Xung đột hạt nhân giữa các cường quốc có thể giết chết 3/4 dân số thế giới
Xung đột hạt nhân giữa các cường quốc có thể giết chết 3/4 dân số thế giới
Theo một nghiên cứu quốc tế đăng trên tạp chí Nature Food do các nhà khoa học tại Đại học Rutgers (Mỹ) dẫn đầu, một cuộc xung đột hạt nhân dùng chưa tới 3% kho dự trữ hạt nhân của thế giới cũng có thể khiến 1/3 dân số toàn cầu thiệt mạng chỉ trong vòng hai năm.
"Việc sử dụng bất kỳ vũ khí hạt nhân nào cũng có thể là thảm họa cho thế giới", nhà khoa học khí hậu và tác giả nghiên cứu Alan Robock tại Đại học Rutgers cho biết.
Theo báo SCMP , đã 30 năm trôi qua từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, giờ đây mối đe dọa về xung đột hạt nhân đang lớn hơn bao giờ hết.
Gần đây, cố vấn an ninh quốc gia Anh Stephen Lovegrove cho rằng sự đổ vỡ trong đối thoại giữa các nước đã đẩy thế giới vào "một thời đại mới nguy hiểm".
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng cảnh báo rằng "viễn cảnh xung đột hạt nhân từng là không tưởng, nay có thể xảy ra".
Mặc dù trước đây khoa học đã dự đoán rằng chiến tranh hạt nhân sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực, nhưng cho tới nghiên cứu gần đây các nhà khoa học mới lần đầu tính toán được mức độ của nạn đói và số người thiệt mạng.
Cụ thể, việc kích nổ dù chỉ một phần nhỏ vũ khí hạt nhân sẽ gây ra những cơn bão lửa lớn, mang muội than vào bầu khí quyển, đột ngột làm giảm nhiệt độ trên Trái đất. Ngoài hàng chục triệu người tử vong ngay lập tức trong vùng chiến sự, hàng trăm triệu người sau đó sẽ chết vì nạn đói.
Đó là chưa tính tới ảnh hưởng của việc gia tăng bức xạ tia cực tím đối với cây trồng do tầng ozone bị phá hủy.
"Sử dụng vũ khí hạt nhân cũng như đánh bom liều chết. Bạn tấn công người khác nhưng bạn sẽ chết vì đói", nhà khoa học Robock nói.
Cũng theo nghiên cứu của Robock, có nhiều khả năng Ấn Độ và Pakistan sẽ xung đột hạt nhân. Hai nước đã từng tham gia 4 cuộc chiến và thường xuyên đụng độ ở biên giới.
Nếu Ấn Độ và Pakistan nhắm mục tiêu vào các đô thị của nước còn lại với 250 vũ khí hạt nhân 100 kiloton mà hai nước được cho là đang sở hữu, thì khoảng 127 triệu người ở Nam Á sẽ thiệt mạng do các vụ nổ, hỏa hoạn và phóng xạ.
Tiếp theo, ước tính khoảng 37 triệu tấn muội than sẽ bay vào khí quyển, khiến nhiệt độ trên khắp hành tinh giảm xuống hơn 5 độ C, ảnh hưởng sản xuất lương thực. Hậu quả là nạn đói sẽ khiến 2 tỉ người thiệt mạng trên toàn cầu.
Trường hợp xung đột nổ ra giữa 2 nước được cho là nắm giữ hơn 90% hạt nhân của thế giới là Nga và Mỹ, ước tính 5 tỉ người trên thế giới sẽ thiệt mạng.
Tuy nhiên, bất kỳ nước nào trong số 9 nước có vũ khí hạt nhân gồm cả Trung Quốc, Triều Tiên, Pháp, Israel và Anh đều có đủ hỏa lực để gây ra những thảm họa kể trên.