Xung đột Nga - Ukraine bước sang tháng thứ bảy: Vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc
Ngày 24/8 đánh dấu 6 tháng kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc chiến này sẽ sớm kết thúc.
Đã bước sang tháng giao tranh thứ bảy giữa Nga và Ukraine , Nga đã chiếm được 20% diện tích Ukraine. Tại khu vực Donbass, Nga đảm bảo quyền kiểm soát tỉnh Lugansk và đang tiến công ở Donetsk, với khoảng hơn 60% diện tích tỉnh này đã nằm trong tay Moscow. Ngoài ra, Nga cũng duy trì kiểm soát phần lớn diện tích hai tỉnh Kherson và Zaporizhzhia ở phía Nam, một phần tỉnh Kharkov ở phía Đông.
Tính tới thời điểm hiện tại đã có hơn 50 quốc gia cam kết tài trợ cho Ukraine tổng cộng hơn 83 tỷ USD. Mỹ đang là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho nước này. Tuy nhiên, các viện trợ quân sự đang giảm dần, trong suốt tháng 7, 6 nước lớn nhất thuộc EU không đưa ra cam kết viện trợ quân sự mới nào cho Ukraine.
Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, ngoài binh sĩ, chiến sự Ukraine khiến hơn 5.000 dân thường thiệt mạng, 12 triệu người Ukraine đã buộc phải rời bỏ nhà cửa, di tản trong nước hoặc sơ tán ra nước ngoài. Cuộc xung đột đã khiến Ukraine thiệt hại hơn 113,5 tỷ USD và sẽ phải cần ít nhất gấp đôi số đó để tái thiết đất nước.
Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Ukraine có thể suy giảm 45% trong năm nay. Trong khi nền kinh tế Nga sẽ giảm khoảng 11,2%.
NATO tiếp tục mở rộng
Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO, NATO tăng cường 40.000 quân ở sườn phía Đông. Tổng thống Nga từng khẳng định cuộc xung đột ở Ukraine đã tạo cơ hội cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO được mở rộng về phía Đông. Sau khi chấp nhận đơn xin gia nhập khối của Phần Lan và Thụy Điển, cũng như tăng cường sự hiện diện của 40.000 quân ở phía đông, tổ chức quân sự lớn nhất thế giới đang tiến sát đến biên giới với Nga.
Hiện nay, điểm nóng giao tranh đang tập trung ở thành phố Zaporizhzhia - miền Nam Ukraine, nơi có nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, hiện do Nga kiểm soát. Lo ngại về nguy cơ rò rỉ hạt nhân, khi cả hai bên Nga và Ukraine đều cáo buộc lẫn nhau pháo kích nhà máy này.
Những điểm nóng mới trong cuộc xung đột
Với phía Ukraine, nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của phương Tây, mục tiêu mà họ đặt ra không còn là chịu trận, hứng trả các đợt tấn công nữa. Thời gian gần đây, họ chủ động phản công và mở ra các điểm nóng mới trong cuộc xung đột.
Trong những tuần qua, nhiều sự kiện đã xảy ra tại bán đảo Crimea.
Ngày 20/8, trụ sở của Hạm đội Biển Đen đã bị tấn công bằng máy bay không người lái.
Ngày 16/8, Nga cáo buộc những nhóm vũ trang trung thành với Ukraine gây ra một loạt vụ nổ tại một kho đạn ở Crimea.
Ngày 9/8, căn cứ không quân Saki trên bán đảo Crimea đã rung chuyển sau một loạt vụ nổ liên tiếp.
Ban đầu Ukraine tỏ ra lưỡng lự thừa nhận mình đứng đằng sau các diễn biến này, nhưng sau đó ngày càng có dấu hiệu đó là tác phẩm của lực lượng đặc nhiệm Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói: "Đối với chúng tôi, Ukraine có nghĩa là toàn bộ Ukraine. Tất cả 25 khu vực, không có bất kỳ nhượng bộ hay thỏa hiệp nào".
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nền tảng Crimea diễn ra tại Kiev trong tuần qua, các lãnh đạo thế giới đã thể hiện quan điểm ủng hộ Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: "Pháp và Liên minh châu Âu - với một số đồng minh và bạn bè của Ukraine - đang làm tất cả những gì cần thiết để hỗ trợ Ukraine. Quyết tâm của chúng tôi không thay đổi và chúng tôi sẵn sàng duy trì nỗ lực này về lâu dài".
Đổi lại, Nga và đồng minh Belarus đã thể hiện một thái độ kiên quyết. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ông Dmitry Medvedev khẳng định Moscow muốn "phi phát xít hóa" Ukraine và sẽ không dừng chiến dịch quân sự cho dù Kiev chính thức từ bỏ nguyện vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Dmitry Medvedev - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga khẳng định: "Từ bỏ hy vọng gia nhập NATO hiện cũng quan trọng, nhưng không đủ để thiết lập hòa bình".
Nga cũng củng cố liên minh với Belarus khi xúc tiến trang bị vũ khí hạt nhân cho dàn máy bay của nước này, đặt ra khả năng tái triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus như thời Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nhấn mạnh: "Phương Tây phải hiểu rằng, nếu họ chọn leo thang, sẽ không có trực thăng hay máy bay nào cứu họ. Hơn nữa, Tổng thống Putin và tôi đã từng tuyên bố tại St.Petersburg rằng chúng tôi cũng sẽ trang bị cho các máy bay của Belarus vũ khí hạt nhân. Mọi thứ đã sẵn sàng!"
Viễn cảnh, một cuộc đàm phán hòa bình càng xa vời khi Tổng thống Zelensky cũng cho rằng chiến sự với Nga bắt đầu từ Crimea và sẽ kết thúc khi Ukraine giành lại bán đảo này.
Những tính toán sai lầm của phương Tây về cuộc chiến Ukraine
Có nhiều hoài nghi và bất ngờ về diễn tiến của cuộc chiến này, từ sự cầm cự của Ukraine đến sức chống chọi của Nga trước hàng ngàn đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây. Báo chí phương Tây cũng có những bài phân tích chỉ ra những dự đoán sai lầm của phương Tây về cục diện chiến lược mà cuộc chiến này tạo ra.
Càng ngày, khi những ảnh hưởng của cuộc chiến kinh tế với Nga càng nặng nề, thì giới phân tích phương Tây càng hoài nghi về việc sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine như thế nào. Bởi sự hỗ trợ của phương Tây cũng là một chất xúc tác khiến kéo dài chiến tranh.
Trang mạng Atlantic Council có bài viết chỉ ra 6 điều bất ngờ trong 6 tháng chiến tranh tại Ukraine. Một trong 6 điều đó bất ngờ là sự thất bại trong mục tiêu kiềm chế Nga của phương Tây. Ngoại giao thất bại, đe dọa cũng thất bại. Sau 6 tháng chiến tranh, phương Tây hiện không thực sự có gì để cung cấp đảm bảo an ninh vĩnh viễn cho Ukraine.
Báo Washington Post cho biết, Tổng thống Biden từng nói tới việc các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ khiến nền kinh tế Nga rơi vào "hố sâu" và "lao đao". Thế nhưng sau 6 tháng, bức tranh có vẻ đa màu. Nga đang chịu thiệt hại thực sự, nhưng nền kinh tế Nga dường như vẫn chưa sụp đổ. Sự sụt giảm ban đầu của đồng ruble đã nhanh chóng đảo ngược, tỷ lệ thất nghiệp không tăng đột biến và Nga tiếp tục kiếm được hàng tỷ USD mỗi tháng từ xuất khẩu dầu và khí đốt.
Trang mạng National Interest thì lập luận: Có lẽ thách thức lâu dài lớn nhất đối với chiến dịch của phương Tây nhằm siết chặt Nga là việc các cường quốc kinh tế lớn trên thế giới không chỉ từ chối tham gia hệ thống trừng phạt do Washington dẫn đầu, mà còn làm sâu sắc thêm mối quan hệ thương mại với Moscow. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tăng nhập khẩu năng lượng từ Nga trong nửa năm qua.
Những thách thức kinh tế gia tăng của châu Âu đã làm dấy lên lo ngại rằng các nước EU có thể bắt đầu tách khỏi hệ thống trừng phạt của phương Tây.
Đồng ý kiến, tờ New York Times thì viết: Không ai biết được cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào. Liệu sự hậu thuẫn của phương Tây có duy trì khi châu Âu trải qua một mùa đông với ít dầu và khí đốt Nga? Và liệu ông Zelensky có thể duy trì quyết tâm chống lại đối thủ có vũ khí hạt nhân hay không? Bởi hiện Nga dù kiểm soát khoảng 20% Ukraine nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy Nga sẵn sàng ngừng chiến đấu.
Đặt ra câu hỏi, phương Tây sẽ làm gì để Ukraine có thể chiến thắng. Trang Times of India cho rằng điều này chỉ có thể làm được nếu phương Tây duy trì ý chí chính trị, cung cấp tiền khoảng 5 đến 6 tỷ USD một tháng và các loại vũ khí cho Ukraine. Ý kiến một chuyên gia dự báo: Phương Tây vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ tới Ukraine bất chấp giá năng lượng tăng vọt và các thách thức kinh tế. Bởi từ bỏ Ukraine sẽ gửi một thông điệp tới Nga và Trung Quốc và tất cả những người khác rằng, phương Tây không đứng lên bảo vệ bạn bè hoặc thậm chí lợi ích của chính họ.
Người dân Ukraine đang dần chấp nhận viễn cảnh một cuộc chiến kéo dài
Trong bất cứ cuộc xung đột nào, người dân luôn luôn là đối tượng chịu thiệt thòi. Người dân Ukraine đang từng ngày mong đợi một cơ hội đem đến hòa bình, dù lúc này điều đó còn rất xa vời.
Cư dân tại thành phố Kramatorsk, nằm ở trung tâm của Donbass phải đối mặt với lựa chọn khó khăn. Sửa chữa nhà cửa của họ hay rời đi đến các khu vực ít bị ảnh hưởng bởi pháo kích. Bà Iryna cho biết, bà sẽ ở lại dù nhà bà chỉ cách chiến tuyến gần chưa đầy 20 km. "Chúng tôi đã mất 10 năm để xây dựng ngôi nhà này, chúng tôi không thể bỏ đi tất cả. Tôi yêu Ukraine, nơi đây là nơi tôi cần và sẽ ở lại".
Cuộc sống chiến sự khó khăn. Không có bếp điện, bếp ga thì dùng bếp củi. Người dân Ukraine quyết tâm bám trụ lại mảnh đất quê hương mình.
Bà Natalia - Người dân U Ukraine nói: "Nhà vẫn luôn là nhà. Dù thiếu điện, thiếu hệ thống sưởi, nhưng chúng tôi lập bếp di động, học cách tiết kiệm thực phẩm, đốt lửa nhỏ. Ít nhất thì chúng tôi được ở nhà".
Những thành phố cách xa chiến trường hơn, cuộc sống vẫn đang tiếp diễn. Phiên chợ đồ cũ cuối tuần này là nơi nhiều người Ukraine tìm đến để trao đổi những đồ cần thiết cho cuộc sống.
Anh Ruslan - Người dân Ukraine chia sẻ: "Ban đầu, cuộc sống chiến tranh khá đáng sợ, nhưng sau đó chúng tôi đã quen với tất cả".
Sau 6 tháng chiến sự, người dân Ukraine đang dần chấp nhận viễn cảnh một cuộc chiến kéo dài và họ đang học cách tồn tại trong một cuộc chiến như vậy.