Xuất khẩu thủy sản sang thị trường ngách tăng trưởng khả quan
Cơ cấu thị trường xuất khẩu thủy sản có sự biến động lớn khi tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc giảm mạnh, sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan tăng.
Ngày 2/3, cổng thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đăng tải, theo số liệu thống kê, giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 2/2023 ước đạt 550 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2023 đạt 1,01 tỷ USD, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm 2022. Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc là 3 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong tháng 1 năm 2023, chiếm 45,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong tháng 1/2023, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất tại thị trường Philippin (+57,9%).
Tháng 01/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 457,2 triệu USD, giảm 47,3% so với tháng 12/2022 và giảm 39,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang tất cả các thị trường đều giảm. Bối cảnh khách quan chung của tháng 1 có kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tất yếu khiến cho xuất khảu hàng hóa Việt Nam giảm so với cùng kỳ, trong đó có thủy sản.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 01/2023, đạt 91,19 triệu USD, giảm 28,9% so với tháng 12/2022 và giảm 31,4% so với tháng 01/2022. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng từ 17,6% trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 01/2022 lên 19,9% trong tháng 01/2023.
Xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ tháng 01/2022 đạt 68,12 triệu USD, giảm 31,5% so với tháng 12/2022 và giảm 65,8% so với tháng 01/2022. Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh từ mức 26,4% trong tháng 01/2022 xuống 14,9% trong tháng 01/2023. Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan là các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn tiếp theo của Việt Nam trong tháng 01/2023.
Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ tính riêng tháng 1/2023 xuất khẩu tất cả các dòng sản phẩm chính đều giảm sâu từ 30-60% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất 61%, tôm giảm 55%, xuất khẩu cá ngừ giảm 43%, nhuyễn thể giảm 32 và cá các loại khác giảm 28%.
Theo VASEP, biến động kinh tế, chính trị, tình trạng lạm phát hàng hóa và thực phẩm đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng cũng như kế hoạch kinh doanh tại các thị trường, nhất là những thị trường lớn của thủy sản Việt Nam, như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…
Năm 2023, lạm phát toàn cầu được dự báo giảm, nhưng vẫn là rủi ro lớn nhất đối với các nhà kinh doanh nhập khẩu và là gánh nặng với người tiêu dùng, nhất là các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn giảm mạnh vì đơn hàng ít thì đã có sự chuyển dịch sang các thị trường nhỏ, thị trường ngách và ghi nhận các mức tăng trưởng đột phá về doanh số: Israel tăng 17%, Indonesia tăng 8%, Cameroon tăng 15%, Lào tăng 21%, Chile tăng 7%.
Ngay trong khối EU, hầu hết các nước thành viên đều giảm 30 – 60% nhập khẩu thủy sản Việt Nam, nhưng vẫn có thị trường nổi bật với mức tăng 435% như Phần Lan. Xuất khẩu sang Ba Lan cũng chỉ giảm nhẹ 1%, Síp giảm 5%...
Lạm phát là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho nhiều loài thủy sản có giá hợp túi tiền người tiêu dùng thu nhập thấp. Quan trọng là các doanh nghiệp nắm bắt sự thay đổi của các thị trường để thích ứng và có chiến lược phù hợp.
Theo VASEP, bức tranh xuất khẩu thủy sản khó có thể bừng sáng trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Quý I năm nay, xuất khẩu thủy sản có thể vẫn thấp hơn khoảng 15 -20% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau các hội chợ thủy sản Quốc tế vào tháng 3, tháng 4, cùng với sự thích ứng và bùng nổ của thị trường Trung Quốc cũng như sự điều chỉnh chiến lược của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, hy vọng xuất khẩu sẽ hồi phục dần từ quý II.
Tuệ Minh