Xúc tiến, tìm kiếm cơ hội đón khách Ấn Độ đến các tỉnh Nam Trung Bộ
Ngày 19/8, tại Tp.Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp cùng Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Tp.HCM tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch Ấn Độ vào các tỉnh Nam Trung Bộ.
Cơ hội gắn kết du lịch giữa Ấn Độ và các tỉnh Nam Trung Bộ
Hội nghị có sự tham gia của gần 250 đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Ấn Độ và các sở, ban, ngành, doanh nghiệp của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận .
Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết năm 2022 mặc dù còn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng sau khi mở cửa hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường, tỉnh đã triển khai các chương trình, kế hoạch kích cầu thu hút du khách kết hợp truyền thông xúc tiến quảng bá du lịch Khánh Hòa.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh này đã tổ chức các sự kiện trọng tâm nhằm khôi phục thị trường khách du lịch cũng như tăng cường mối quan hệ với các địa phương khác, các quốc gia nước ngoài.
Với một chuỗi các sự kiện vừa qua, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa đã có hiệu ứng tích cực, tính chung 7 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách lưu trú ước đạt gần 1,5 triệu lượt khách (tăng 208,93% so với cùng kỳ) với hơn 3,4 triệu ngày khách lưu trú (tăng 167,69%). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 69.394 lượt khách với 321.940 ngày khách lưu trú; khách nội địa ước đạt hơn 1,3 triệu lượt khách với hơn 3,1 triệu ngày khách lưu trú.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng hi vọng hội nghị này sẽ góp phần tạo sự tìm hiểu, kết nối chặt chẽ giữa Ấn Độ với các tỉnh Nam Trung Bộ. Đồng thời là dịp để các tỉnh Nam Trung Bộ gắn kết, tạo sản phẩm du lịch đa dạng để thu hút khách du lịch nói chung và du khách Ấn Độ nói riêng trong thời gian tới.
Cũng tại hội nghị, ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, nhận định Khánh Hòa là một trong những địa phương được Ấn Độ ưu tiên lựa chọn kết nối, hợp tác du lịch trong thời gian tới.
Để mang lại hiệu quả, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam mong muốn tỉnh Khánh Hòa quan tâm hợp tác với Ấn Độ trong trao đổi, tìm hiểu về xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; xây dựng các chương trình, kết nối điểm đến du lịch văn hóa tâm linh, nhất là du lịch văn hóa Phật giáo, du lịch văn hóa, du lịch sức khỏe…
Ông Pranay Verma cũng mong muốn người dân các tỉnh Nam Trung Bộ ưu tiên lựa chọn các điểm đến của Ấn Độ khi đi tham quan, du lịch.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch giữa các bên
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hải, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết sắp tới sẽ có nhiều chuyến bay được mở giữa các địa phương của Ấn Độ với Việt Nam. Du khách 2 nước cũng rất quan tâm đến thị trường của nhau, đó là điều kiện quan trọng để thúc đẩy sự hợp tác du lịch trong thời gian tới.
Theo ông Hải, để tận dụng tốt các cơ hội cần có các giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy du lịch nói chung. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần coi thị trường Ấn Độ là một thị trường lớn, ưu tiên. Đồng thời, các doanh nghiệp của Ấn Độ hãy coi Việt Nam là một điểm đến đầy hấp dẫn trong bản đồ du lịch của mình. Bên cạnh đó, cần phát triển các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách; thúc đẩy các đường bay trực tiếp và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến…
“Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng như Bộ Ngoại giao sẽ đồng hành cùng tỉnh Khánh Hòa, các tỉnh Nam Trung Bộ và doanh nghiệp để hỗ trợ, thúc đẩy, tạo điều kiện quảng bá hình ảnh của các địa phương đến Ấn Độ và ngược lại. Từ đó, thúc đẩy du lịch phát triển giữa hai nước trong thời gian tới”, ông Hải nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục du lịch Việt Nam cho biết Ấn Độ là một thị trường tiềm năng, được kỳ vọng để phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Năm 2019, du lịch Việt Nam đã đón 170.000 lượt khách du lịch từ Ấn Độ, tăng 28% so với năm 2018. Ấn Độ đứng thứ 16 trong thị trường khách lớn nhất của Việt Nam và là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của nước ta.
Khách Việt Nam đến Ấn Độ đạt khoảng 50.000 lượt trong năm 2019 và dự kiến sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Hiện nay, đang có nhiều người Việt Nam mong muốn được đến Ấn Độ học tập và tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh; du lịch, hành hương về đất Phật, khám phá di sản văn hóa kiến trúc đặc sắc của Ấn Độ.
“Trong thời gian qua, du lịch của 2 nước đã có nhiều hoạt động hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi trao đổi khách du lịch. Đến cuối năm 2022, dự kiến sẽ có 21 đường bay và trên khoảng 60 chuyến bay mỗi tuần kết nối giữa hai quốc gia. Những đường bay thẳng Việt Nam và Ấn Độ là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế du lịch giữa 2 quốc gia”, ông Thủy nói.
Tại hội nghị, các tỉnh Nam Trung Bộ đã giới thiệu đến với các doanh nghiệp du lịch Ấn Độ về tiềm năng cũng như lợi thế du lịch của địa phương mình.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết hiện nay, toàn tỉnh có 1.147 cơ sở lưu trú dịch vụ với hơn 52.000 phòng. Trong đó, tổng số cơ sở lưu trú du lịch 3-5 sao được công nhận là 96 cơ sở với gần 23.000 phòng, chiếm gần 50% tổng số phòng trên địa bàn tỉnh. Khánh Hòa hiện có 148 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành gồm 29 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 119 doanh nghiệp lữ hành quốc tế.
Để đạt được mục tiêu đề ra trong thời gian tới, ngành du lịch cũng như tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng quy hoạch phát triển du lịch có chiều sâu, thực hiện cơ chế chính sách đầu tư thông thoáng, đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện môi trường du lịch, tăng cường xúc tiến, quảng bá thương hiệu… Trong đó, tập trung phát triển mạnh mẽ du lịch biển đảo để tiếp tục khẳng định dòng sản phẩm du lịch này với các dịch vụ sản phẩm nghỉ dưỡng biển cao cấp.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên đã giới thiệu các tiềm năng du lịch phong phú của tỉnh với địa hình tự nhiên đa dạng, nhất là danh thắng quốc gia đặc biệt gành Đá Đĩa nổi tiếng.
Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên 8 tháng đầu năm ước đạt hơn 1,3 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế đạt 4.200 lượt. Tổng doanh thu hoạt động du lịch đạt 1.644 tỷ đồng, đạt 73,3% kế hoạch năm. Tỉnh Phú Yên sẽ tập trung phát triển du lịch biển, sinh thái, văn hóa, cộng đồng và xây dựng một số sản phẩm mang tính đặc trưng khám phá cảnh quan tự nhiên, hệ sinh thái biển đảo ven bờ...
Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định; nhà ga quốc tế Cam Ranh và các hãng hàng không của 2 nước cũng giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của mình để tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các bên.
Bên cạnh đó, các đơn vị du lịch của Ấn Độ đã giới thiệu đến các tỉnh Nam Trung Bộ những nét nổi bậc về các thành phố lớn của nước này cùng với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo như du lịch tâm linh về 4 địa điểm quan trọng của cuộc đời Đức Phật, du lịch y tế, tìm hiểu các lễ hội, di sản kiến trúc…
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Tp.Hồ Chí Minh nói, hội nghị là cơ hội để các đơn vị gặp gỡ và kết nối với nhau. Tại đây, hai bên đã chia sẻ nhiều khía cạnh, sản phẩm du lịch khác nhau của các tỉnh Nam Trung Bộ và Ấn Độ. Ông hi vọng rằng sau hội nghị này, các đơn vị điều hành tour tại Ấn Độ có thể kết nối, lên kế hoạch để thúc đẩy du lịch nhiều hơn nữa.
Ngay sau hội nghị, gần 150 doanh nghiệp du lịch của Ấn Độ và các tỉnh Nam Trung Bộ đã giao lưu, kết nối theo hình thức giao dịch trực tiếp.
Châu Tường