Xung đột Nga-Ukraine: Tìm kiếm hòa bình trong giao tranh liên miên
Mỹ và châu Âu muốn Nga vào thế phải lựa chọn giữa đàm phán hoặc đối mặt với một Ukraine mạnh hơn.
Sau gần 2 năm giao tranh, ngồi vào bàn đàm phán vẫn là điều cực kỳ xa vời đối với cả Ukraine và Nga dù tính cấp bách của các cuộc đàm phán hòa bình đã được nhấn mạnh kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.
Sự cấp bách này một lần nữa được phản ánh mạnh mẽ hơn kể từ tuyên bố của Tướng Valerii Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, về khả năng bế tắc ở tiền tuyến có thể kéo dài cuộc chiến trong nhiều năm.
Bất chấp những điều này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần khẳng định sẽ không có cuộc đàm phán nào diễn ra cho đến khi Nga rút hoàn toàn khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả Crimea. Trong khi đó, Nga cho rằng Ukraine thiếu “ý chí hòa bình”.
Vòng giao tranh luẩn quẩn
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS hôm 28/12, cáo buộc rằng Kiev chỉ nói về chiến tranh và sử dụng những lời lẽ gây hấn, và Tổng thống Ukraine thiếu “ý chí hòa bình”.
“Bất kỳ lệnh ngừng bắn nào đều không thể thực hiện được (đối với chính quyền Ukraine). Lệnh cấm đàm phán với giới lãnh đạo Nga, do ông Zelensky thiết lập vào ngày 30/9/2022, vẫn tiếp tục có hiệu lực. Các vị hãy tự rút ra kết luận”, nhà ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.
Ông Lavrov thừa nhận các sự kiện gần đây ở Trung Đông đã phần nào chuyển trọng tâm chú ý của công chúng khỏi Ukraine. Tuy nhiên, “gây thất bại chiến lược cho Nga” vẫn tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu của phương Tây, ông nói.
“Cái gọi là định dạng Ramstein tiếp tục hoạt động, trong đó đại diện của hơn 50 quốc gia thảo luận về các yêu cầu của Kiev về thiết bị quân sự và đạn dược hàng tháng”, ông Lavrov nói, đề cập đến các cuộc họp tại căn cứ không quân của Mỹ ở Đức.
“Cả Washington và Brussels đều không từ chối cung cấp hỗ trợ cho chế độ Kiev, nhận ra rằng nếu không có hỗ trợ, chế độ đó tất sẽ thất bại. Họ (phương Tây) vẫn cực kỳ quan tâm đến việc kìm hãm Nga bằng bàn tay và thân thể của người Ukraine”.
Chiến đấu cơ Su-35 của Nga yểm trợ cho các máy bay ném bom khỏi bị đối phương nhắm mục tiêu. Video đăng trên kênh Telegram của Sputnik, ngày 29/12/2023
Phương Tây đã cung cấp hỗ trợ nhân đạo, kinh tế và quân sự với khối lượng “chưa từng có tiền lệ” cho Ukraine để chiến đấu chống lại Nga kể từ khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” hồi tháng 2/2022. Nhưng sự ủng hộ này được cho là đang bị suy yếu trong bối cảnh tranh chấp chính trị nội bộ và thách thức tài chính ở cả đôi bờ Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng 12, Nhà Trắng đã bày tỏ ý định tiếp tục phối hợp với các chính phủ ở châu Âu nhằm buộc Moscow tham gia đàm phán hòa bình theo các điều khoản mà Kiev có thể đồng ý vào cuối năm 2024.
Ông Jonathan Finer, Phó cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden về An ninh Quốc gia, tuyên bố rằng nếu Nga từ chối các cuộc đàm phán dựa trên các điều khoản của Ukraine, Mỹ và châu Âu sẽ tăng cường hỗ trợ cho Kiev.
Chiến lược được đề xuất nhằm mục đích đẩy Nga vào thế phải lựa chọn giữa đàm phán hoặc đối mặt với một Ukraine mạnh hơn. Điều sau nghĩa là Kiev sẽ được hỗ trợ bởi một cơ sở công nghiệp tăng cường ở Mỹ, châu Âu và chính Ukraine, có khả năng sẽ kích hoạt một làn sóng giao tranh mới.
Đến Davos tìm kiếm hòa bình
Hôm 28/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm với Giáo hoàng Phanxico (Francis) và thảo luận về Công thức Hòa bình Ukraine (Ukraine Peace Formula).
Ông Zelensky lần đầu tiên công bố công thức hòa bình gồm 10 điểm vào tháng 11/2022. Kế hoạch hòa bình kêu gọi Nga rút quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, phóng thích tất cả tù nhân chiến tranh và hồi hương những người bị trục xuất. Công thức này cũng kêu gọi đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an toàn hạt nhân, theo tờ Kyiv Independent.
“Tôi vừa nói chuyện với Đức Thánh Cha Phanxico để bày tỏ lòng biết ơn về lời chúc Giáng sinh của ngài tới Ukraine và người dân Ukraine, vì những lời chúc hòa bình, một nền hòa bình công bằng cho tất cả chúng ta”, ông Zelensky cho biết khi nói về cuộc điện đàm trong bài phát biểu video hàng đêm trước toàn quốc.
Trong thông điệp Giáng sinh của mình, Đức Thánh Cha Phanxico khuyến khích cầu nguyện cho hòa bình và ổn định ở các quốc gia, trong đó có Ukraine. “Chúng tôi đã thảo luận về công việc chung của mình về Công thức Hòa bình, hơn 80 quốc gia đã tham gia. Tôi biết ơn Vatican vì đã hỗ trợ công việc của chúng tôi”, ông Zelensky cho biết.
Ông Zelensky đã gặp Giáo hoàng Phanxico trong chuyến thăm Vatican hồi tháng 5/2023 và 2 bên đã trò chuyện trong hơn nửa giờ.
Hồi đầu tháng 12, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ đã xác nhận rằng Công thức Hòa bình Ukraine sẽ được thảo luận trong vòng đàm phán tiếp theo được tổ chức ở Davos vào ngày 14/1/2024, một ngày trước khai mạc Hội nghị Thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Vòng đàm phán ở Davos sẽ dựa trên các cuộc thảo luận trong 3 vòng đàm phán trước đó được tổ chức trong năm 2023, tại Đan Mạch (tháng 6), tại Ả Rập Xê-út (tháng 8) và tại Malta (tháng 10). Theo Kiev, sự kiện gần nhất ở Malta có sự tham dự của đại diện từ 66 quốc gia và tổ chức quốc tế.
Hội nghị Hòa bình ở Davos sẽ do Thụy Sĩ và Ukraine đồng tổ chức và hy vọng sẽ tiếp tục thực hiện “Công thức Hòa bình” gồm 10 điểm của ông Zelensky. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là Tổng thống Ukraine vẫn từ chối tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga, và thay vào đó tiếp tục đi theo chủ nghĩa tối đa “chiến thắng bằng mọi giá” – chiến đấu cho đến khi tái chiếm lại toàn bộ lãnh thổ đã mất – bất chấp kết cục bế tắc của cuộc phản công mùa hè.
Vẫn còn phải xem hội nghị ở Davos sẽ đưa Ukraine đến gần hơn với hòa bình như thế nào, vì không có sự kiện tương tự nào trước đó mang lại bất kỳ kết quả rõ ràng nào. Phản ứng trước thông tin này, Moscow cho biết hội nghị bàn về Công thức Hòa bình Ukraine “không có khả năng dẫn đến hòa bình” vì họ chỉ cố gắng “đưa ra tối hậu thư của Ukraine” mà không có bất kỳ cuộc thảo luận nào với phía bên kia, tức là Nga .
Minh Đức (Theo Anadolu, Kyiv Independent, BNN Breaking, European Conservative)