Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 7 tháng đạt hơn 32 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 7 đạt gần 4,8 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng năm 2022 đạt hơn 32 tỷ USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2021.
Kết quả này đã cho thấy những nỗ lực phục hồi sản xuất trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào tăng và lạm phát toàn cầu.
Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt hơn 13 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2021, thủy sản đạt hơn 6,6 tỷ USD, tăng hơn 34%. Gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 10 tỷ USD, tăng 1,2%. Gạo đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 9%. Cà phê đạt 2,6 tỷ USD, tăng 46%. Cao su đạt 1,6 tỷ USD, tăng 7%.
Gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, tôm, cá tra và gạo... là 5 mặt hàng có thặng dư thương mại 7 tháng cao nhất. Cán cân thương mại các nhóm còn lại đều ở trạng thái thâm hụt.
Rau quả tăng tốc xuất khẩu chính ngạch
Rau quả là lĩnh vực có lợi thế, nhưng những khó khăn từ thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc đã khiến giá trị xuất khẩu 7 tháng giảm hơn 16%.
Tuy nhiên từ đầu tháng 7, với 2 tin vui khi sầu riêng và chanh leo được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân này đã mở ra những cơ hội cho 5 tháng cuối năm. Lúc này tại nhiều vùng trồng sầu riêng lớn, cả nông dân và doanh nghiệp đã sẵn sàng các điều kiện để xuất khẩu.
Đã có 123 mã số vùng trồng và 57 cơ sở đóng gói sầu riêng trên cả nước đăng ký tham gia xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hợp tác xã (HTX) Tấn Khang đã đăng ký 21 mã vùng trồng. Trên diện tích 500 ha, HTX này đang ứng dụng nhật ký điện tử vào sản xuất. Điều này cho phép truy xuất nguồn gốc, giám sát toàn bộ quy trình trồng.
"Khi bà con ứng dụng nhật ký điện tử vào trồng trọt thì đáp ứng được quy trình chuẩn, chất lượng, đảm bảo được đơn hàng", bà Bùi Thị Thu Phương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thương mại và Dịch vụ Tấn Khang, Đắk Lắk, cho biết.
"Đối với cơ sở đóng gói, chúng tôi có quy mô 60.000 m 2 nhà xưởng để đáp ứng tối đa 50 container xuất xưởng một ngày. Đến giờ phút này, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng", ông Lê Anh Trung, Giám đốc vùng nguyên liệu, Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, Đắk Lắk, cho hay.
"Chúng ta mất hơn 3 năm vắng bóng sản phẩm sầu riêng ở thị trường Trung Quốc, vậy phải làm sao để người tiêu dùng họ biết đến sầu riêng của Việt Nam, thương hiệu là gì, chất lượng ra sao", chị Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, nói.
Trong 11 loại trái cây đã xuất khẩu chính ngạch, Việt Nam có đến 8 loại trái cây chưa ký Nghị định thư với Trung Quốc. Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục đàm phán để ký Nghị định thư. Đây sẽ là cơ sở để sản xuất và xuất khẩu trái cây được chuẩn hóa ngay từ đầu, từ đó góp phần giảm tần xuất kiểm tra, kiểm dịch từ 100% xuống 30% như Trung Quốc đang áp dụng cho Thái Lan.
Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang EU
Với những nông sản đã có đà tăng trưởng từ đầu năm như thủy sản, lúc này, cơ hội mở rộng thị trường là rất lớn. 7 tháng đầu năm, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tiếp cận khối thị trường Liên minh châu Âu đạt hơn 700 triệu USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Lô hàng tôm đang được chuẩn bị để xuất đi châu Âu. Thị trường châu Âu đang khởi sắc là cơ sở để doanh nghiệp tin sẽ sớm đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 150% trong năm nay.
"Đã ký được hơn 80% hợp đồng cho cả năm 2022. Tận dụng cơ hội đó, chúng tôi đang mở thêm nhà máy mới với dây chuyền công nghệ chế biến sâu", ông Trần Văn Diệu, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thái Minh Long, chia sẻ.
Hiện xuất khẩu thủy sản của Nga sang châu Âu đang bị gián đoạn do lệnh cấm vận thương mại của EU. Trong bối cảnh đó, thủy sản Việt Nam, đặc biệt là cá tra, đang có cơ hội thay thế một một phần nguồn cá thịt trắng mà châu Âu trước đó vẫn nhập từ Nga.
"Chúng ta biết hiện nay, tại Hoa Kỳ, EU, tình hình COVID-19 đã được cải thiện đáng kể. So với năm qua, tại thời điểm này tới cuối năm, sức cầu có xu hướng tăng", ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho hay.
Tại Bắc Âu, một thị trường đặc biệt khó tính, thủy sản Việt Nam đang có những lợi thế cạnh tranh lớn. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mang lại cho tôm và cá tra, 2 mặt hàng thủy sản xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, những ưu đãi thuế suất thuận lợi. Tại Bắc Âu, mức thuế với tôm Việt Nam là 0%. Trong khi sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh Thái Lan và Ecuador chịu mức 12%.
"Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu trong thời gian tới, doanh nghiệp cần nghiên cứu xu hướng mới của thị trường, đặc biệt là sau đại dịch. Người dân Bắc Âu ngày càng có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đối với thực phẩm, họ ngày càng có xu hướng chuyển sang tiêu dùng thực phẩm hữu cơ", bà Nguyễn Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Âu, cho biết.
Năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự kiến đạt 10 tỷ USD, trong đó thị trường châu Âu chiếm từ 12 - 13%, tương đương 1,2 - 1,3 tỷ USD.
50 tỷ USD là mục tiêu xuất khẩu năm nay mà Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên với những kết quả đến thời điểm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu sẽ đạt 55 tỷ USD. Chuyển mạnh sang nền kinh tế nông nghiệp; tiết giảm chi phí đầu vào; đa dạng hóa thị trường... sẽ là những giải pháp chính từ nay đến cuối năm.
Trung Quốc nới quy định kiểm dịch COVID-19 với thủy sản Việt Nam Từ tháng 7, nếu doanh nghiệp xuất thủy sản vào Trung Quốc có hàng bị nhiễm COVID-19 không còn bị đình chỉ xuất khẩu.