Xuất khẩu thủy sản tháng 1 giảm mạnh, kỳ vọng phục hồi từ quý 2/2023

Chia sẻ Facebook
05/02/2023 00:35:46

Theo VASEP, bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo chưa có nhiều cải thiện.


Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng đầu tiên của năm 2023 chỉ khoảng 600 triệu USD, giảm đến 31% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, cả 3 mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm mạnh trong đó cá tra giảm mạnh nhất với 50%, tôm đứng thứ hai 46%, cá ngừ giảm 32%.

Nguyên nhân, các nhà nhập khẩu ở các thị trường chính giảm nhập vì tồn kho cao và sức mua yếu. Cụ thể, thị trường Mỹ giảm 56%, Trung Quốc giảm 55%, EU giảm 35%...

Theo VASEP, tuy năm 2022 xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục với 11 tỷ USD nhưng đó là kết quả thành công của 3 quý đầu năm liên tục tăng trưởng dương ở mức cao từ 34 -46% so với cùng kỳ năm trước. Từ quý 4/2022, xu hướng xuất khẩu đã đảo chiều sang tăng trưởng âm hơn 9% và giảm sâu ở tất cả các ngành hàng do tác động của lạm phát ở các thị trường.

Tuy nhiên, đối với các thị trường tiêu thụ, thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhu cầu sẽ không thể sụt giảm quá mạnh. Sẽ có điều chỉnh về nhu cầu theo phân khúc sản phẩm.

Theo đó, lợi thế sẽ nghiêng nhiều hơn về các ngành hàng có giá vừa phải vì phù hợp với tầng lớp người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình – vốn là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát.


Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo Thanh Niên , ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta ( Sóc Trăng ) đưa ra nhận định: Thông thường trong quý 1, các nhà nhập khẩu sẽ đánh giá thị trường cũng như kho hàng của năm trước và tập trung giải phóng hàng tồn. Từ cuối tháng 3 đầu tháng 4, thị trường sẽ bắt đầu sôi động trở lại. Đối với động thái mở cửa trở lại của Trung Quốc cũng giúp các doanh nghiệp làm ăn với thị trường này có thêm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trong tình hình chung vẫn còn khó khăn.

VASEP đánh giá: Việc Trung Quốc mở cửa thị trường mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà cả các thị trường khác trên thế giới, khi du lịch và giao thương được thông suốt. Đồng thời, sự hồi phục mà thị trường này mang lại cũng sẽ có kết quả rõ ràng ít nhất là từ quý 2 năm nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước có thể lạc quan vào những thị trường được đánh giá có nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay ở khu vực châu Á, Trung Đông…

Thời điểm này, quan trọng là các doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo năng lực tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng ngay.

Cụ thể, cần chủ động trong vấn đề nguyên liệu, sản xuất và đánh giá tình hình vì mặt hàng thực phẩm là nhu cầu thiết yếu, nếu không chủ động sẽ lỗi nhịp về cơ hội khi thị trường phục hồi.

Các doanh nghiệp cũng phải linh hoạt chuyển đổi quy trình và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm kịp thời với xu hướng tiêu dùng mới, đáp ứng được nhu cầu thị trường và gia tăng xuất khẩu.


"Song song đó, doanh nghiệp cần chuyển dịch chiến lược phát triển bền vững trên cơ sở tập trung cho sản xuất xanh nhằm đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi từ quy định, luật lệ, tiêu chuẩn... về môi trường cũng như trách nhiệm xã hội, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu trong vấn đề tiêu dùng và nhập khẩu của các quốc gia phát triển. Việc theo đuổi chiến lược này tạo hiệu ứng tích cực về lợi thế cạnh tranh lâu dài hơn cho các doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam ," ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, khuyến nghị.


Minh Hoa (t/h theo báo Thanh Niên, Vietnam+)

Chia sẻ Facebook