi Nga đem quân vào Ukraine. Nay cuộc xung đột đã biến thành một chiến dịch dồn dập gồm các cuộc không kích hàng ngày, các cuộc đọ sức pháo binh và các trận chiến không có kết cục rõ ràng.

Phần lớn miền Đông và miền Nam đất nước đã nằm dưới sự kiểm soát của người Nga, khiến Ukraine dần mất quyền tiếp cận Biển Đen nơi có các cảng quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc vốn là huyết mạch của nền kinh tế quốc gia Đông Âu.

Nga cũng đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy chiến dịch của Moscow nhằm “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine sẽ kết thúc.

Khí tài quân sự và dữ liệu tình báo từ châu Âu và Mỹ đã cho phép các lực lượng Ukraine làm chậm - nhưng không đình trệ - bước tiến của các lực lượng Nga ở Donbass và dọc theo bờ Biển Đen.

Quân nhân Ukraine bắn súng cối vào chiến tuyến ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: The Guardian

Nhưng nguồn cung khí tài quân sự không phải vô tận, trong khi cam kết trợ giúp của phương Tây đóng vai trò quan trọng với cuộc chiến của người Ukraine.

“Người dân Ukraine đoàn kết và ủng hộ chính phủ cho đến nay, nhưng sự ổn định đó cũng phụ thuộc rất nhiều vào ý tưởng rằng phương Tây giúp Ukraine trong cuộc chiến này”, ông Dimitri Minic, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp ở Paris, cho biết.

Sự xuất hiện của thời tiết lạnh giá trong mùa đông tới đây cũng sẽ thử thách lòng quyết tâm của người Ukraine khi họ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu, mất điện hoặc thiếu nhiên liệu sưởi ấm và những khó khăn khác, đặc biệt là nếu ngày càng có nhiều người phải rời bỏ nhà cửa do giao tranh.


Tên lửa dội xuống miền Nam Ukraine

Ở miền Nam Ukraine, đạn pháo binh dội xuống thành phố Nikopol gần Zaporizhzhia - nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu, và tên lửa Nga tấn công vào khu vực gần cảng Odessa trên Biển Đen là những diễn biến mới nhất trong cuộc giao tranh ác liệt giữa Nga và Ukraine nay đã sắp tròn nửa năm.

Thống đốc vùng Dnipropetrovsk, Valentyn Reznichenko, cho biết trên Telegram hôm 21/8 rằng thành phố Nikopol đã bị pháo kích 5 lần trong đêm, với việc 25 quả đạn pháo bắn trúng thành phố, gây ra hỏa hoạn tại một cơ sở công nghiệp và làm mất nguồn cung điện cho 3.000 cư dân địa phương.

Các cuộc giao tranh gần Zaporizhzhia và cuộc tấn công tên lửa hôm 20/8 vào thị trấn Voznesensk, miền Nam Ukraine, không xa nhà máy điện hạt nhân lớn thứ hai của Ukraine, làm dấy lên lo ngại về một vụ tai nạn hạt nhân.

Chính quyền địa phương cũng báo cáo các cuộc tấn công tên lửa trong đêm ở khu vực Odessa, miền Nam Ukraine, nơi có các cảng quan trọng đối với kế hoạch do Liên Hợp Quốc (LHQ) làm trung gian nhằm giúp nông sản của Ukraine tiếp cận thị trường thế giới một lần nữa.

Một tòa nhà dân cư bị hư hại bởi một cuộc tấn công tên lửa ở vùng Mykolaiv, miền Nam Ukraine, ngày 21/8/2022. Ảnh: Al Jazeera

Một phụ nữ đi ngang qua một cửa hàng bị phá hủy trong cuộc pháo kích ở thành phố Nikopol, miền Nam Ukraine, gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, ngày 21/8/2022. Ảnh: The Guardian

5 tên lửa hành trình Kalibr của Nga đã được bắn từ Biển Đen vào khu vực trong đêm, một phát ngôn viên của chính quyền khu vực Odessa cho biết hôm 21/8, trích dẫn thông tin từ Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam của Ukraine. Trong số đó, 2 quả tên lửa đã bị phòng không Ukraine bắn hạ và 3 quả đánh trúng mục tiêu nông nghiệp, nhưng không có thương vong.

Trong khi Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tên lửa của họ đã phá hủy một kho đạn chứa tên lửa cho hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất, Kiev cho biết tên lửa Nga đã đánh trúng một vựa lúa.

Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, các lực lượng của họ đã phá hủy 2 khẩu pháo M777 tại các vị trí chiến đấu ở khu vực Kherson và một kho nhiên liệu ở khu vực Zaporizhzhia, tất cả đều nằm ở miền Nam Ukraine.

Trong một bản cập nhật hàng ngày trên Facebook hôm 21/8, Bộ tổng tham mưu Ukraine cho biết, các lực lượng Nga đã tiến hành một cuộc tấn công thành công vào làng Blahodatne ở biên giới giữa vùng Kherson và Mykolaiv. Thành phố Mykolaiv đã bị trúng nhiều tên lửa S-300 vào sáng sớm ngày 21/8, thống đốc khu vực Vitaliy Kim cho biết trên Telegram.

Các hãng thông tấn thừa nhận không thể xác minh độc lập các báo cáo chiến trường.


Ukraine sẽ kỷ niệm Quốc khánh theo cách đặc biệt

Ngày 24/8 đánh dấu ngày Quốc hội Ukraine tuyên bố tách khỏi Liên Xô vào năm 1991. Ngày này năm nay cũng sẽ đánh dấu 6 tháng kể từ khi xung đột với Nga bắt đầu. Ukraine sẽ kỷ niệm ngày này theo cách khác so với thông thường trong bối cảnh hiện tại.

Lễ kỷ niệm Quốc khánh Ukraine năm nay sẽ không được tổ chức theo cách thông thường trong bối cảnh xung đột với Nga vẫn chưa từng hạ nhiệt.

Năm nay, thay vì các cuộc diễu hành mà Tổng thống Zelenskyy cho là lãng phí, quân đội Ukraine sẽ xếp hàng dọc theo các tuyến phố của thủ đô Kiev, ngay cạnh các khí tài quân sự Nga bị phá hủy và rỉ sét.

“Dù rất buồn, nhưng tôi nghĩ làm vậy là phù hợp”, ông Mykhailo Virchenko, một người dân ở Kiev, nói với NPR khi ông và vợ mình, bà Lubov, đi dạo qua khu đại lộ trung tâm, nơi trưng bày các thiết bị quân sự hôm 21/8.

“Chúng tôi hy vọng có thể ăn mừng độc lập mà không cần vũ khí trong tương lai. Thay vào đó, có thể bằng hoa và các điệu nhảy”, bà Lubov cho biết.

Lễ kỷ niệm Quốc khánh Ukraine năm 2022 sẽ không được tổ chức theo cách thông thường trong bối cảnh xung đột với Nga vẫn chưa từng hạ nhiệt. Ảnh: NPR

Người Ukraine đến thăm một đại lộ, nơi trưng bày các phương tiện quân sự bị phá hủy của Nga ở thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh: NPR

Các quan chức Ukraine đang cảnh báo dân thường không nên tụ tập ở các thành phố lớn trước kỳ nghỉ lễ.

“Nga có thể cố gắng làm điều gì đó đặc biệt tồi tệ, một điều gì đó đặc biệt”, oong Zelenskyy cảnh báo người dân trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 20/8.

Bộ Văn hóa Ukraine đã xác nhận sẽ không có bất kỳ lễ kỷ niệm công cộng nào để đánh dấu ngày Quốc khánh. Lệnh thiết quân luật hiện hành nghiêm cấm các cuộc tụ tập đông người ở nơi công cộng.

“Tôi nghĩ chúng ta chỉ có thể ăn mừng một khi giành chiến thắng”, ông Valentyn Paska, một cư dân Kiev, nói với NPR. “Tôi sẽ đi làm như bình thường vào ngày hôm đó”.

Thay vì các hoạt động kỷ niệm như mọi năm, quân đội Ukraine sẽ tiến hành các nghi lễ chào cờ riêng, và một số đài tưởng niệm ở thủ đô sẽ được chiếu sáng bằng màu xanh lam và màu vàng, màu của quốc kỳ Ukraine, vào ngày Quốc khánh của đất nước Đông Âu (24/8).

Nga điều tra vụ đánh bom xe, Ukraine phủ nhận trách nhiệm

Ukraine hôm 21/8 đã lên tiếng phủ nhận liên quan đến vụ đánh bom xe khiến con gái của ông Alexander Dugin, một đồng minh trung thành của Tổng thống Nga Vladimir Putin, thiệt mạng.

Daria Dugina, 29 tuổi, đã thiệt mạng sau khi chiếc SUV mà cô đang lái phát nổ ở ngoại ô Moscow vào tối hôm 20/8, theo các nhà chức trách Nga.

Một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã nhanh chóng phủ nhận cáo buộc sau khi một số quan chức Nga đổ lỗi cho cuộc tấn công là do “những kẻ khủng bố” ở Ukraine thực hiện.

“Ukraine, tất nhiên, không liên quan gì đến vụ nổ ngày hôm qua”, ông Mykhailo Podolyak tuyên bố hôm 21/8.

“Chúng tôi không phải là một quốc gia tội phạm, và chắc chắn cũng không phải là một quốc gia khủng bố”.

Ủy ban Điều tra Nga cho biết, thông tin sơ bộ từ cuộc điều tra vụ án mạng cho thấy một quả bom đã được gài vào chiếc xe mà Dugina đang lái khi cô trở về từ một lễ hội văn hóa mà cô đã tham dự cùng cha mình, ông Alexander Dugin.

Có rất nhiều suy đoán rằng cha cô - một nhà văn và nhà triết học theo chủ nghĩa dân tộc thường được gọi là “bộ não của ông Putin” - là mục tiêu dự kiến của cuộc tấn công có chủ đích.

Các nhân chứng cho biết ông Dugin, chủ sở hữu chiếc SUV gặp nạn, đã quyết định rời lễ hội vào phút chót bằng một chiếc xe khác, theo truyền thông Nga.

Đoạn phim được quay tại hiện trường vụ nổ trên đường cao tốc Mozhaisk cho thấy, ông Dugin rõ ràng bị sốc và đưa tay qua đầu khi nhìn qua xác chiếc ô tô đang bốc cháy.

Các điều tra viên làm việc tại hiện trường vụ nổ xe khiến con gái ông Alexander Dugin thiệt mạng, ở khu vực Moscow, ngày 21/8/2022. Ảnh: New York Post

Ông Denis Pushilin, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, khu vực thân Nga là tâm điểm của cuộc chiến ở Ukraine, ngay lập tức đổ lỗi vụ đánh bom là do “những kẻ khủng bố của chế độ Ukraine, đang cố tiêu diệt ông Alexander Dugin”.

Ông Abbas Gallyamov, người từng viết bài phát biểu cho ông Putin và là nhà phân tích chính trị, gọi cuộc tấn công là “một hành động đe dọa” nhằm vào những người trung thành với Điện Kremlin.

Chưa có ai chính thức nhận trách nhiệm về vụ nổ.


Dugin là người ủng hộ tư tưởng “ Thế giới Nga” và là người ủng hộ kịch liệt quyết định phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine của Tổng thống Putin.

Con gái của ông Dugin, một nhà bình luận truyền hình và là người ủng hộ ông Putin, cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

Nga nói về khả năng tổ chức đàm phán cấp Nguyên thủ Quốc gia


Nga nhận thấy rất ít cơ hội đạt được một thỏa thuận hòa bình thông qua đàm phán ở Ukraine mặc dù iên Hợp Quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng rằng thỏa thuận ngũ cốc gần đây có thể mở đường cho một lệnh ngừng bắn, ông Gennady Gatilov, Đại diện thường trực của Nga tại các cơ quan LHQ ở Geneva, cho biết, hãng thông tấn Nga TASS đưa tin hôm 22/8.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, ông Gatilov cho biết cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy không có khả năng xảy ra.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã sử dụng chuyến thăm Ukraine vào tuần trước để yêu cầu tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình sau gần 6 tháng giao tranh.

Tuy nhiên, ông Gatilov cho rằng LHQ đã trở nên “quá chính trị hóa” trong việc dàn xếp các cuộc đàm phán hòa bình một cách hiệu quả và cho biết các mối liên hệ giữa Nga, Ukraine và các cường quốc phương Tây ủng hộ ông Zelenskyy đã cạn kiệt.

“Hiện tại, tôi không thấy có khả năng nào cho các cuộc tiếp xúc ngoại giao. Và xung đột càng kéo dài thì càng khó có giải pháp ngoại giao”, ông cho biết.


“Chúng tôi không có bất kỳ liên hệ nào với các phái đoàn phương Tây. Về mặt nghi thức, chúng tôi không gặp nhau. Về mặt cá nhân, chúng tôi không có bất kỳ liên hệ nào, tiếc là... chúng tôi không thể đối thoại với nhau” .


Minh Đức (Theo New York Post, NPR, Reuters, DW)

Chia sẻ Facebook