Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản lao dốc trong quý I/2023

Chia sẻ Facebook
31/03/2023 10:54:36

Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trong quý I ước đạt 11 tỷ USD, giảm 14,4%. Tuy nhiên vẫn ghi nhận nhiều mặt hàng đạt giá trị cao hơn cùng kỳ như gạo, rao quả, hạt điều..


Sáng ngày 31/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức họp báo thường quý I và một số nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023.


Báo cáo tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, 3 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát; nhưng giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao.

Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ NN&PTNT).


Theo đó, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm ổn định sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; tăng cường đàm phán mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.


“Nhờ vậy, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá; đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định xã hội và an sinh xã hội”, ông Việt chia sẻ.


Trích số liệu từ Tổng cục Thống kê, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) của khu vực nông lâm thuỷ sản quý I ước đạt 2,52% so với cùng kỳ 2022; trong đó, nông nghiệp tăng 2,43%, lâm nghiệp tăng 3,66% và thủy sản tăng 2,68%.


Cụ thể về các số liệu, trong lĩnh vực trồng trọt, tính chung 3 tháng đầu năm, giá trị sản xuất trồng trọt tăng khoảng 1,21% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 59,5% tỉ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp chung.


Thông tin về lĩnh vực chăn nuôi, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết: “3 tháng đầu năm, dù dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt nhưng chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi vẫn ở mức thấp trong khi giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao”.


Theo đó, giá trị sản xuất quý I tăng khoảng 4,69%, chiếm 35,2% tỉ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp chung; với sản lượng thịt hơi các loại chính đạt trên 1,9 triệu tấn, tăng 6,0% so cùng kỳ năm trước.


Đối với lâm nghiệp, những tháng qua, thời tiết tương đối thuận lợi đối với hoạt động trồng rừng và khai thác rừng trồng trên cả nước nhờ vậy tăng trưởng lĩnh vực lâm nghiệp khá cao, ước đạt 3,66% so với cùng kỳ năm trước.


Tăng trưởng lĩnh vực thủy sản quý I khoảng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy sản tháng 3 ước đạt 703,8 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 3 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 1.889 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng sản lượng thủy sản quý I ước đạt 1.889 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái (Ảnh: Thu Huyền).


Về tình hình xuất, nhập khẩu, theo báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thuỷ sản 3 tháng đầu năm ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước.


Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm trước.


Những mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Gạo đạt 952 triệu USD (tăng 30,2%); nhóm rau quả đạt 935 triệu USD (tăng 10,6%); hạt điều đạt 708 triệu USD (tăng 14,2%), sữa và SP sữa đạt 33,3 triệu USD (tăng 22,2%); thịt, phụ phẩm 37 triệu USD (tăng 80,1%),..


Các thị trường xuất khẩu thuộc khu vực châu Á (chiếm 48,8% thị phần), châu Mỹ (20,3%), châu Âu (12,8%), châu Đại Dương (1,4%) và châu Phi (1,2%).


Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 21,5% thị phần); đứng thứ 2 là Hoa Kỳ đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18,2%); thứ 3 là Nhật Bản với giá trị khẩu đạt 936 triệu USD (chiếm 8,4%); thứ 4 Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 528 triệu USD (chiếm 4,7%).


Đặt mục tiêu trong quý II/2023, Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) toàn ngành 2,9 - 3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản khoảng 14 tỷ USD.


Theo ông Việt, càng khó khăn, thách thức càng đòi hỏi chúng ta càng phải “dốc hết sức” thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy; hành động nhanh; kết quả thật để khai thông thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển.

Chia sẻ Facebook