Xung đột Nga - Ukraine làm tê liệt hệ thống cảng biển, tình trạng thiếu lương thực có thể tồi tệ hơn
Tình trạng mất an ninh lương thực có thể còn tồi tệ hơn nữa ở 20 quốc gia trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay.
Báo cáo của Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc và Chương trình Lương thực thế giới cho biết, tình trạng mất an ninh lương thực đang trầm trọng hơn trên toàn cầu, đặc biệt tại các nước Ethiopia, Nigeria, Nam Sudan, Yemen, Afghanistan và Somalia. Theo báo cáo, cuộc khủng hoảng Ukraine đang làm nghiêm trọng thêm vấn nạn nghèo đói vì nước này là nhà cung cấp thực phẩm lớn trên toàn cầu và sự gián đoạn nguồn cung hiện tại đang làm gia tăng tình trạng giá thực phẩm leo thang, khiến việc tiếp cận thực phẩm khó khăn hơn dẫn đến tình trạng thiếu thốn cục bộ.
Còn theo ước tính của LHQ, 94 quốc gia, nơi 1,6 tỷ người sinh sống chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ ít nhất một khía cạnh của cuộc khủng hoảng và không đủ sức đương đầu. Tình trạng đói nghèo cùng cực ở Trung Đông và Bắc Phi có thể tăng lên 2,8 triệu người năm 2022, còn 500 triệu người Đông Nam Á đang đối mặt nguy cơ này.
Ukraine là một trong những "vựa lương thực" của thế giới, với 4,5 triệu tấn nông sản xuất khẩu mỗi tháng qua các cảng biển. Tuy nhiên, xung đột đã làm tê liệt hệ thống cảng biển của Ukraine, nơi từng xuất khẩu lượng lớn dầu hướng dương và các loại ngũ cốc, khiến giá lương thực toàn cầu leo thang khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, khoảng 25 triệu tấn ngũ cốc từ vụ thu hoạch trước được cho là đang mắc kẹt ở Ukraine mà phần lớn số nông sản này trước đây được vận chuyển qua cảng Odessa. Thế nhưng, Biển Đen, một trong những huyết mạch vận chuyển lương thực của thế giới đang bị phong tỏa, chưa kể việc đi lại trên Biển Đen bị cản trở bởi thủy lôi được đặt bởi lực lượng của các bên. Thổ Nhĩ Kỳ - nước có chung biên giới trên biển Đen với cả Nga và Ukraine - đang đề xuất giám sát và hộ tống các tàu chở ngũ cốc ra vào cảng, đưa ngũ cốc Ukraine ra thế giới, giảm áp lực với thị trường lương thực toàn cầu.
Khai thông xuất khẩu lương thực
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số rất ít các quốc gia nằm xung quanh Biển Đen hiện nay vẫn giữ mối quan hệ hữu hảo với cả Nga và Ukraine. Không bên nào có thể phù hợp hơn Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò trung gian, hộ tống, đảm bảo an toàn cho các tàu ra vào Biển Đen trong bối cảnh hiện nay. Thế nhưng vướng mắc hiện nay lại chính là việc Moscow yêu cầu Ukraine phải tháo dỡ số ngư lôi mà nước này đã giăng ra tại Biển Đen, đặc biệt trước các cảng biển của nước này, có vậy thì tàu thuyền mới yên tâm mà di chuyển được.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ sẵn sàng đưa lực lượng tới hỗ trợ gỡ bỏ số ngư lôi này, song phía Ukraine thì không đồng ý. Theo một số nguồn tin, Ukraine cho rằng giờ mà tháo ngư lôi chẳng khác gì mời hải quân Nga tiến vào. Nói cách khác thì Kiev sợ rằng đề xuất cho các tàu chở lương thực của Ukraine được xuất cảng thật ra lại chính là cái bẫy.
Từ phía Nga, Ngoại trưởng Lavrov mới đây khẳng định không bao giờ có chuyện Moscow lại thừa cơ mà đưa tàu chiến vào như vậy, ông thậm chí nhấn mạnh đây là cam kết của Tổng thống Putin. Nhưng Ukraine thì có vẻ không tin điều này. Tổng thống Ukraine Zelensky mới đây đã đề xuất không chỉ mình hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò hộ tống tàu bè qua lại Biển Đen, ông muốn cả hải quân Anh cũng tham gia.
Phương án giải cứu lương thực khỏi Ukraine
Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin mới đây cũng đã đưa ra một số phương án để giải quyết vấn đề vận chuyển ngũ cốc của Ukraine và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ quá trình này.
Ông Putin cho rằng, có nhiều cách để vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine. Thứ nhất là từ các cảng ở Berdyansk và Mariupol và Moscow sẵn sàng tạo điều kiện hậu cần cần thiết mà không yêu cầu bất kì điều kiện tiên quyết nào. Việc rà phá bom mìn khỏi vùng biển cạnh các cảng này trên thực tế đã hoàn thành. Thứ hai, Nga không phản đối nỗ lực vận chuyển ngũ cốc qua cảng Odessa, nhưng các tàu chỉ có thể rời cảng sau khi Kiev gỡ bom mìn.
Tổng thống Nga cũng đề cập đến con đường vận chuyển ngũ cốc qua các nước phương Tây, qua sông Danube, hướng tới các cảng ở Romania. Và cách thứ tư là vận chuyển qua Belarus, nhưng sẽ phải loại bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Belarus. Việc khai thông xuất khẩu lương thực đang bị tắc nghẽn ở Ukraine cũng không thể thiếu sự tham gia của các nước phương Tây.
Trong tháng 5, Ủy ban châu Âu đã đề xuất thiết lập tuyến vận chuyển có tên làn đường đoàn kết, sử dụng cơ sở hạ tầng của EU giúp Ukraine giải phóng 20 triệu tấn ngũ cốc. EC cũng yêu cầu các nước thành viên cung cấp xe tải, sà lan giúp Ukraine xuất khẩu ngũ cốc. Còn Romania tuyên bố kế hoạch hồi sinh một tuyến đường sắt cũ, tương thích với hệ thống của Ukraine, kết nối Ukraine với cảng ở phía đông Romania.
Gần đây nhất, hôm 8/6, Bộ trưởng các nước Địa Trung Hải kêu gọi có hành động đa phương giải quyết vấn đề này. Đức đang là Chủ tịch luân phiên của G7 đã cùng Ngân hàng thế giới thiết lập Liên minh Toàn cầu về an ninh lương thực với sự tham gia của tất cả các nước và tổ chức nhằm xây dựng sự đồng thuận quốc tế để tránh các hạn chế xuất và nhập khẩu lương thực. Còn Thủ tướng Italy cũng thảo luận với Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine để kêu gọi hai bên phối hợp giải phóng ngũ cốc.
Hôm 1/6, Tổng thư ký LHQ đã nhấn mạnh, việc có một hành động nhanh chóng và dứt khoát để giải quyết tình trạng thiếu lương thực toàn cầu. Và không có giải pháp hữu hiệu nào cho cuộc khủng hoảng lương thực bằng việc tái khởi động hoạt động xuất khẩu lương thực từ Ukraine cũng như thực phẩm và phân bón do Nga sản xuất vào thị trường thế giới.
Dưới sự bảo trợ của LHQ, vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ, các cuộc đàm phán phức tạp đang diễn ra theo nhiều hướng. Vấn đề quan trọng là bất kỳ giải pháp nào cũng sẽ phải có sự đồng thuận của các bên.