Xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Lào Cai tăng mạnh
Từ đầu năm đến nay, lượng hoa quả được các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn cũng như của tỉnh Lào Cai tăng mạnh.
Từ ngày 8/1 đến nay, khi Trung Quốc giảm cấp độ phòng chống dịch Covid-19 từ nhóm A xuống nhóm B, các biện pháp kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh trong hoạt động xuất nhập cảnh và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại biên giới được nới lỏng, một lượng hàng hóa lớn, chủ yếu là nông sản nước ta đã tăng tốc xuất khẩu qua nhiều cửa khẩu tại Lạng Sơn, Lào Cai , Quảng Ninh...
Tại Lạng Sơn, theo thống kê của các lực lượng chức năng, 2 tháng đầu năm 2023, trên 1.360 lô hàng hoa quả các loại, tương đương khoảng 220.000 tấn hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc qua 5 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn; tăng 140% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện mỗi ngày có từ 900-950 xe container được xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc; trong đó, 80% là mặt hàng nông sản, tỉ lệ nông sản tồn lại qua ngày thấp.
Để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, chủ hàng thông quan hàng hóa nhanh chóng, lực lượng chức năng tại các các cửa khẩu đã triển khai linh hoạt nhiều giải pháp.
Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, gần 2 tháng đầu năm 2023, số lượng tờ khai xuất nhập khẩu tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu qua đây đều phấn khởi bởi thông thương đang thuận lợi.
Chị Đoàn Thị Hằng, đại diện Công ty Lê Nguyễn Lạng Sơn, cho biết lực lượng chức năng ở cửa khẩu quan tâm tạo điều kiện tốt nên doanh nghiệp xuất khẩu trung bình được 200-300 xe hàng trong tháng. Thời gian tới, nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Hữu Nghị vì lượng bạn hàng đang ngày càng tăng lên.
Theo Phó Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị - tỉnh Lạng Sơn Trần Văn Nghĩa, hiện 100% các tờ khai đăng ký tại Chi cục đều được thực hiện thông qua hệ thống Hải quan điện tử.
Để nâng cao năng lực thông quan, lực lượng hải quan Hữu Nghị đã tăng cường cán bộ công chức vào các dây chuyền giải quyết thủ tục hải quan; đồng thời bố trí cán bộ làm thêm giờ, làm ngoài giờ kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, các ngày lễ tết đều có cán bộ trực làm việc.
Tại cửa khẩu Tân Thanh, từ ngày 1/1 đến giữa tháng 2/2023, các đơn vị chức năng đã làm thủ tục xuất khẩu cho trên 830 lô hàng hoa quả với khoảng 155 nghìn tấn, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch đạt khoảng 48 triệu USD.
Để mặt hàng hoa quả của Việt Nam xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh thuận lợi, cơ quan kiểm dịch thực vật đã tăng cường nhân lực, vật lực nhằm đảm bảo công tác kiểm dịch vừa đúng quy định, vừa rút ngắn thời gian kiểm dịch, thông quan nhanh nhất.
Ông Trần Văn Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII Lạng Sơn, cho biết đơn vị đã có chỉ đạo cán bộ bố trí làm việc ngoài giờ, cùng đó là thúc đẩy tuyên truyền, thông báo doanh nghiệp xuất nhập khẩu chấp hành tốt các quy định về kiểm dịch. Hàng hóa nông sản phải đúng chủng loại, đúng nguồn gốc, được đóng gói trong bao bì và nhãn mác rõ ràng.
Ông Đinh Trung Kiên - Phó Giám đốc Trung tâm quản lý cửa khẩu (Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn), cho biết đơn vị đã thành lập các tổ công tác tại các cửa khẩu để giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, cùng đó là tích cực tham mưu Ban Quản lý cửa khẩu để trao đổi với phía Trung Quốc nhằm tăng thời gian thông quan hàng ngày.
Tại Lào Cai, hoạt động xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành cũng diễn ra khá tấp nập. Cụ thể, từ đầu năm đến 15/2, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã làm thủ tục thông quan cho lượng nông sản xuất khẩu, tổng kim ngạch đạt hơn 40,2 triệu USD.
Hàng nông sản xuất khẩu làm thủ tục tại Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai khá đa dạng, trong đó 4 nhóm hàng có lượng xuất khẩu đạt từ 10.000 tấn/nhóm trở lên gồm: sắt lát khô, dưa hấu, thanh long, chuối.
Đáng chú ý, sau thời gian dài gặp khó trong năm 2022 do phía Trung Quốc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, hai mặt hàng trái cây chủ lực là thanh long, dưa hấu đang có dấu hiệu phục hồi tích cực với tổng lượng xuất khẩu gần 30.000 tấn. Trong đó, thanh long đạt 15.542 tấn, kim ngạch hơn 10 triệu USD; dưa hấu đạt 13.509 tấn, kim ngạch 2,65 triệu USD.
Để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, Hải quan Lào Cai luôn bố trí đủ lực lượng làm thủ tục cả 7 ngày trong tuần, đặc biệt với mặt hàng nông sản xuất khẩu luôn được ưu tiên giải quyết nhanh để thông quan trong ngày.
Tại nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc (Vân Nam) do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương ) phối hợp với Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức cuối tuần qua, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, thương mại với Trung Quốc sẽ được cải thiện mạnh mẽ trong năm 2023 khi các chính sách nhập khẩu được nới lỏng.
Ngay trong tháng đầu năm, dù có đợt nghỉ Tết kéo dài, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm mạnh, xuất khẩu sang nhiều thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc đều giảm từ 11,4% đến 33,8%, nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc lại tăng, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,45 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ.
Năm 2022, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỉ USD, tăng 5,5% so với năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Báo Đầu tư Online)