Xung đột ở Ukraine: Quân Nga vẫn chưa “đạt đến nhịp độ tối đa”
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc tấn công lớn của Nga ở chiến tuyến miền Đông đã bắt đầu.
Nga đã phát động một cuộc tấn công lớn ở miền Đông Ukraine và đang cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ gần thị trấn Kreminna, ông Serhiy Haidai, quan chức đứng đầu khu vực Luhansk do Ukraine bổ nhiệm, cho biết hôm 9/2.
Ông Haidai nói với kênh truyền hình Ukraine rằng, quân đội Nga đã tấn công và đang cố gắng tiến về phía tây qua một vùng tuyết và rừng mùa đông. Đã có “sự leo thang tối đa” và sự gia tăng lớn trong các vụ bắn phá và pháo kích, ông Haidai cho biết.
“Những cuộc tấn công này thực tế xảy ra hàng ngày. Chúng tôi thấy các nhóm nhỏ lính Nga đang cố gắng tiến lên, đôi khi với sự hỗ trợ của thiết giáp hạng nặng – xe chiến đấu bộ binh và xe tăng – và đôi khi thì không. Nhưng hỏa lực thì không ngớt”.
Vị quan chức Ukraine tuyên bố cuộc tấn công của Nga đã không hiệu quả. “Cho đến nay họ vẫn chưa có bất kỳ thành công nào. Quân phòng vệ của chúng tôi đã ngăn chặn họ hoàn toàn”, ông nói.
Dấu hiệu về cuộc tấn công lớn
Các chính phủ phương Tây tin rằng Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công lớn vào Ukraine, có thể sớm nhất là vào tuần tới, trước khi xung đột tròn 1 năm vào ngày 24/2. Mục tiêu chính của cuộc tấn công được cho là để giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Donbass, bao gồm Luhansk và Donetsk, từ tay quân Ukraine.
Mặc dù thời điểm diễn ra cuộc tấn công là không xác định, các nguồn tin chính phủ Ukraine vẫn nói về một kịch bản, trong đó không ngoại trừ các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào các thành phố lớn bao gồm Kiev, và nỗ lực cắt đứt khu vực miền Đông đất nước bằng cách ném bom các cây cầu và tiến công theo hình vòng cung từ phía bắc và phía nam.
Các nhà phân tích quân sự nghi ngờ rằng Nga có đủ các đơn vị bộ binh để tiến nhanh vào lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng một số khu vực giáp giới Ukraine-Nga đang được bảo vệ thưa thớt, trong khi phần lớn các lực lượng Ukraine đóng tại khu vực Donetsk ở miền Đông, nơi giao tranh vẫn đang diễn ra dữ dội xung quanh thành phố Bakhmut.
Các lực lượng Nga hiện đang tiến về phía trước, dọc theo một mặt trận rộng lớn ở phía tây của các thị trấn Svatove và Kreminna thuộc vùng Lugansk.
Một khi xuyên thủng các phòng tuyến của Ukraine ở đây, các lực lượng Nga sẽ có thể tiến một bước gần hơn tới thành phố Kramatorsk lớn hơn nhiều thuộc vùng Donetsk lân cận. Đây là một trung tâm quân sự quan trọng của Ukraine.
Ông Haidai cho biết, Ukraine cần “thiết bị hạng nặng và đạn pháo, khi đó chúng tôi sẽ không chỉ có thể duy trì khả năng phòng thủ mà còn thực hiện một chiến dịch phản công hiệu quả”.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trong bản đánh giá mới nhất về chiến sự hôm 8/2, đã xác nhận “sự gia tăng rõ rệt” trong các hoạt động trong khu vực trong tuần qua.
Tổ chức tư vấn này cho biết, Nga đã đạt được những lợi ích nhỏ dọc theo biên giới giữa các tỉnh Kharkiv và Luhansk, bao gồm cả ở làng Dvorichne. Cuộc tấn công có lẽ vẫn chưa “đạt đến nhịp độ tối đa”, ISW đánh giá.
Ông Anton Gerashchenko, một cố vấn cho Bộ Nội vụ Ukraine, và là người điều hành một kênh truyền thông xã hội Telegram nổi tiếng, cũng cho rằng cuộc tấn công của Nga đã bắt đầu. Ông viết: “Nga ném một lượng lớn khí tài và nhân lực để tấn công Ukraine, và nó đã như vậy trong một thời gian”.
Ở mặt trận Donetsk, giao tranh tiếp tục diễn ra gần Bakhmut, nơi các lực lượng Nga đã cố gắng giành quyền kiểm soát kể từ mùa hè năm ngoái.
Một chỉ huy Ukraine nói với một phóng viên phương Tây rằng quân phòng thủ của họ có thể cầm cự trong “một hoặc hai tháng nữa”.
Ông Michael Kofman, giám đốc nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Virginia, Mỹ, cho rằng tình hình xung quanh Bakhmut “ngày càng trở nên bấp bênh đối với quân đội Ukraine, và tôi sẽ không ngạc nhiên nếu cuối cùng họ rút khỏi thành phố”.
Nhưng cuộc giao tranh ác liệt nhất lại diễn ra ở cuối phía nam của mặt trận, nơi các lực lượng Nga được cho là đã triển khai 6 nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn tới Vuhledar, một thị trấn khai thác than ở vùng Donetsk, đặt các binh sĩ Ukraine vào thế phòng thủ.
Trận chiến kéo dài 3 ngày ở Vuhledar lên đến đỉnh điểm vào ngày 6/2, khi quân đội Ukraine báo cáo rằng họ đã tiêu diệt hơn 1.000 lính Nga trong một ngày, đồng thời phá hủy 14 xe tăng và 28 xe bọc thép chở quân - một con số phi thường. Theo một sĩ quan dự bị Ukraine, khoảng 30 phương tiện trong số đó đã bị hư hỏng hoặc phá hủy ở khu vực Vuhledar.
Nga cũng tuyên bố tổn thất nặng nề của phía Ukraine. Al Jazeera cho biết họ không thể xác minh độc lập các tuyên bố trên chiến trường.
Vấn đề m áy bay chiến đấu
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đêm hôm 9/2 đã cáo buộc Đức chần chừ trong việc cung cấp vũ khí tiên tiến để giúp đất nước ông đẩy lùi quân đội Nga.
Để thể hiện sự thất vọng, Tổng thống Ukraine cho biết ông “liên tục phải thuyết phục” Thủ tướng Olaf Scholz về việc làm thế nào để đánh bật quân Nga ra khỏi đất nước của ông.
Những bình luận của ông Zelensky trái ngược hoàn toàn với những lời khen ngợi hôm 8/2 chính ông dành cho nước Anh trong chuyến công du bất ngờ tới London.
Ông Zelensky nói với trang web tin tức Der Spiegel của Đức: “Tôi phải gây áp lực để giúp đỡ Ukraine và liên tục thuyết phục ông ấy rằng sự giúp đỡ này không dành cho chúng tôi mà dành cho người châu Âu. Mối quan hệ của chúng tôi với nước Đức có lúc lên lúc xuống”.
Tổng thống Zelensky đã hội đàm với các nhà lãnh đạo EU tại Brussels hôm 9/2, và có một bài phát biểu sôi nổi trước Nghị viện châu Âu nhằm tìm kiếm thêm viện trợ vũ khí tiên tiến cho Ukraine, tương tự như bài phát biểu truyền cảm hứng tại Cung điện Westminster (London, Anh) hôm 8/2, trong đó ông nói rằng đất nước của ông cần “đôi cánh vì tự do”.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU tỏ ra lạnh nhạt trước lời kêu gọi của ông Zelensky đối với máy bay chiến đấu, bày tỏ nghi ngờ về việc có nên phê chuẩn việc triển khai chúng hay không.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết các nhà lãnh đạo NATO trước tiên sẽ phải xem xét nguy cơ gửi máy bay chiến đấu có thể kéo châu Âu sâu hơn vào cuộc xung đột.
“Những quyết định như thế này, các vị phải đưa ra đằng sau những cánh cửa đóng kín. Bởi vì có nhiều vấn đề nhạy cảm cần được thảo luận, những ưu và nhược điểm”, ông Rutte nói. “Các vị phải hoàn toàn chắc chắn rằng mình sẽ không rơi vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga theo Điều 5 của NATO”.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, một trong những đồng minh trung thành nhất của Ukraine, cho biết: “Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng, chúng tôi chỉ có thể hành động trong toàn bộ đội hình của NATO. Chúng tôi sẽ không phải là những người đầu tiên bàn giao máy bay chiến đấu, nhưng chúng tôi sẽ phản ứng tích cực, với điều kiện là những nước có nhiều máy bay phản lực nhất sẽ có thể cung cấp chúng cho Ukraine”.
Trong trường hợp của Anh, mặc dù trước đó Thủ tướng Rishi Sunak đã nói tại một cuộc họp báo chung với ông Zelensky hôm 8/2 rằng “không có gì loại trừ” khi nói đến việc cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine.
Nhưng hôm 9/2, khi được hỏi về mối lo ngại của một số đồng minh phương Tây rằng việc cung cấp máy bay phản lực có thể có nguy cơ kéo NATO vào cuộc xung đột với Nga, người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết, chính phủ Anh sẽ không gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine nếu có rủi ro đối với sự an toàn của nước Anh.
“Đầu tiên, chúng tôi chưa đưa ra quyết định về việc cung cấp máy bay phản lực, chúng tôi hiện đang cung cấp huấn luyện”, vị quan chức này nói. “Nhưng trọng điểm vẫn là máy bay chiến đấu là một thiết bị cực kỳ phức tạp”.
Trong một diễn biến khác, hôm 9/2, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết sẽ không có việc chuyển giao ngay lập tức các máy bay chiến đấu của Anh cho Ukraine.
“Anh không nói rằng đang gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine”, ông Wallace cho biết trong chuyến công du của mình tới thủ đô Rome của Italy.
Ông nói với Đài BBC rằng việc Anh tìm cách cung cấp máy bay cho Ukraine về lâu dài để đảm bảo an ninh cho nước này là “thực tế hơn và hiệu quả hơn” sau khi xung đột Nga-Ukraine kết thúc.
Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo phương Tây chớ có cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine.
Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga, hôm 9/2 tuyên bố Ukraine sẽ phải chịu thiệt hại nếu Anh hoặc các nước phương Tây khác cung cấp máy bay chiến đấu cho Kiev.
“Ranh giới giữa sự tham gia gián tiếp và trực tiếp đang dần biến mất. Người ta chỉ có thể bày tỏ sự hối tiếc về vấn đề này và nói rằng những hành động như vậy… dẫn đến căng thẳng leo thang, kéo dài xung đột và khiến cuộc xung đột ngày càng trở nên đau đớn hơn đối với Ukraine”, ông Peskov cho biết .
Minh Đức (Theo The Guardian, Daily Mail, Al Jazeera)