Xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc: Dư địa lớn nhưng không dễ

Chia sẻ Facebook
18/08/2023 03:07:02

Những năm qua, nhu cầu nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Hàn Quốc từ thế giới khá lớn. Quốc gia này hiện nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng gỗ, rau quả, cà phê…

Thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng


Theo báo Nhân Dân , xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Hàn Quốc còn nhiều cơ hội mở rộng và tăng trưởng khi Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do, gồm Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).


Theo số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đạt 328 triệu USD, đạt 32,2% kim ngạch năm 2022. Hiện nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng từ gỗ của Hàn Quốc có mức tăng trưởng nhanh. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Hàn Quốc từ các thị trường thế giới tăng 16,8% về lượng so với cùng kỳ năm 2022.

Đối với lĩnh vực thủy sản, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 293,6 triệu USD, đạt 30,9% kim ngạch năm 2022; xuất khẩu rau quả đạt 86,4 triệu USD, đạt 47,8% kim ngạch năm 2022; xuất khẩu gạo đạt 15,3 triệu USD, đạt 45,5% kim ngạch năm 2022 với sản lượng 31,5 nghìn tấn, đạt 47,9% khối lượng năm 2022; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 24 triệu USD, đạt 44,9% kim ngạch năm 2022…

Riêng mặt hàng cà-phê, theo số liệu từ Trung tâm Thương mại quốc tế, 6 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc nhập khẩu cà-phê từ các thị trường trên thế giới đạt 92,93 nghìn tấn, trị giá 547,83 triệu USD, giảm 0,3% về lượng và giảm 3,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Nguồn cung cà-phê cho Hàn Quốc khá đa dạng, đến từ khoảng hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, các nguồn cung chủ yếu gồm: Brazil, Việt Nam, Colombia, Ethiopia…

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc cũng tăng nhập khẩu cà-phê từ Việt Nam, tốc độ tăng 21,4% về lượng và tăng 6,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 21,27 nghìn tấn, trị giá 43,8 triệu USD. Thị phần cà-phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng từ 18,79% trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 22,8% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Nâng cao chất lượng hàng hóa để đẩy mạnh xuất khẩu


Chia sẻ với Tuổi Trẻ , ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, mặc dù có những khởi sắc rất lớn trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Hàn Quốc, nhưng ngoài những mặt hàng như thanh long, dừa gọt vỏ, dứa, chuối, ớt đông lạnh và xoài, vẫn còn nhiều sản phẩm có tiềm năng của Việt Nam vẫn đang đàm phán để bạn mở cửa như ớt tươi, bưởi, chôm chôm, vải, nhãn, vú sữa…

Điều mà ông Nguyên trăn trở, đó là phía bạn đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe về kiểm dịch động, thực vật, hàng rào kỹ thuật với tiêu chuẩn chất lượng rất chặt chẽ.

Với trái xoài, Hàn Quốc chỉ cho giới hạn một số vùng trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ định các doanh nghiệp xử lý nhiệt trước khi hàng xuất. Ảnh minh họa: Vina T&T

Đơn cử như với trái ớt, hiện Hàn Quốc mới cho xuất vào hàng đông lạnh, còn ớt tươi bị kiểm dịch rất gắt gao. Hay với trái xoài, nước bạn cũng chỉ cho giới hạn một số vùng trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ định các doanh nghiệp xử lý nhiệt trước khi hàng xuất.

Thực tế này dẫn tới việc dù có những sản phẩm của chúng ta đã vào được thị trường Hàn Quốc, nhưng lượng xuất khẩu vào vẫn còn khiêm tốn và chưa xứng với tiềm năng.


Liên quan đến vấn đề này, báo Đầu tư dẫn ý kiến của ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Công ty Good Farmers cho hay, Hàn Quốc không bắt buộc nhà sản xuất phải nuôi, trồng sản phẩm với tiêu chuẩn nào. Tuy nhiên, thị trường này rất khắt khe trong việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh và kháng sinh. Đa phần doanh nghiệp Việt Nam bị vướng ở vấn đề này.


Tín hiệu tích cực là số vụ hàng nông, thuỷ sản thực phẩm Việt Nam vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thưc phẩm khi nhập khẩu vào Hàn Quốc đã giảm khá đáng kể trong giai đoạn 2018-2021, từ 151 vụ năm 2018 xuống 52 vụ trong năm 2021.

Theo ông Đinh Văn Cường, Giám đốc Công ty Vinaka, làm ăn với Hàn Quốc, doanh nghiệp phải đảm bảo sự đồng đều, ổn định trong các lô hàng xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng mặt hàng. Khi đã được bạn hàng tín nhiệm, việc gia tăng giá trị xuất khẩu sẽ thành hiện thực.

Điều này cũng được Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Phạm Khắc Tuyên lưu ý: “Để bán được hàng sang Hàn Quốc, sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Đảm bảo được các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài”.


Thông tin trên báo Nhân Dân , dự báo, những tháng cuối năm, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam có cơ hội gia tăng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định, xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc cũng bị sụt giảm vì lạm phát gây giảm cầu, nhưng không giảm sâu như các thị trường khác.

Nhiều doanh nghiệp vẫn nhìn thấy ở thị trường này điểm sáng lạc quan, khi các mặt hàng chế biến của Việt Nam không bị cạnh tranh bởi các nước khác. Trong những tháng tới, khi lạm phát dần ổn định, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hàn Quốc sẽ hồi phục nhanh hơn, bù đắp cho những thị trường sụt giảm mạnh.

Bên cạnh đó, mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn cũng còn dư địa tại thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu từ các nước Thái Lan, Campuchia và Lào. Bên cạnh đó, đa số công nghệ chế biến tinh bột sắn của Việt Nam còn thô sơ.

Do vậy Hiệp hội sắn Việt Nam cần nghiên cứu để nâng cao chất lượng sắn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc nhằm hạn chế những rủi ro trong xuất khẩu. Riêng mặt hàng rau quả, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết: Hàn Quốc cũng đang tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu các chủng loại hàng từ Việt Nam, bao gồm cả sản phẩm tươi và chế biến. Yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu của thị trường này.

Cụ thể như với sản phẩm ớt, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố, chi cục kiểm dịch thực vật và doanh nghiệp xuất khẩu ớt thông báo về yêu cầu của Bộ An toàn dược phẩm và thực phẩm Hàn Quốc.

Theo đó, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất ớt của Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc phải có kết quả kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do 8 phòng thử nghiệm được Bộ An toàn dược phẩm và thực phẩm Hàn Quốc chấp thuận. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải thường xuyên cập nhật các thông tin từ thị trường Hàn Quốc để tránh gián đoạn trong giao thương hàng hóa.


Theo BĐT Chính phủ , để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, ngoài đề án hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các kênh phân phối ở nước ngoài đang triển khai, tới đây Bộ Công Thương sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động phổ biến thông tin thị trường, cập nhật các tiêu chuẩn nhập khẩu, những thay đổi về xu hướng và thị hiếu tiêu dùng để doanh nghiệp nắm bắt và điều chỉnh.

Về lâu dài, cần có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững để gia tăng lợi thế cho sản phẩm vào hai thị trường khó tính này. Có như vậy hàng hoá từ Việt Nam mới tận dụng được các ưu đãi thuế quan, thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại, gia tăng thị phần xuất khẩu tại Nhật Bản và Hàn Quốc.


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook