Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 13%

Chia sẻ Facebook
30/08/2022 09:30:38

Tính đến nay đã có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 8 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 66,2 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, giá trị xuất khẩu ước khoảng 36,3 tỷ USD, tăng 13,1%; nhập khẩu ước khoảng 29,9 tỷ USD, tăng 3,9%.


Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản 8 tháng trên 6,3 tỷ USD, tăng 94,6% so với cùng kỳ năm ngoái.


Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước gần 4,4 tỷ USD, tăng 32% so với tháng 8/2021, tăng 0,3% so với tháng 7/2022. Trong số đó, nhóm nông sản chính trên 1,8 tỷ USD, lâm sản chính trên 1,4 tỷ USD, thủy sản 893,8 triệu USD  và chăn nuôi 41,6 triệu USD…


Tính chung 8 tháng, xuất khẩu nhóm nông sản chính gần 15 tỷ USD, tăng 7,4%; lâm sản chính trên 11,8 tỷ USD, tăng 6,2%; thủy sản trên 7,5 tỷ USD, tăng 35,3%; chăn nuôi 258,6 triệu USD, giảm 12,2%; đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 48,2%.


Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái, như: cà phê trên 2,8 tỷ USD, tăng 40,3%; cao su trên 2 tỷ USD, tăng 8,1%; gạo trên 2,3 tỷ USD, tăng 8,1%; hồ tiêu khoảng 712 triệu USD, tăng 8,2%; sắn và sản phẩm sắn 941 triệu USD, tăng 22,5%; cá tra trên 1,7 tỷ USD, tăng 82,6%; tôm gần 3 tỷ USD, tăng 22%; gỗ và sản phẩm gỗ trên 11 tỷ USD, tăng 6,5%.


Bên cạnh đó, có một số mặt hàng có giá trị  xuất khẩu giảm gồm: nhóm hàng rau quả gần 2,2 tỷ USD, giảm 13,9%; hạt điều gần 2,1 tỷ USD, giảm 10,4%; sản phẩm chăn nuôi 258,6 triệu USD, giảm 12,3%...


Về thị trường  xuất khẩu, qua 8 tháng, các thị trường thuộc khu vực châu Á, chiếm 43,1% thị phần; châu Mỹ 28,9%; châu Âu 11,8%; châu Đại Dương 1,7% và châu Phi 1,6%.


Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 9,6 tỷ USD, chiếm 26,4% thị phần; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 6,5 tỷ USD, chiếm 17,8% thị phần; thứ 3 là thị trường Nhật Bản trên 2,7 tỷ USD, chiếm 7,4%) thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với trên 1,7 tỷ USD, chiếm 4,7%.


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước những khó khăn về thị trường, Bộ đã phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến (online) đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ, bộ ngành vào các thị trường lớn như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga... và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Trung Đông...


Ngành gia tăng các ngành hàng xuất khẩu có giá trị, chất lượng. Điển hình như các loại quả tươi chủ lực như xoài, thanh long, chanh leo, nhãn, vải... đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia, đặc biệt là các thị trường lớn như EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Newzealand, Trung Quốc, Trung Đông, ASEAN....

Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước gần 4,4 tỷ USD, tăng 32% so với tháng 8/2021, tăng 0,3% so với tháng 7/2022.


Hiện, Bộ đang đàm phán mở cửa thị trường cho các loại nông sản chủ lực như: sầu riêng, khoai lang, ớt, chanh leo, nhãn, bưởi, xoài sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc..


Trong lĩnh vực thủy sản, số sản phẩm, doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang các thị trường gia tăng; trong đó, có những thị trường yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm.


Điển hình, Mỹ tiếp tục công nhận tương đương và bổ sung 6 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 19 doanh nghiệp được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá da trơn. EU công nhận bổ sung 14 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 531 doanh nghiệp được xuất khẩu.


Các đơn vị chức năng đã tổng hợp trong tháng 8 được 58 thông báo dự thảo quy định về kiểm dịch động thực vật (SPS) của các nước thành viên thuộc tổ chức Thương mại thế giới (WTO); xử lý 2 cảnh báo của EU. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định tại Lệnh 248 và Lệnh 249 của Trung Quốc.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2022, ngành hoàn thành đàm phán mở cửa thị trường đối với các sản phẩm gồm: nhãn xuất khẩu đi Nhật Bản; tiếp tục đàm phán các sản phẩm chanh leo, dừa xuất khẩu đi Mỹ, bưởi  xuất khẩu sang Hàn Quốc, chanh leo sang Australia, cây có múi đi New Zealand.


Cùng với đó là triển khai Nghị định thư về sầu riêng và hướng dẫn tạm thời đối với chanh leo xuất khẩu sang Trung Quốc; chuẩn hóa lại các quy định liên quan đến các loại quả tươi truyền thống xuất khẩu sang Trung Quốc.


Bộ tích cực triển khai chủ động có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp.


Các đơn vị chức năng chủ động chuẩn bị tốt các hồ sơ kỹ thuật, tích cực đàm phán để mở cửa thị trường cho nông sản xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn và tiềm năng.


Cụ thể, Trung Quốc với tổ yến, bơ, bưởi, na, roi, dừa…; Nhật Bản là nhãn, bưởi, chanh leo, xuất khẩu gia cầm đã qua xử lý nhiệt; Hàn Quốc là tôm, bưởi, vú sữa, chanh leo, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến;  Myanmar là bưởi, xoài; Thái Lan là chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa; Australia là tôm tươi, chanh leo; New-Zealand là chanh ta, chanh leo, nhãn, vú sữa, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, các địa phương tăng cường giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam; tiếp tục thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương .

Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng, chanh leo vào thị trường Trung Quốc


Tại Hội nghị quốc tế nâng cao năng lực thâm nhập thị trường Trung Quốc cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng và chanh leo của Việt Nam do Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối với thương vụ, Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Nam Ninh (Trung Quốc) và doanh nghiệp vừa qua, các chuyên gia đã chia sẻ thông tin về thị trường Trung Quốc và những vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu trái cây tươi, trái cây chế biến của Việt Nam. Những cơ hội và thách thức đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam; quy định kỹ thuật và các bước để doanh nghiệp có thể xuất khẩu sầu riêng, chanh leo vào thị trường Trung Quốc. Các thông tin về nhu cầu của thị trường Trung Quốc và kinh nghiệm, giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng sầu riêng và chanh leo; hỏi đáp và giao thương doanh nghiệp hai bên.


Các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp hợp tác xã cần nâng cao nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu SPS của thị trường; thay đổi tiếp cận an toàn thực phẩm giám sát mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất; thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý – doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng sản phẩm. Lập kế hoạch sản xuất và chế biến xuất khẩu, Xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm; đào tạo cán bộ kỹ năng quản lý và giám sát thực hành nông nghiệp tốt; đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao - sản phẩm đặc sản, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ.


Để sầu riêng và chanh leo của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch và bền vững sang thị trường Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cũng cần nhận diện một số rủi ro có thể gặp phải như : Nguy cơ ùn tắc hàng hóa vào dịp cao điểm, hoặc Trung Quốc áp dụng biện pháp tăng cường quản lý cửa khẩu; Nguy cơ lừa đảo thanh toán ép cấp, ép giá do không có hợp đồng rõ ràng; gây hiểu lầm cho doanh nghiệp và khó khăn cho công tác mở cửa thị trường của cơ quan quản lý; ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của hàng Việt Nam. Quan tâm đến xuất khẩu chính ngạch bằng hợp đồng mua bán, giao dịch rõ ràng, thực hiện qua cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu chính, thực hiện mô hình kinh tế tuần hòa để tận dụng các nguyên liệu tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin để lưu trữ hồ sơ canh tác, sản xuất, chế biến….


Ông Huỳnh Ngọc Dương – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cũng cho biết, sầu riêng được coi là một trong những cây ăn quả chủ lực của tỉnh Đắk Lắk với diện tích trồng sầu riêng trên toàn tỉnh ước đạt 15.100 ha (chiếm 35% tổng diện tích cây ăn quả của cả tỉnh), sản lượng ước đạt trên 170.000 tấn. Bên cạnh đó, chanh leo hiện có diện tích khoảng 1.055 ha, diện tích cho sản phẩm là 884 ha, sản lượng thu hoạch trên 15.000 tấn. Từ tháng 7 này, chanh dây và sầu riêng của Việt Nam được Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch, trở thành 2 loại trái cây thứ 10 và 11 của Việt Nam được phép xuất khẩu vào đất nước này đã mở ra cơ hội để hai mặt hàng sầu riêng và chanh leo của tỉnh Đắk Lắk thâm nhập vào thị trường tỷ dân đầy tiềm năng.


Tại hội nghị, các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thương mại, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên được các chuyên gia cung cấp những thông tin về tiềm năng, nhu cầu của thị trường Trung Quốc và những vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu trái cây tươi và trái cây chế biến của Việt Nam; những cơ hội và thách thức đối với nông sản xuất khẩu; các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về mẫu mã, an toàn vệ sinh thực phẩm... của hai loại trái cây là sầu riêng, chanh leo và các loại trái cây khác của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; nhằm nâng cao năng lực thâm nhập thị trường của nông sản Việt nam.


Đồng thời, được hỗ trợ thông tin về diễn biến thị trường, đặc biệt là thông tin về tình hình biên mậu phía Bắc, chia sẻ thông tin yêu cầu của doanh nghiệp Trung Quốc trong việc nhập khẩu sầu riêng, chanh leo và các loại trái cây đồng thời chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu sầu riêng và chanh leo.


Hương Anh (tổng hợp)

Chia sẻ Facebook