Xung đột Nga - Ukraine khiến giá điện tiếp tục tăng thêm
Khủng hoảng năng lượng từ xung đột Nga - Ukraine khiến giá điện bán lẻ tới các hộ gia đình tăng khoảng gấp rưỡi tại hầu hết quốc gia châu Âu và sẽ còn tăng trong năm tới.
Giá điện bán buôn tại châu Âu đang tăng dần khi mùa đông tới, tuy thấp hơn nhiều so với cuối tháng 8, nhưng so với tầm này năm ngoái đã tăng hơn gấp đôi. 2022 đã là một năm đầy biến động đối với giá điện, giá bán buôn tăng mạnh kể từ khi chiến sự nổ ra tại Ukraine và vọt lên mức kỷ lục vào tháng 8 khi các nước châu Âu cấp tốc tích trữ khí đốt cho mùa đông. Giá MWh lên tới đỉnh điểm 750 euro, trước khi về lại mức 87 euro vào cuối tháng 10.
Lúc này, giá điện bán buôn đang ở quanh mức 180 euro. Giá điện bán buôn của châu Âu vẫn neo vào giá khí đốt, mặc dù khí đốt nay chỉ cung cấp khoảng 1/5 tổng sản lượng điện tính trung bình toàn châu Âu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng: "Giá bán buôn trên thị trường điện châu Âu phải gắn với chi phí sản xuất điện. Ngày nay, giá bán buôn điện phụ thuộc quá nhiều vào giá khí đốt".
Các nước châu Âu đã cố gắng ghìm giá điện bán lẻ bằng đủ cách, giảm thuế, trợ cấp, nhưng đến cuối tháng 11 này cũng đã cho biết, mọi biện pháp đều không thể kéo giá điện bán lẻ xuống. Trong vòng một năm, từ tháng 11 năm ngoái đến nay, giá điện bán tới hộ gia đình tại Bỉ tăng gấp rưỡi, tại Đức và Hà Lan tăng gấp đôi. Giá điện sẽ còn phải tăng nữa từ đầu năm sau.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: "Trong vài tuần qua, nhiều người đã nhận được thư của nhà cung cấp hoặc chủ nhà thông báo tăng giá lên 20, 30, thậm chí 40 xu một KWh, có nghĩa là nhiều nhà sẽ phải trả thêm tiền điện. Tuy nhiên mức tăng như vậy vẫn thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng giá điện bán buôn".
Việc một số nước quay lại dùng than phát điện cũng đang kéo giá than đi lên. Trên thị trường châu Âu, giá than dùng cho các nhà máy nhiệt điện đã tăng gấp đôi so với đầu năm nay.
Tình trạng mất an ninh lương thực có thể còn tồi tệ hơn nữa ở 20 quốc gia trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay.