Xuất khẩu vào Anh: Cần giải pháp để tiếp đà tăng trưởng
Sau một năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) cho thấy, tăng trưởng thương mại của Việt Nam có bước nhảy vọt dù dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Song, con đường chinh phục thị trường này phía trước rất cần sự nỗ lực của doanh nghiệp và Chính phủ.
Xuất khẩu vào Anh: Cần giải pháp để tiếp đà tăng trưởng
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2021 trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,6 tỷ USD , tăng trưởng 17,2% so với năm 2020.
Mức tăng trưởng hai chữ số này đã giúp kim ngạch song phương chính thức phục hồi về mức kim ngạch năm 2019, sau khi bị sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh tăng 16,4%, còn Vương quốc Anh xuất khẩu sang Việt Nam tăng 24%.
CƠ HỘI KHAI THÁC NHỮNG LĨNH VỰC CÓ TIỀM NĂNG
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) bình luận, nếu so với xuất khẩu trung bình của Việt Nam, có thể con số xuất khẩu của Việt Nam sang Anh và Bắc Ailen năm 2021 không cao bằng (tăng hơn 16%) nhưng nếu không có UKVFTA thì con số lớn này không đạt được.
Hơn nữa, hiệp định này có lợi thế tương đối mạnh so với hiệp định khác, đó là khoảng thời gian chạy đà trước đó (đã thực hiện theo EVFTA – hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU khi Anh chưa rời khỏi EU), nên doanh nghiệp, cơ quan chính phủ đã có thời gian làm quen, tạo đà cho kết quả thực hiện UKVFTA tốt hơn.
Không chỉ vậy, theo bà Trang, riêng về thương mại giữa Việt Nam và Anh gần như cơ cấu bổ sung tuyệt đối cho nhau, không có sản phẩm đối đầu. Việt Nam cần dược phẩm thì Anh mạnh, Việt Nam xuất khẩu lớn về dệt may thì Anh lại cung cấp nguyên liệu dệt may lớn… là lợi thế trong thực thi hiệp định.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng đồng tình, chúng ta có tiền đề rất tốt là 2 bên đều quyết tâm thúc đẩy thực hiện hiệp định thành công. Việc thực thi hiệp định có 2 nhóm chính là nhóm truyền thống đã có, từ đó xây dựng lên tốt hơn.
Dệt may, rau quả là những ngành truyền thống mà khi đàm phán hai bên nhìn vào để thúc đẩy. Nhưng về lâu dài không chỉ nhìn vào sản phẩm truyền thống, mà cần hướng vào những lĩnh vực có tiềm năng thực thi trong tương lai.
Thời gian qua, giữa hai bên đã có sự hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy điều này như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch – hai bên quyết tâm mạnh mẽ trong việc giảm khí thải cacbon vì Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Trong khi Anh mạnh về tài chính và công nghệ để hỗ trợ chuyển đổi nguồn năng lượng này. Đây là lĩnh vực hợp tác mới và rất tiềm năng.
Ngoài ra, còn có nhiều lĩnh vực tiềm năng khác như hàng không, trung tâm bảo dưỡng Roll Royce, hay trung tâm sản xuất vaccine, dược phẩm,… đây là những lĩnh vực có lợi cho cả hai bên.
Bổ sung thêm lợi ích cho Việt Nam, bà Trang cho rằng, việc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ thêm cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam, tạo đòn bẩy gia tăng quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Anh.
Bởi với CPTPP, không có nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam tại thị trường Anh với các sản phẩm cùng có thế mạnh. Anh gia nhập CPTPP tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nhiều hơn cơ hội về ưu đãi thuế quan trong CPTPP. CPTPP là một khối rộng lớn, quy tắc xuất xứ sẽ dễ dàng hơn khi chỉ có Việt Nam và Anh trong UKVFTA.
KHÔNG PHẢI CỨ CÓ HIỆP ĐỊNH LÀ CÓ THỊ TRƯỜNG
Dù kết quả một năm thực hiện hiệp định có nhiều khả quan, nhưng theo bà Trang, sự chuẩn bị, hiểu biết của doanh nghiệp còn hạn chế.
Khảo sát của VCCI với tất cả các FTA mà Việt Nam có, chưa đầy 20% doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu kỹ về các hiệp định, chứng tỏ còn rất nhiều doanh nghiệp chưa biết cơ hội để vận dụng. Vì thế bà Trang cho rằng, doanh nghiệp rất mong chờ các cơ quan liên quan hỗ trợ thông tin về các cam kết cũng như cách thức tổ chức thực hiện.
“Chúng ta đã biết, như liên quan tới hạn ngạch, vấn đề không chỉ là cam kết hạn ngạch thì bao nhiêu nghìn tấn được hưởng ưu đãi thuế quan, ngoài hạn ngạch thì thế nào,… mà còn ở chỗ cơ chế được cấp hạn ngạch thế nào, phía Anh cơ chế được hưởng hạn ngạch thế nào, còn phía Việt Nam cơ chế được chứng nhận gạo đủ điều kiện là gạo thơm để được hưởng hạn ngạch thế nào…” bà Trang nói.
Đó là một ví dụ cho thấy có rất nhiều vấn đề liên quan tới việc thực thi. Không chỉ hiểu, cam kết mà cần hiểu cơ chế để thực hiện các cam kết. Phần cơ chế này không chỉ doanh nghiệp, mà cơ quan nhà nước còn lúng túng vì nó còn mới bắt đầu.
Như Nghị định về chứng nhận gạo thơm mới chỉ được ban hành đầu năm 2022 - chậm một thời gian tương đối dài. Như vậy, những thông tin đó rất cần cho doanh nghiệp. Các cơ quan có thông tin nhiều hơn thì cần hỗ trợ doanh nghiệp sâu hơn.
Thêm nữa là việc tiếp cận thị trường. Theo đại diện VCCI, không phải cứ có hiệp định là chúng ta tự nhiên có khách hàng, có thị trường, có lợi thế, mà phải thông qua thời gian nỗ lực tìm hiểu thông tin về thị trường, nhu cầu của người dùng cũng như các quy chế khác…
Không chỉ hiểu quy định để xử lý tranh chấp mà còn hiểu để tuân thủ. Vì Mỹ, EU, Anh là những khách hàng khó tính, nên có nhiều quy định của khách hàng, thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam cần biết.
“Rõ ràng những thông tin như vậy, nếu một doanh nghiệp đi tìm hiểu thì rất vất vả, nhưng nếu chúng ta tìm hiểu từ những cơ quan xúc tiến thương mại, họ chia sẻ thì đơn giản với doanh nghiệp hơn nhiều. Hay những cơ quan đi xúc tiến cho toàn bộ ngành hàng hay nhóm sản phẩm của Việt Nam thì đỡ hơn doanh nghiệp tự đi xúc tiến”, bà Trang nêu quan điểm.
Ở góc độ khác, với mọi hiệp định hay toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ cần có cơ chế chính sách phù hợp, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đúng quy định hội nhập nhưng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Dù đã có những bước tiến nhưng vẫn cần tiến xa hơn nữa.
Chúng ta đã có một số bạn hàng quen với sản phẩm Việt Nam (như chanh leo cô đặc, dứa cô đặc, sản phẩm lạnh dứa – xoài…), đó là dư địa. Việt Nam có tiềm năng về vùng vải Lục Ngạn, xoài Sơn La, thanh long Bình Thuận, xoài Cát Chu, chanh leo vùng Tây Nguyên có thể cạnh tranh với các nước Nam Mỹ và Đông Nam Á.
Ông Đinh Cao Khuê, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), đề xuất, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để tiếp đà tăng trưởng cao hơn nữa vào thị trường Anh. Dư địa nước Anh còn rất lớn.
Cụ thể, theo ông Khuê, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo các tỉnh, các vùng trồng, tập huấn cho bà con nông dân kỹ thuật trồng trọt, đặc biệt bón phân hóa học nhằm đảm bảo tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ở mức cho phép.
Các nhà máy chế biến, các công ty đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đề nghị Bộ Công Thương, Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ ở Anh, EU để tìm kiếm khách hàng…
Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) bổ sung, thị trường EU đã khó tính thì Anh còn khó tính hơn nữa. Để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Anh, các doanh nghiệp phải nắm chắc những yêu cầu nhập khẩu của Vương quốc Anh thông qua Vụ, Cục, các Thương vụ hay website của Bộ Thương mại Chính phủ Anh…
Ngoài ra, doanh nghiệp cần thường xuyên tự xây dựng hình ảnh cho sản phẩm của mình, nâng cao thương hiệu để khẳng định được vị trí sản phẩm ở thị trường Anh.
Hiện nay, Bộ Công Thương cũng tổ chức nhiều hội thảo, xúc tiến thương mại,… doanh nghiệp cần tham gia để nắm bắt nhu cầu thị trường. Bà Ngọc nhấn mạnh, chất lượng sản phẩm là vấn đề đầu tiên mà doanh nghiệp cần luôn luôn đảm bảo.
Song Hà
VnEconomy