Xuất khẩu tôm và bài toán giảm giá thành
Theo các chuyên gia, tỉ lệ tôm nuôi thành công của Việt Nam còn thấp, chi phí đầu vào cao,…dẫn đến giá thành cao,làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt trên thị trường
Suốt 5 thập kỷ qua, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 45-50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm hàng đầu với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm trên toàn thế giới.
Những năm qua, ngành tôm Việt Nam đã có nhiều đổi mới và phát triển, đặc biệt nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã tăng cường ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi tôm để nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặc dù vậy, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam vẫn còn hạn chế và ngành vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn.
Thông tin thêm về thị trường tôm, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết, năm 2023 thị trường thế giới được dự báo vẫn chưa khởi sắc, nhập khẩu tôm của Mỹ chưa thể phục hồi trong nửa đầu năm. Nhu cầu sẽ vẫn tập trung nhiều hơn vào tôm cỡ nhỏ, lợi thế nghiêng về Ecuador vì nguồn cung tôm dồi dào hơn và thuận lợi về vị trí địa lý. Ngoài ra, tình trạng lạm phát, xung đột Nga – Ukraine cũng sẽ có những ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu tôm.
Nền kinh tế châu Âu tiếp tục khó khăn nên xuất khẩu tôm sang EU không được đánh giá tích cực trong năm 2023. Với thị trường Hàn Quốc, nửa đầu năm 2023, nhập khẩu tôm của thị trường này cũng sẽ chậm lại do kinh tế khó khăn.
Đáng chú ý, giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ nửa cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu rất khó khăn.
Do đó, ông Hòe đề xuất, các doanh nghiệp cần tối ưu hóa chi phí sản xuất, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường. Cần quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm có tính đặc thù, sản phẩm giá trị gia tăng, chủ động thay đổi cơ cấu thị trường, sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc.
Liên quan đến giá thành tôm nuôi, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, đề xuất cần xem xét lại cách tiếp cận ngay từ khâu con giống cho đến mô hình, quy trình hay mật độ thả nuôi. Theo đó, cần thúc đẩy chương trình gia hóa tôm bố mẹ để tạo ra nguồn giống chống chịu dịch bệnh, thích ứng với điều kiện các vùng nuôi, nhằm nâng cao tỉ lệ nuôi thành công và xây dựng quy trình nuôi hợp lý, tối ưu, giá thành thấp cho từng mô hình nuôi.
"Tỉ lệ nuôi tôm thành công của ta chỉ đạt dưới 40%; trong khi ở Ecuador là trên 90%, Ấn Độ hơn 60%. Muốn nuôi tôm có tỉ lệ thành công cao, yếu tố con giống là quan trọng nhất", ông Lê Văn Quang nhấn mạnh.
Do đó, ngành tôm cần sớm thay đổi cách tiếp cận kể cả về công tác giống, mô hình, quy trình nuôi… để gia tăng tỉ lệ nuôi thành công, giảm giá thành sản phẩm, nhằm giúp ngành tôm duy trì và phát huy hơn nữa vị thế trên thị trường thế giới .
TS Trần Hữu Lộc, Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM, nêu ý kiến, để ngành tôm có thể nâng sức cạnh tranh người nuôi tôm nên thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thành kinh tế nông nghiệp. Bởi hiện nay, sản xuất là để cạnh tranh với thị trường quốc tế. Vì vậy, giá thành sản xuất phải đủ độ cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc minh bạch.
Năm 2023, ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu đạt diện tích 750 nghìn hecta, sản lượng tôm các loại 1.080 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 4,3 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, theo Tổng cục Thủy sản, cần tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm để đáp ứng với nhu cầu của thị trường quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Trong đó, tập trung hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Đi cùng với đó, thực hiện tốt công tác quản lý giống tôm nước lợ, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trung ương và các địa phương để quản lý tốt chất lượng tôm giống; chia sẻ kịp thời, thường xuyên thông tin về nguồn gốc, chất lượng giúp bà con nuôi tôm có được con giống chất lượng cao phục vụ sản xuất. Đồng thời, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết (liên kết dọc gữa các nhà với nhau; liên kết ngang giữa các cơ sở sản xuất), sản xuất có chứng nhận chất lượng để sản xuất an toàn và hạ giá thành cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy xuất khẩu tôm trong năm 2023, nhiều ý kiến cho rằng, cần có biện pháp quản lý, bình ổn giá cả vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm, tránh tình trạng tăng giá liên tục như hiện nay. Đồng thời, quản lý tốt giá tôm nguyên liệu, tránh để tình trạng tôm rớt giá ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Song hành với đó, ban hành cơ chế chính sách, nhất là về vốn hỗ trợ, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất thức ăn nuôi tôm, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Đối với các cơ quan chuyên môn, cần tăng cường công tác dự báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và các địa phương về giá cả, thị trường để kịp thời khuyến cáo người dân chủ động trong sản xuất. Triển khai các chương trình xây dựng chuỗi giá trị tôm, trong đó có kết nối cho vay vốn ưu đãi lãi suất, giảm lãi suất và giãn nợ cho các bên tham gia trong chuỗi ngành hàng để phục hồi sản xuất.
Minh Hoa (Đại Đoàn Kết, Nông nghiệp Việt Nam , Hải quan Online)