Xuất khẩu rau quả bỏ trống nhiều thị trường
Mỗi năm Nhật Bản có nhu cầu nhập 20 tỉ USD rau quả nhưng hàng hóa của Việt Nam xuất sang đây chỉ chiếm 3%
Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây lớn của thế giới nhờ vào diện tích trồng cây ăn quả 1,2 triệu ha và tổng sản lượng sau thu hoạch lên 12 triệu tấn. Rau quả cũng là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam, với trên 3,5 tỉ USD/năm. Nhận định được ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin ngày 11-10 tại hội nghị giới thiệu triển lãm và hội thảo quốc tế lần thứ 5 chuyên ngành sản xuất và chế biến rau hoa quả tại Việt Nam do Công ty VEAS (Việt Nam) và Công ty Nova Exhibitions BV (Hà Lan) tổ chức với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương diễn ra ở TP HCM.
Theo ông Nguyên, từ năm 2020 Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do nên thị trường xuất khẩu được mở rộng, giúp mặt hàng rau củ quả của Việt Nam tăng cạnh tranh, hội nhập thị trường nước ngoài. Các mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đứng đầu là thanh long với kim ngạch trên 1 tỉ USD/năm, kế đến là xoài, nhãn, bưởi, chôm chôm, măng cụt... và sắp tới đây, sầu riêng sẽ là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, với kim ngạch dự kiến khoảng 2 tỉ USD/năm, vượt thanh long trong nay mai.
Sở dĩ sầu riêng trở thành mặt hàng "hot", theo ông Nguyên, là do Trung Quốc đã chính thức cấp phép cho sầu riêng Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường của họ. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam đã bắt đầu xuất hàng trăm tấn sầu riêng sang Trung Quốc và được người tiêu dùng nước này đón nhận. Mỗi năm Trung Quốc chi tới 4 tỉ USD cho mặt hàng sầu riêng, trong đó Thái Lan chiếm 90%, còn 10% còn lại chia cho Việt Nam và Malaysia. "Khi sầu riêng Việt Nam được phía Trung Quốc chấp nhận, xuất khẩu mặt hàng này sẽ vượt qua cả trái thanh long để đạt 2 tỉ USD/năm. Chưa kể lợi thế trái sầu riêng của Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc là quốc gia ngay bên cạnh, chi phí vận chuyển thấp, tăng mức cạnh tranh đáng kể" - ông Nguyên cho biết.
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, cho rằng rau quả là 1 trong 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam chiếm khoảng 1,4% tổng nhập khẩu rau quả của thế giới. Nhiều thị trường chưa được các DN Việt Nam khai thác, còn bỏ trống. Nếu được khai thác, các thị trường này sẽ mang đến mức tăng trưởng đáng kể.
Như Trung Quốc, dù Việt Nam xuất khẩu lượng lớn rau quả sang thị trường này nhưng con số vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, hàng hóa chưa cạnh tranh được với các nước xuất khẩu khác. Chẳng hạn, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu chuối 1 tỉ USD, trong đó Philippines chiếm 50%, Campuchia 20%, còn Việt Nam chỉ có 16%. Về măng cụt, Trung Quốc nhập 800 triệu USD thì Thái Lan hưởng đến 700 triệu USD. "Mặt hàng thanh long của Việt Nam đang có lợi thế tại thị trường Trung Quốc nhưng nước này cũng đang tổ chức trồng thanh long với diện tích tăng rất mạnh, thậm chí họ còn sang cả Lào và Campuchia để thuê đất trồng thanh long. Do đó, DN của Việt Nam cần phải tỉnh táo nắm bắt thông tin để điều chỉnh cho phù hợp" - ông Hưng cảnh báo.
Về thị trường Nhật Bản, mỗi năm nước này có nhu cầu nhập khẩu 20 tỉ USD rau quả nhưng hàng hóa cùng loại của Việt Nam xuất sang đây chỉ chiếm có 3% là quá thấp, cần phải đẩy mạnh khai thác thị phần này. "Mặt hàng chuối mỗi năm họ nhập 64 tỉ yen thì Philippines chiếm gần hết, Việt Nam chỉ có dưới 3%. Bưởi họ cũng nhập tới 21 tỉ yen nhưng bưởi của Việt Nam chưa thể thâm nhập được. Hay hạt điều là thế mạnh của Việt Nam nhưng chỉ chiếm 9% thị phần tại Nhật, còn Ấn Độ chiếm 88%. Tương tự, mặt hàng dừa cũng nhường hết cho Philippines" - ông Hưng dẫn chứng.
Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng Việt Nam từ nước chủ yếu xuất khẩu gạo, cây công nghiệp trở thành nước xuất khẩu rau quả có mức tăng trưởng cao trong thời gian qua. Tuy nhiên, để chiếm vị trí cao ở các thị trường thì cần phải cố gắng hơn, chủ động hướng đi để đáp ứng quy định thị trường, hội nhập tốt hơn, kết nối mạng cung ứng toàn cầu, cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật.