Xung đột Nga - Ukraine tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam
Xung đột Nga - Ukraine có thể tác động gián tiếp và trực tiếp tới kinh tế Việt Nam. Nhưng nền kinh tế vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng cao nhất khu vực trong năm 2022.
Xung đột Nga - Ukraine tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam
Kinh tế toàn cầu được dự báo giảm trong năm 2022 so với các dự báo trước đó bởi xung đột giữa Nga và Ukraine. Nhưng theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á, bất chấp những tác động từ cuộc chiến, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2022, cao nhất trong khu vực.
Tại họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội Việt Nam quý I của Tổng cục Thống kê diễn ra hôm 29/3, ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ hệ thống tài khoản quốc gia - cho rằng ngoài các tác động trực tiếp và gián tiếp từ xung đột, Việt Nam cũng có thể tìm thấy cơ hội từ những bất ổn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Theo Báo cáo sơ bộ Triển vọng kinh tế thế giới phát hành vào tháng 3/2022, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine "đã tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu người, và là cú sốc kinh tế nghiêm trọng về thời gian và mức độ bất ổn".
Theo ước tính của OECD, tăng trưởng toàn cầu năm 2022 có thể giảm hơn 1 điểm phần trăm trong năm 2022 từ mức dự báo 4,5% đưa ra vào tháng 12/2021.
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 1/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ giảm xuống còn 4,1%, thấp hơn so với mức 5,5% của năm 2021.
Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 1/2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định biến thể Omicron đang là một trở ngại đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022, khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại, đặc biệt ở 2 nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi đó, giá năng lượng tăng cùng với gián đoạn nguồn cung đã khiến lạm phát ở nhiều nước tăng mạnh hơn so với dự báo. Tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 xuống 4,4%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2021.
Ukraine và Nga là những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn trên thế giới, tổng nguồn cung của 2 quốc gia này chiếm 30% thương mại toàn cầu về lúa mì, 17% ngô và hơn 50% dầu hạt hướng dương.
Ukraine cung cấp khoảng 1/4 lượng ngũ cốc, dầu thực vật nhập khẩu và khoảng một nửa lượng ngô nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU). Khoảng 2/3 lượng ngũ cốc và 3/4 lượng dầu hạt hướng dương xuất khẩu của Ukraine được chuyển qua các cảng Biển Đen của nước này. Nhiều cảng hiện đã bị đóng cửa.
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu ngày 21/3/2022 của Fitch Ratings nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã xấu đi đáng kể khi các thách thức lạm phát gia tăng và xung đột giữa Nga và Ukraine đe dọa nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Theo đó, tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm so với mức dự báo hồi tháng 12/2021, chỉ đạt 3,5%.
Tác động gián tiếp tới Việt Nam
Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Mỹ, khu vực đồng EUR và Trung Quốc lần lượt là 3,5%, 3% và 4,8%. Còn ở khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định tăng trưởng năm 2022 của Indonesia đạt 5%, Philippines 6%, Thái Lan 4%, Singapore 4,1% và Malaysia 5,9%.
Theo dự báo, năm 2022 nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực với tốc độ 6,5%.
Theo ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ hệ thống tài khoản quốc gia, xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ không chịu nhiều tác động trực tiếp bởi cuộc chiến ở Ukraine. Trong năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đạt 5,5 tỷ USD , xuất khẩu 3,2 tỷ USD và nhập khẩu đạt 2,3 tỷ USD .
Còn kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ukraine năm 2021 đạt 720,5 triệu USD , trong đó xuất khẩu từ Việt Nam là 344,6 triệu USD , nhập khẩu từ Ukraine khoảng 375,8 triệu USD .
Tuy nhiên, nước ta có thể chịu nhiều tác động gián tiếp, bởi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và tham gia nhiều hiệp định thương mại trên toàn cầu.
Các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga có thể tác động tới kinh tế châu Âu và Mỹ, vốn là 2 đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Những bất ổn liên quan đến xung đột Nga - Ukraine cũng đẩy giá lương thực và năng lượng trên toàn thế giới lên cao, từ đó ảnh hưởng phần nào đến Việt Nam.
Xung đột Nga - Ukraine tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, nhất là những mặt hàng tiêu dùng. Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ hệ thống tài khoản quốc gia |
"Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Trong bối cảnh hàng hóa thế giới tăng cao, rủi ro nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi", bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ thống kê giá - bình luận.
"Xăng dầu chiếm tỷ trọng không cao trong rổ hàng hóa CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của Việt Nam, nhưng với tốc độ hiện nay, đà tăng chắc chắn sẽ tạo ra áp lực chi phí ẩn, bởi đó là nguyên liệu đầu vào cho hầu hết ngành công nghiệp", bà nói thêm.
CPI quý I/2022 của Việt Nam tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,29% của quý I/2021. Nhóm giao thông tháng 3/2022 tăng cao nhất với 18,29% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,77 điểm phần trăm.
Dù vậy, ông Hiếu cho rằng triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn khả quan bởi theo dữ liệu trong quý I, các hoạt động sản xuất, dịch vụ, xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc, sản xuất và cung cấp lương thực dồi dào.
Các chính sách hỗ trợ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất và đầu tư. Trong quý I, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
"Xung đột Nga - Ukraine tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, nhất là những mặt hàng tiêu dùng", ông Hiếu nhận định.
Thảo Phương