Xung đột Nga-Ukraine: 3 bước đưa Ukraine đến hòa bình
Tổng thống Zelenskyy đã nêu cụ thể 3 bước để đảm bảo hòa bình lâu dài cho Ukraine, trong đó có bước có thể “thực hiện được ngay bây giờ”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã yêu cầu các nhà lãnh đạo G7 duy trì sự ủng hộ đối với Ukraine vào năm tới đồng thời vạch ra 3 bước để đảm bảo hòa bình , bao gồm hỗ trợ quân sự, hỗ trợ ổn định tài chính và năng lượng, và phương thức ngoại giao mới.
Trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 12/12, ông Zelenskyy cho biết bước đầu tiên là một “lực lượng mới” và ông đã yêu cầu thêm thiết bị quân sự từ G7.
“Nga vẫn có lợi thế về pháo binh và tên lửa, đây là sự thật”, ông Zelenskyy nói. “Ukraine cần xe tăng hiện đại - và tôi yêu cầu các vị cung cấp khả năng phòng thủ này cho chúng tôi. Bước này có thể thực hiện được ngay bây giờ”.
Ông cũng cho biết Ukraine cần thêm “pháo phản lực và nhiều tên lửa tầm xa hơn”, đồng thời bổ sung rằng Ukraine cần “hỗ trợ pháo binh liên tục với súng và đạn pháo”.
Bước thứ hai, theo ông Zelenskyy, là duy trì ổn định tài chính, năng lượng và xã hội Ukraine trong năm tới. Ông cũng đề nghị G7 cam kết tăng viện trợ khí đốt cho Ukraine.
“Cuộc khủng bố nhằm vào các nhà máy điện của chúng tôi buộc chúng tôi phải sử dụng nhiều khí đốt hơn dự kiến. Đây là lý do tại sao chúng tôi cần hỗ trợ thêm trong mùa đông năm nay”, ông Zelenskyy cho biết. “Chúng tôi đang nói về khối lượng khoảng 2 tỷ m3 khí đốt phải được mua thêm”.
Ở bước thứ ba và cũng là bước cuối cùng, Tổng thống Zelenskyy cho biết Ukraine muốn đưa ra một giải pháp hòa bình, bắt đầu bằng việc yêu cầu Nga bắt đầu rút quân vào Giáng sinh này.
“Tôi đề nghị Nga thực hiện một bước đi cụ thể và có ý nghĩa hướng tới một giải pháp ngoại giao, điều mà Moscow thường xuyên đề cập đến” ông nói. “Chúng ta sẽ sớm đón ngày lễ được hàng tỷ người tổ chức: Giáng sinh”, nhà lãnh đạo Ukraine nói.
“Đây là lúc để những người dân bình thường nghĩ về hòa bình, không phải xung đột. Tôi đề nghị Nga ít nhất hãy cố gắng chứng minh rằng họ có khả năng từ bỏ hành động gây hấn. Nếu Nga rút quân khỏi Ukraine, điều đó sẽ đảm bảo chấm dứt chiến sự lâu dài”, ông Zelenskyy cho biết.
Quân Nga giành được lợi ích xung quanh Lugansk
Các lực lượng Nga đã kiểm soát đường cao tốc dẫn đến Krasnogorovka, cắt đứt tuyến đường tiếp tế của Ukraine, ông Vitaly Kiselyov, một quan chức của Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng, cho biết hôm 13/12.
“Các lực lượng Nga đang giành được chỗ đứng trong khu vực. Đường cao tốc Krasnogorovka, được sử dụng để vận chuyển hàng tiếp tế cho quân đội Ukraine đóng tại Maryinka, hiện nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Nga”, ông Kiselyov viết trên Telegram.
Trong một diễn biến khác, người phát ngôn của lực lượng dân quân LPR Ivan Filiponenko cho biết hôm 13/12 rằng quân đội Ukraine đã chịu khoảng 90 thương vong trong các trận chiến với các lực lượng của LPR trong ngày qua.
“Trong 24 giờ qua, kẻ địch đã chịu tổn thất nặng nề về nhân lực và khí tài quân sự do các hoạt động tấn công tích cực của lực lượng dân quân LPR. Họ đã tiêu diệt tới 90 người”, ông Filiponenko cho biết trên kênh Telegram.
Ngoài ra, dân quân LPR đã phá hủy 4 xe tăng, 6 xe bọc thép chở quân, 3 khẩu pháo, 2 máy bay không người lái và 15 xe cơ giới đặc biệt của quân đội Ukraine.
Ông Putin sẽ không tổ chức họp báo cuối năm
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tổ chức một cuộc họp báo thường niên như dự kiến trong tháng này, thay vào đó chuyển nó sang một ngày không xác định vào năm tới, truyền thông Nga đưa tin hôm 12/12.
“Đối với cuộc họp báo hàng năm, đúng là sẽ không có cuộc họp nào trước thềm năm mới, nhưng chúng tôi hy vọng rằng Tổng thống vẫn sẽ tìm cơ hội nói chuyện với các phóng viên, như ông ấy vẫn làm thường xuyên, kể cả trong các chuyến công du nước ngoài”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với hãng thông tấn Nga TASS.
“Chúng tôi sẽ thông tin cho các vị vào thời điểm thích hợp”, ông Peskov nói, nhưng từ chối đưa ra lý do hoãn lại sự kiện trên.
Điều này đánh dấu lần đầu tiên trong một thập kỷ ông Putin sẽ không xuất hiện trên truyền hình toàn quốc vào tháng 12.
Cuộc họp báo - thường kéo dài vài giờ - là một trong số ít cơ hội cho cả phóng viên Nga và quốc tế đặt câu hỏi trực tiếp đối với Tổng thống Putin. Ông Putin đã tổ chức 17 cuộc họp báo cuối năm như vậy kể từ năm 2001.
Trong một diễn biến khác, tờ nhật báo kinh doanh của Nga Vedomosti đưa tin hôm 13/12 rằng Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc hội đàm để thảo luận về các sự kiện của năm 2022 vào cuối tháng 12 này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với tờ báo rằng thời gian và chương trình nghị sự cho cuộc hội đàm đã có, nhưng một thông báo chính thức sẽ được đưa ra sau.
Tờ báo Nga trích dẫn một nguồn tin giấu tên thân cận với Điện Kremlin cho biết rằng đó khó có khả năng là một cuộc hội đàm mặt đối mặt.
Kiev không chứng minh được Nga sử dụng drone của Iran
Trong cuộc gặp giữa các chuyên gia Ukraine và Iran, phía Kiev đã không đưa ra bất kỳ tài liệu nào chứng minh việc Nga sử dụng máy bay không người lái (drone) do Iran sản xuất trong cuộc chiến, hãng thông tấn Mehr (Iran) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Chuẩn tướng Mohammad Reza Ashtiani, cho biết hôm 12/12.
Ông Ashtiani cho biết thêm rằng vấn đề không thể theo dõi vì nhiều nhận xét dựa trên những tin đồn vô căn cứ.
Theo vị Bộ trưởng, Iran và Nga từ lâu đã hợp tác trong lĩnh vực quân sự, nhưng chưa bao giờ tương tác về vấn đề cung cấp drone trong chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Các tuyên bố về việc drone do Iran sản xuất được sử dụng ở Ukraine lần đầu tiên được đưa ra vào hồi tháng 7, khi Mỹ cho rằng Iran chuẩn bị cung cấp cho Nga “lên đến vài trăm máy bay không người lái, bao gồm cả UAV có khả năng mang vũ khí” để sử dụng trong giao tranh.
Hồi tháng 11, phái đoàn thường trực của Iran tại Liên Hợp Quốc đã yêu cầu một cuộc họp chuyên gia chung với Kiev về vấn đề trên. Cả Iran và Nga đã nhiều lần bác bỏ tuyên bố rằng Tehran đã cung cấp cho Moscow máy bay không người lái để sử dụng chống lại Ukraine.
Châu Âu vẫn cần khí đốt giá rẻ của Nga
Nga có cơ hội giành lại vị trí dẫn đầu về cung cấp khí đốt cho châu Âu và một lần nữa trở thành nhà vô địch về cung cấp nhiên liệu cho EU, nhà báo Javier Blas của Bloomberg cho biết.
Trong bài viết cho mục Opinion trên Bloomberg đăng hôm 12/12, nhà báo Blas nói: “Mặc dù các nhà lãnh đạo châu Âu đã tuyên bố sẽ không quay trở lại công việc kinh doanh như bình thường với Nga sau cuộc chiến ở Ukraine, nhưng những thực tế không thể tránh khỏi về địa lý và thị trường có thể chiến thắng ngay cả những nhà hoạch định chính sách kiên quyết nhất”.
Nhà báo của Bloomberg trích dẫn lời của ông Michael Kretschmer, Thủ hiến bang Sachsen (Đức), cho biết hồi tháng 11 rằng việc vĩnh viễn không có khí đốt Nga sẽ là “sự thiếu hiểu biết về mặt lịch sử và sai lầm về mặt địa chính trị”.
Berlin hiện đang trả 140 Euro cho mỗi MWh cho việc nhập khẩu khí đốt, cao hơn khoảng 7 lần so với mức trung bình trong giai đoạn 2010-2020, ông Blas lưu ý.
Nếu châu Âu muốn “giữ tính cạnh tranh cho các ngành hóa chất, thực phẩm và công nghiệp nặng của mình, thì châu Âu sẽ cần khí đốt giá rẻ. Và châu Âu không có khí đốt nào rẻ hơn của Nga”, ông cho biết thêm .
Minh Đức (Theo CNN, TASS, Mehr News Agency, UPI)