Xung đột Nga-Ukraine: Không còn nhiều thời gian
Ukraine vẫn đang đạt được bước tiến trên thực địa, trong khi lệnh điều động của ông Putin có thể vẫn thành công trong việc củng cố các vị trí của quân đội Nga.
Tình báo Bộ Quốc phòng Anh, trong bản cập nhật chiến sự Nga -Ukraine hôm 26/9, đánh giá rằng các nhóm binh sĩ Nga đầu tiên được điều động theo lệnh tổng động viên một phần của Tổng thống Putin đã bắt đầu đến các căn cứ quân sự.
Ukraine hôm 26/9 cáo buộc các lực lượng Nga phóng 2 chiếc máy bay không người lái (UAV) vào khu vực Odessa, miền Nam Ukraine.
Hai chiếc UAV này đã bắn trúng các vật thể quân sự, gây ra hỏa hoạn và phát nổ kho đạn, Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam của Ukraine cho biết hôm 26/9.
“Do hậu quả của một vụ hỏa hoạn quy mô lớn và sự phát nổ của đạn dược, việc sơ tán dân thường đã được tổ chức”, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố trên Telegram. “Theo ước tính sơ bộ, không có thương vong”.
Đánh giá về tình hình trên thực địa, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) hôm 25/9 cho rằng thời tiết mùa thu với những cơn mưa kéo theo tình trạng bùn lầy bắt đầu hạn chế khả năng cơ động của xe tăng và các loại vũ khí hạng nặng khác trên chiến trường, từ đó cản trở nỗ lực của người Ukraine trong việc giành lại nhiều lãnh thổ hơn từ tay quân Nga trước khi mùa đông đóng băng các chiến tuyến.
Đã không còn nhiều thời gian trước khi mùa đông ập đến. Khi đó giao tranh sẽ trở nên phức tạp hơn.
Tuy nhiên, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington đánh giá rằng Ukraine vẫn đang đạt được bước tiến trong cuộc phản công trước Nga bắt đầu từ cuối tháng 8, vốn đã giúp họ giành lại một vạt lãnh thổ rộng lớn ở Đông Bắc và thúc đẩy ông Putin tăng viện cho chiến dịch của Nga ở Ukraine.
Ông Michael Kofman, một chuyên gia về quân đội Nga tại CNA Corp., một tổ chức nghiên cứu độc lập, cho rằng lực lượng mới được điều động có thể giúp ổn định các tuyến của Nga theo thời gian, nhưng không làm thay đổi đáng kể vị thế của họ trong cuộc chiến.
Quan trọng hơn, nó vẫn đủ để kiềm chế Nga không tiến hành bất kỳ hành động “liều lĩnh” nào, vị chuyên gia này nhận định, đề cập đến nguy cơ cuộc xung đột leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Ukraine tuyên bố bắn hạ UAV do Iran sản xuất ở Mykolaiv
Không quân Ukraine hôm 25/9 đã đăng đoạn phim cho thấy tàn tích được cho là của một chiếc máy bay không người lái (UAV) Shahed-136 – biệt danh sát thủ cảm tử kamikaze – do Iran sản xuất, mà họ tin rằng do Nga gửi đến thành phố Mykolaiv, miền Nam Ukraine.
Trong một tuyên bố, Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine cho biết, tên lửa phòng không của họ đã “phá hủy UAV Shahed-136 mà quân Nga đã cố gắng sử dụng để tấn công Mykolaiv”.
Các UAV Shahed-136 do Iran cung cấp cho Nga đã được sử dụng cho một số cuộc tấn công ở các vùng Kharkiv, Dnipropetrovsk, Odessa và Mykolaiv, theo các quan chức Ukraine.
Trước đó, hôm 23/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã lên án Iran vì đã cung cấp UAV cho Nga và hạ cấp quan hệ ngoại giao với quốc gia Trung Đông này.
Ngoài ra, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 25/9, ông Zelenskyy cũng cho biết rằng Ukraine đã nhận được các hệ thống phòng không tinh vi từ Mỹ.
Đây là sự thừa nhận đầu tiên từ phía Ukraine rằng họ đã nhận được hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến NASAMS mà Kiev yêu cầu từ lâu và được Washington chấp thuận giao hàng vào cuối tháng trước.
Ông Zelenskyy cũng cảm ơn Mỹ đã cung cấp cho đất nước ông các hệ thống HIMARS và các hệ thống tên lửa phóng loạt khác giúp Ukraine tiến công chống lại các lực lượng Nga.
Nga: Ukraine đứng sau cuộc tấn công vào khách sạn ở Kherson
Hai người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào một khách sạn ở thành phố Kherson hiện do các lực lượng của Moscow kiểm soát, các nhà chức trách thân Nga cho biết hôm 25/9.
Một quan chức cho biết, cựu nghị sĩ Ukraine thân Nga Oleksiy Jouravko là một trong những người thiệt mạng. Các nhà chức trách cho biết, một nhóm phóng viên Nga cũng có mặt tại khách sạn trong thời gian diễn ra cuộc tấn công.
“Hôm nay, vào khoảng 5h30 (9h30 giờ Hà Nội ), các lực lượng vũ trang Ukraine đã bắn một qủa tên lửa vào khách sạn Play Hotel by Ribas”, chính quyền khu vực do Nga bổ nhiệm cho biết trong một tuyên bố hôm 25/9.
“Theo dữ liệu sơ bộ, hai người đã thiệt mạng trong vụ khủng bố này. Các nhân viên cứu hộ vẫn đang đào bới các đống đổ nát để tìm kiếm các nạn nhân”.
Kherson là một trong những khu vực đang tổ chức cuộc “trưng cầu dân ý” về việc gia nhập Liên bang Nga.
Chưa có bình luận của phia Ukraine về cáo buộc trên.
Mỹ cảnh báo hậu quả thảm khốc nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 25/9 cho biết, Mỹ sẽ đáp trả dứt khoát đối với bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Nga nhằm vào Ukraine, và nước này đã thông báo cho Moscow những “hậu quả thảm khốc” mà Nga sẽ phải đối mặt.
“Nếu Nga vượt qua lằn ranh này, sẽ có những hậu quả thảm khốc đối với Nga. Mỹ sẽ đáp trả một cách dứt khoát”, ông Sullivan cho biết tại chương trình “Meet the Press” của Đài NBC.
Cảnh báo này của Mỹ được đưa ra sau tuyên bố gần đây của Tổng thống Vladimir Putin rằng Nga sẽ sử dụng “tất cả các phương tiện hiện có” để bảo vệ lãnh thổ của mình.
Ông Sullivan không mô tả bản chất của phản ứng dự kiến của Mỹ trong các bình luận của mình, nhưng cho biết rằng Mỹ đã liên lạc riêng với Nga để nói chi tiết hơn về ý nghĩa chính xác của phản ứng đó.
Nhật Bản công bố lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga
Nhật Bản đã quyết định cấm xuất khẩu hàng hóa liên quan đến vũ khí hóa học sang Nga, trong khuôn khổ một lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Moscow vì chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine, và bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết hôm 26/9.
Nhật Bản cũng bổ sung thêm 21 tổ chức của Nga, như phòng thí nghiệm khoa học, là mục tiêu của lệnh cấm xuất khẩu hiện tại, theo một tuyên bố của chính phủ Nhật Bản được công bố sau cuộc họp Nội các hôm 26/9, đồng thời chính thức thông qua các biện pháp trừng phạt mới được công bố tại một cuộc họp của các Ngoại trưởng G7 vào tuần trước.
“Nhật Bản quan ngại sâu sắc về khả năng vũ khí hạt nhân được sử dụng trong xung đột Nga-Ukraine”, ông Matsuno cho biết trong một cuộc họp báo trên phương tiện truyền thông, đồng thời khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục làm việc với quốc tế trong việc hỗ trợ Ukraine và trừng phạt Nga.
Moldova: Biểu tình tiếp diễn phản đối giá năng lượng leo thang
Vài nghìn người đã tham gia biểu tình ở thủ đô của Moldova hôm 25/9 để yêu cầu chính phủ thân phương Tây của đất nước từ chức, trong bối cảnh sự tức giận của công chúng ngày càng gia tăng về giá khí đốt tự nhiên và lạm phát tăng vọt.
Đây là cuối tuần thứ 2 liên tiếp nổ ra một cuộc biểu tình như vậy ở quốc gia Đông Âu nhỏ bé, nằm giữa Ukraine và Romania.
Moldova đã chứng kiến những căng thẳng chính trị gia tăng trong những tháng gần đây khi giá khí đốt tăng phi mã theo sau xung đột Nga-Ukraine.
Hàng nghìn người đã biểu tình bên ngoài dinh thự chính thức của tổng thống Moldova ở trung tâm Chisinau, hô vang các khẩu hiệu yêu cầu Tổng thống Maia Sandu từ chức.
Bà Sandu đã nhiều lần lên án các hành động của Moscow ở Ukraine và đang thúc đẩy việc trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Những người chỉ trích bà cho rằng, lẽ ra bà nên thương lượng để đạt được một thỏa thuận khí đốt tốt hơn với Nga, nhà cung cấp năng lượng chính của Moldova.
Kể từ khi bà Sandu lên nắm quyền, Tổng công tố của Moldova đã bị cách chức và cựu Tổng thống của nước này, một người thân cận với Moscow, đã bị quản thúc tại gia, trang Euractiv cho biết.
Theo Euractiv, quốc gia nhỏ bé với khoảng 3,5 triệu dân đang phải chịu đựng những khó khăn kinh tế nghiêm trọng liên quan đến giá năng lượng, với việc giá cả đã tăng 29% vào tháng 9 sau khi tăng gần 50% vào tháng 8 .
Minh Đức (Theo Reuters, DW, Al Jazeera, WSJ)