Xúc tiến xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
11/12/2022 13:19:11

Doanh nghiệp kiến nghị tăng cường xuất sầu riêng đông lạnh bên cạnh sầu riêng tươi bởi giá trị kinh tế cao, có thời điểm có thể đạt 13.000 - 15.000 USD/tấn sản phẩm.


Sáng 10/12, Diễn đàn kết nối nông sản 970 đã được diễn ra với chủ đề: “ Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc”.

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính


Phát biểu tại sự kiện, Ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao cho biết, đối với công ty nói riêng và của toàn ngành rau củ quả thực phẩm nói chung thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng, có sức mua lớn, tuy nhiên với thị trường này chưa có xúc tiến thương mại đầu tư tập trung hơn để xứng đáng với quy mô.


Theo ông Nghĩa, thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Hiện nay các yêu cầu của Trung Quốc không thua kém thị trường Mỹ và châu Âu trong tiêu chuẩn về quy cách, mẫu mã sản phẩm, chất lượng. Những rào cản thương mại, các quy định về chất lượng sản phẩm rất nghiêm túc và rõ ràng.

Đối với sầu riêng, cần xúc tiến cả mặt hàng cấp đông sang Trung Quốc


Từ thực tế trên, ông Đinh Gia Nghĩa đã đưa ra 2 kiến nghị nhằm nâng cao, đảm bảo chất lượng sản phẩm sang Trung Quốc. “Sớm hay muộn đối với thị trường Trung Quốc sẽ áp dụng kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng thuốc BVTV nên chúng ta càng sớm khuyến cáo đến nông dân về tiêu chuẩn phía bạn thì sẽ thuận lợi cho công tác xuất khẩu về sau”.


Tiếp đó, ông Nghĩa cho rằng riêng đối với sầu riêng, cần xúc tiến cả mặt hàng cấp đông sang Trung Quốc vì giá trị sản phẩm xuất khẩu rất cao. Lúc cao điểm, giá sầu riêng cấp đông sang thị trường Trung Quốc có thể đạt 13.000 - 15.000 USD/tấn sản phẩm.


“Sắp tới khi Trung Quốc bắt đầu kiểm soát được dịch và mở cửa với thế giới, thì nhu cầu trong ngành rau, củ, quả sẽ tăng lên rất cao. Nếu chúng ta sớm đón đầu làn sóng tiêu thụ này thì sẽ rất tốt”, ông Nghĩa cho biết.


Đồng quan điểm với đại diện công ty Đồng Giao, TS. Trà My - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, cho biết thị trường 1,4 tỷ dân không hề "dễ tính".

TS. Trà My - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc.


Bà Trà My cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam hiểu quá ít về thị trường Trung Quốc. Do đó, trước khi đưa sản phẩm nông sản Việt vào thị trường 1,4 tỷ dân, việc cần làm trước tiên là phải bảo hộ thương hiệu.


Theo bà My, cần tìm những nhà nhập khẩu hoặc phân phối có thực lực về kinh tế, có kênh bán hàng tốt, có đội ngũ tâm huyết với việc phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. “Ngoài ra doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng nguồn lực kiều bào hoặc hội doanh nghiệp Việt Nam tại các nước bản địa. Bà con kiều bào rất tự hào khi được góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới”, bà Trà My chia sẻ.


Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam nên thay đổi tư duy, không nên bán những gì mình có mà nên nghiên cứu nhiều hơn thị trường mình cần thâm nhập.


Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam nên nhập gia tùy tục. Trung Quốc là quốc gia có yêu cầu rất cao về mẫu mã, số lượng không cần nhiều nhưng hộp quà phải đẹp. Chính vì vậy, Việt Nam cần tập trung chú trọng mẫu mã và đặc biệt để ý đến số lượng nên là 2,6,8.


TS. Trà My cũng thông tin thêm, hiện nay, Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam bảo hộ thương hiệu, logo trước khi vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, Hội cũng hỗ trợ không gian trưng bày cho những thương hiệu nông sản Việt đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tại Gian hàng Việt Nam tại Trung Quốc.

“Muốn đi xa thì đi cùng nhau”


Trong quá trình tư vấn, hỗ trợ các HTX và doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn GAP, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã nhận thấy một số khó khăn thực tiễn do áp lực về chi phí, môi trường, điều kiện vật chất.


Theo ông Bùi Phước Hòa, đại diện Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng cần có sự thay đổi tư duy đối với người sản xuất. Thay vì đáp ứng các yêu cầu của bên đánh giá, cấp phép, làm đối phó, mục tiêu của việc áp dụng các quy trình GAP là để đảm bảo nguồn gốc sản phẩm, ổn định chất lượng, từ đó chứng thực nguồn hàng, bán với giá cao.

Hỗ trợ nông dân nắm bắt thông tin về các nghị định thư xuất khẩu nông sản.


Theo ông Hòa, người nông dân không thể nắm bắt hết thông tin về yêu cầu, tiêu chuẩn, các nghị định thư. Họ cần sự trợ giúp kịp thời từ các cán bộ kỹ thuật để tiếp cận thông tin. Các cán bộ kĩ thuật có thể đến từ các chương trình, hiệp hội, được kết nối, tiếp nhận thông tin để từ đó hỗ trợ nông dân.


“Muốn đi xa thì đi cùng nhau”, các nhà phân phối, xúc tiến thương mại nắm bắt được nhu cầu thị trường sẽ thông tin lại cho các HTX, từ đó người nông dân sẽ có định hướng đúng để thực hiện sản xuất.


“Thực tế, các vườn đang chặt bỏ cây trồng quý để trồng sầu riêng. Nhưng do trồng mới, giống chưa xác định, người sản xuất chưa xác định tiêu chuẩn để làm theo, cơ sở đóng gói chưa rõ ràng. Khi sản xuất ồ ạt, chúng ta sẽ phải giải cứu. Như vậy, cần có một chính sách chung cũng như sự hỗ trợ từ các đơn vị có chức năng, nghiệp vụ để liên kết và giúp ổn định hệ thống”, ông Bùi Phước Hòa chia sẻ .

Chia sẻ Facebook