Xung đột Nga-Ukraine có thể tiếp diễn trong “nhiều thập kỷ”?

Chia sẻ Facebook
13/01/2023 14:03:28

Trong khi Nga thay chỉ huy mới cho chiến dịch ở Ukraine, Kiev nêu kịch bản để thắng quân đội của Moscow trước mùa thu.


Ukraine có thể thắng Nga ngay trong năm nay nếu các cường quốc phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí, đặc biệt là các hệ thống tên lửa tầm xa, ông Mykhaylo Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraine, nói với AFP hôm 11/1.

“Chỉ những tên lửa có tầm bắn hơn 100 km (60 dặm) mới cho phép chúng tôi đẩy nhanh đáng kể việc giải phóng các vùng lãnh thổ của mình”, ông nói với AFP trong một cuộc phỏng vấn.

Kịch bản này sẽ kết thúc xung đột muộn nhất là vào mùa thu, vị cố vấn bổ sung.

Các tên lửa tầm xa sẽ cho phép Ukraine nhắm mục tiêu vào các kho vũ khí của Nga nằm sâu bên trong lãnh thổ Ukraine do Moscow kiểm soát nhưng hiện nằm ngoài tầm bắn của các loại vũ khí trong kho vũ khí của Kiev.

Mỹ năm ngoái đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa tầm xa có tầm bắn khoảng 80 km, được cho là đã xoay chuyển tình thế của cuộc xung đột theo hướng có lợi cho Kiev trên một số mặt.

Kiev gần đây cũng đã nhận được các hệ thống tương tự của Pháp, nhưng Ukraine đang gây áp lực buộc Washington phải cung cấp tên lửa ATACMS của Mỹ, loại tên lửa có tầm bắn khoảng 300 km.

Ông Podolyak cho biết, các hệ thống này sẽ cho phép các lực lượng Ukraine “phá hủy tất cả cơ sở hạ tầng quân sự của Nga tại các vùng lãnh thổ mà đối phương đang có quyền kiểm soát, bao gồm cả Donbass” ở miền Đông và Crimea, bán đảo ở Biển Đen mà Moscow sáp nhập vào năm 2014.

Ukraine khai hỏa một hệ thống tên lửa phóng loạt ở gần Soledar, vùng Donetsk, ngày 11/1/2023. Ảnh: NY Times

“Chúng tôi sẽ không tấn công Nga”, vị cố vấn cấp cao nói. “Chúng tôi đang tiến hành một cuộc chiến chỉ nhằm mục đích phòng thủ.

Nhưng nếu vũ khí hạng nặng của phương Tây không được chuyển giao trên quy mô lớn, xung đột có thể sẽ tiếp diễn trong “nhiều thập kỷ”, ông cảnh báo.

Ông cho biết, Ukraine cũng cần thiết giáp, đặc biệt là xe tăng hạng nặng, chẳng hạn như xe tăng Đức Leopard và pháo binh.

“Pháp đã cung cấp xe tăng hạng nhẹ cho chúng tôi. Điều đó rất tốt. Nhưng chúng tôi vẫn muốn có 250 đến 300 đến 350 xe tăng hạng nặng”, ông nói thêm.

Các nhu cầu ưu tiên khác của Kiev là có thêm đạn pháo cỡ nòng 155 mm, máy bay không người lái chiến đấu có khả năng thực hiện các cuộc tấn công sâu bên trong các lãnh thổ do đối phương kiểm soát và các hệ thống phòng không - bao gồm cả xe bọc thép phòng không Cheetah của Đức, ông Podolyak cho biết.

Vị cố vấn tự tin rằng châu Âu và Mỹ có thể sớm tăng tốc độ bàn giao vũ khí vì họ hiểu rằng những nguồn cung này là chìa khóa để chấm dứt giao tranh cũng như ngăn không cho xung đột lan ra xa hơn.

Ông cho biết các hệ thống phòng không mới, như Patriot của Mỹ hay Crotale của Pháp, sẽ sớm có thể vô hiệu hóa mối đe dọa do các chiến dịch ném bom của Nga nhằm vào các cơ sở năng lượng của Ukraine gây ra.

“Chúng tôi sẽ có thể đóng cửa bầu trời trong vòng một tháng nữa”, ông nói, đồng thời cho biết rằng Ukraine sẽ sớm có thể bắn hạ 95% số tên lửa do Nga bắn, thay vì 75% như hiện nay.

Một người lính Ukraine vào vị trí ở tiền tuyến Donbass, ngày 11/1/2023. Ảnh: Anadolu Agency


Nga thay chỉ huy chiến dịch ở Ukraine

Người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu Nga, Tướng Valery Gerasimov, đã được chỉ định lãnh đạo lực lượng liên hợp của Moscow tham gia “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố hôm 11/1. Cựu chỉ huy của chiến dịch này, Tướng Serge Surovikin, đã được bổ nhiệm làm cấp phó của ông Gerasimov.

Giải thích về lý do cho việc bổ nhiệm trên, Bộ Quốc phòng Nga viện dẫn sự liên quan giữa nhu cầu “nâng cao cấp độ chỉ huy tác chiến” và “sự gia tăng quy mô của các nhiệm vụ chiến đấu” và nhu cầu phối hợp chặt chẽ hơn giữa các nhánh khác nhau của các lực lượng vũ trang Nga.

Động thái này cũng sẽ cải thiện hỗ trợ hậu cần và hiệu quả chỉ huy cho các lực lượng Nga ở Ukraine, Bộ này bổ sung.

Động thái trên diễn ra chỉ khoảng 3 tháng sau khi Bộ Quốc phòng Nga bổ nhiệm ông Surovikin, Tư lệnh Lực lượng Không quân Nga, lãnh đạo chiến dịch này.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 A7 của quân đội Đức. Ảnh: RT

Ông Gerasimov được biết đến là một trong những chỉ huy quân sự hàng đầu của Nga và là một chiến lược gia nổi tiếng. Ông đã nhiều lần đến thăm quân đội đang chiến đấu ở Ukraine để cải thiện sự phối hợp giữa các lực lượng, nhưng không nắm quyền chỉ huy trực tiếp chiến dịch. Hồi tháng 12/2022, Kiev thừa nhận đã cố gắng ám sát Tướng Gerasimov trong một chuyến thăm không báo trước của ông hồi tháng 4 năm ngoái, bất chấp sự phản đối của Mỹ.

Trước đó, tờ New York Times đưa tin rằng các lực lượng Ukraine đã pháo kích vào các vị trí được cho là có mặt ông Gerasimov, nhưng vị tướng này không bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công. Moscow chưa bao giờ chính thức xác nhận rằng Tướng Gerasimov đã đến thăm quân đội vào thời điểm đó.

Ở phương Tây, ông Gerasimov được cho là tác giả của “học thuyết Gerasimov”. Thuật ngữ này được đặt ra vào năm 2013 bởi nhà văn kiêm “nhà quan sát Nga”, Mark Galeotti, và được truyền thông phương Tây thổi phồng quá mức như một hệ thống chiến tranh lai độc đáo của Nga, kết hợp các phương pháp quân sự và phi quân sự. Moscow chưa bao giờ xác nhận sự tồn tại của bất kỳ học thuyết nào như vậy. Tuy nhiên, chính Tướng Gerasimov đã nói vào năm 2019 rằng chính phương Tây đang sử dụng các phương pháp "chiến tranh hỗn hợp" chống lại Nga.

Hai vị tướng khác cũng được bổ nhiệm làm cấp phó của ông Gerasimov trong chiến dịch quân sự đang diễn ra ở Ukraine. Một trong số họ là Tư lệnh Lục quân Nga, Tướng Oleg Salyukov. Là một sĩ quan dày dặn kinh nghiệm, ông từng là tiểu đoàn trưởng và chỉ huy trưởng Quân khu Viễn Đông trước khi trở thành Phó Tổng tham mưu trưởng và sau đó là chỉ huy lực lượng mặt đất.


Người còn lại là Thượng tướng Aleksey Kim, Phó Tổng tham mưu trưởng. Ông từng đứng đầu Học viện Vũ khí Liên hợp của Các Lực lượng Vũ trang Nga, và được biết đến như một chuyên gia quân sự giàu kinh nghiệm. Ông cũng là một giáo sư và có học vị về khoa học quân sự.

Ảnh vệ tinh của Maxar Technologies cho thấy tình trạng của một góc thị trấn Soledar, gần Bakhmut, thuộc vùng Donetsk, với ảnh trên chụp ngày 1/8/2022, ảnh dưới chụp ngày 10/1.2023. Ảnh: Getty Images

Ông Dmitry Trenin, một nhà phân tích chính trị có trụ sở tại Moscow, cho biết động thái này được thực hiện để “hợp lý hóa chuỗi chỉ huy trong chiến dịch Ukraine”.

“Việc bổ nhiệm ông Gerasimov có nghĩa là tầm quan trọng của chiến dịch đã tăng lên và phạm vi chiến dịch có thể mở rộng ra ngoài những gì chúng ta thấy ngày nay. Điều đó rất có ý nghĩa”, ông Trenin nói với Al Jazeera.

“Cuộc chiến ngày càng lớn hơn, nguy hiểm hơn và tôi nghĩ điều này vượt quá tầm của một chỉ huy chiến trường. Điều này hiện nằm trong tay Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga”.


Các nhà bình luận ủng hộ chiến dịch của Nga tỏ ra không ấn tượng với tin tức trên. “Số tiền không thay đổi chỉ bằng cách thay đổi vị trí các hợp phần của nó”, một blogger quân sự nổi tiếng đăng trên ứng dụng nhắn tin Telegram có tên Rybar viết .


Minh Đức (Theo Defense Post, RT, Al Jazeera)

Chia sẻ Facebook