Xuất siêu tiếp tục tăng nhưng khó khăn ngày càng lộ diện
Dù tiếp tục xuất siêu song cả giá trị xuất khẩu và nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 10 đều giảm so với thống kê ở kỳ liền kề. Trong đó xuất khẩu giảm 17,5%, còn nhập khẩu giảm gần 7%.
Trong nửa đầu tháng 10, Việt Nam xuất siêu 466 triệu USD, giảm mạnh so với số xuất siêu tới 2,44 tỷ USD trong kỳ 2 tháng 9. Đồng thời, lũy kế tới hết 15/10, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư khoảng 7,24 tỷ USD.
Đây là giá trị xuất siêu ghi nhận theo thống kê sơ bộ mới cập nhật của Tổng cục Hải quan lũy kế tới giữa tháng 10/2022.
Theo đó, trong nửa đầu tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 27.75 tỷ USD, giảm tới 12,6% so với kỳ liền kề (tương ứng giảm 4 tỷ USD), dù tiếp tục tăng 14,5% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 14.11 tỷ USD, giảm 17,5 % (gần 3 tỷ USD) so với kỳ liền trước. Nhập khẩu đạt 13,64 tỷ USD, giảm 6,9% (1,02 tỷ USD) so với kỳ gần nhất.
Lũy kế từ đầu năm với giữa tháng 10, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 296,34 tỷ USD, tăng 16,7% (tương ứng tăng 42,33 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021; tổng trị giá nhập khẩu đạt gần 289,1 tỷ USD, tăng 12,7% (tương ứng tăng 32,65 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Với kết quả trên, tổng giá trị xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/10 ước đạt 585,43 tỷ USD, tăng 14,5% (tương ứng tăng 73,98 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch tỷ USD trong 15 ngày
Theo số liệu hải quan, nửa đầu tháng 10, có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên và nhiều nhóm đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD.
Trong đó, điện thoại và linh kiện đạt gần 2,6 tỷ USD tiếp tục giữ vững vị trí là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. 3 nhóm hàng còn lại là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,9 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (1,84 tỷ USD) và dệt may (1,28 tỷ USD).
Như vậy, tới giữa tháng 10, đã có tới 6 nhóm hàng có trị giá xuất khẩu trên 10 tỷ USD, gồm: Gỗ và sản phẩm từ gỗ (12,796 tỷ USD); Dệt may (30,307 tỷ USD); Giày dép các loại (19,073 tỷ USD); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (43,791 tỷ USD); Điện thoại các loại và linh kiện (47,7 tỷ USD); Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (36,1 tỷ USD).
Chiều ngược lại, nửa đầu tháng 10, có 2 nhóm mặt hàng có trị giá nhập khẩu trên 1 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,258 tỷ USD và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 1,719 tỷ USD.
Lũy kế tới 15/10, đã có 5 nhóm hàng có trị giá nhập khẩu trên 10 tỷ USD, gồm: Chất dẻo nguyên liệu (10,234 tỷ USD); Vải các loại (11,99 tỷ USD); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (67,213 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (16,746 tỷ USD); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (36,141 tỷ USD).
Khối FDI vẫn là động lực chính của trao đổi thương mại
Theo ghi nhận, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 10/2022 đạt 10,45 tỷ USD, giảm 20,5%, tương ứng giảm 2,69 USD so với kỳ liền kề. Lũy kế đến 15/10, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm FDI đạt 218,7 tỷ USD, tăng 17,5%, tương ứng tăng 32,65 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,8% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Về nhập khẩu, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ kỳ 1 tháng 10/2022 đạt gần 8,9 tỷ USD, giảm 8,2% (tương ứng giảm 793 triệu USD) so với kỳ liền kề. Lũy kế đến 15/10, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm FDI đạt 188,5 tỷ USD, tăng 12% (tương ứng tăng 20,27 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 65,2% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Tựu chung lại, tổng trị giá xuất nhập khẩu của khu vực FDI trong giai đoạn đạt 407,21 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng tới 52,92 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 178,23 tỷ USD, tăng 13,4% (tương ứng tăng 21,06 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Thống kê cho thấy, nếu xét trên giá trị tuyệt đối, hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn vẫn đạt được mức tăng trưởng khả quan; tuy nhiên nếu xét riêng từng tháng - nhất là trong giai đoạn gần đây, số liệu đang cho thấy dấu hiệu giảm sút khá rõ rệt.
Đơn cử, giá trị xuất khẩu trong tháng 9 giảm 14,6%, trong khi nhập khẩu cũng giảm tới 8,6% so với kỳ liền kề. Tới kỳ đầu tháng 10, kết quả này vẫn tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm.
Trước đó, nhiều cơ quan như Bộ Công Thương, VCCI đã đưa ra các dự báo kém tích cực về hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm.
Trong đó, các lý do chính có thể kể đến như giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp; giá dầu tăng cao trong khi đây là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng. Kế đến là lực từ lạm phát, tỷ giá; việc giá cả hàng hóa leo thang không chỉ trong nước, mà trên toàn cầu - ảnh hưởng đến kích cầu tiêu dùng và hoạt động thương mại quốc tế...