Xuất khẩu nông lâm sản bứt phá và chiến lược phát triển bền vững

Chia sẻ Facebook
11/07/2023 14:10:35

Xuất khẩu rau quả đang là điểm sáng của ngành nông nghiệp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, ngành hàng này đã mang về gần 2,8 tỷ USD, bằng 81,8% của cả năm 2022.

Lúa gạo xuất khẩu nằm trong nhóm tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2023


Theo Thanh Niên , nhìn vào hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng qua, có thể thấy ngay từ đầu năm các khách hàng truyền thống như Philippines hay Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Malaysia tăng lượng gạo nhập khẩu. Một khách hàng lớn khác là Indonesia cũng quay trở lại nhập khẩu một lượng lớn (chiếm 10% thị phần xuất khẩu của Việt Nam), sau một thời gian cố gắng tự chủ. Không chỉ khách hàng lớn mà khách mua cũng tăng mạnh từ khắp nơi trên thế giới. Số liệu hải quan tính đến hết tháng 5 cho thấy, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Đài Loan ( Trung Quốc) tăng 142%, Senegal tăng 11 lần, Chile tăng 4,1 lần, Thổ Nhĩ Kỳ tăng gần 16 lần, hay ngay cả các nước châu Âu như Ba Lan tăng 117%, Bỉ tăng 165%, Tây Ban Nha tăng 307%...

"Hiện nay, nguồn cung gạo thế giới khan hiếm trong khi nhu cầu tiêu thụ rất cao, từ tất cả các thị trường. Ước tính, nhu cầu của khách hàng đối với gạo Việt Nam tăng thêm ít nhất hơn 1 triệu tấn trong năm 2023, so với mức trung bình các năm. Chính vì vậy, tình hình thị trường từ nay đến cuối năm vẫn rất khả quan", ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nói.

Xuất khẩu gạo tăng trở lại. Ảnh minh họa.

Trong báo cáo cáo mới nhất của Bộ NNPTNT cho biết: Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 4,3 triệu tấn, tương đương giá trị 2,3 tỷ USD; tăng 22% về lượng và 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

"Xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng đến cuối năm nay do lượng gạo tiêu thụ trên thế giới tăng cao kỷ lục trong năm 2023 - 2024, trong khi sản lượng sản xuất và tồn kho gạo toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Dự kiến năm 2023, sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL vẫn đạt hơn 24 triệu tấn. Đây sẽ là nguồn cung gạo hàng hóa lớn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu", báo cáo khẳng định.

Rau quả Việt Nam xuất ngoại tăng cao kỷ lục, có thể đạt trên 5 tỷ USD

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 14 trên thế giới về sản xuất cây ăn trái với tổng diện tích trên 1,2 triệu hecta. Diện tích trồng mới hàng năm tăng liên tục, trung bình hơn 62.000 hecta/năm ở khu vực miền Nam, tập trung vào các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: thanh long, sầu riêng, mít, xoài, bưởi… Đây là điều kiện để nước ta đứng thứ 9 về xuất khẩu rau quả trên thị trường thế giới.

Giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam bắt đầu vượt mốc 1 tỷ USD từ năm 2013 và liên tục nhiều năm gần đây vượt mức 3 tỷ USD mỗi năm. Với kim ngạch của 6 tháng đầu năm nay, nước ta hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu 4 tỷ USD cho cả năm và thậm chí xác lập kỷ lục mới cho ngành hàng này.

"Chúng ta còn vùng sầu riêng lớn ở Tây Nguyên, hứa hẹn mang về con số lớn. Như vậy khả năng đạt 5 tỷ trong năm nay nằm trong tầm tay. Kim ngạch bùng nổ là nhờ thị trường Trung Quốc. Đóng góp lớn nhất là sầu riêng. Kim ngạch sầu riêng năm nay sẽ vượt 1 tỷ, khả năng đạt 1,5 tỷ", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết.

Sầu riêng được xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Năm nay, Trung Quốc tăng mạnh thu mua trái cây trở lại, trong đó có nhiều loại trái cây có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Ước tính, 6 tháng cuối năm 2023 lượng trái cây cần tiêu thụ các loại khoảng 7,6 triệu tấn. Với sản lượng và nhu cầu thị trường như hiện tại, nhiều người trong ngành kỳ vọng xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục bứt phá trong những tháng tiếp theo.

Để cụ thể hóa những mục tiêu trên, tháng 6 vừa qua, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã làm việc với chính quyền, Cục Hải quan hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) và chỉ đạo tổ chức diễn đàn kết nối giao thương nông lâm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc qua hai tỉnh trên. Bộ cũng kiến nghị Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) xem xét, mở rộng quy mô xuất nhập khẩu rau quả trên toàn bộ 9 cặp cửa khẩu, giảm áp lực cho các cửa khẩu truyền thống, tránh ùn tắc, giảm chi phí cho cả hai bên.

Trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là ba thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỉ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022; Mỹ chiếm 19,8%, giảm 35,2% và Nhật Bản chiếm 7,8%, giảm 1,2%. Khơi thông và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm này là yêu cầu đặt ra để tăng tốc xuất khẩu nông sản trong các tháng tới.

Giá cà phê vẫn giữ đà đi lên

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 1 triệu tấn cà phê với trị giá 2,4 tỷ USD, tuy giảm 2,2% về lượng nhưng lại tăng 3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức kim ngạch xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua của Việt Nam. Giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt 2.367 USD/tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cà phê nhân trong nước thời gian qua luôn dao động quanh ngưỡng 64.000 - 65.000 đồng/kg là mức giá cao nhất 15 năm trở lại đây. Đây cũng là giá mà nhiều người làm trong lĩnh vực này cho là cao "không tưởng". Ảnh minh họa.


Theo Dân Việt , từ giữa tháng 5 đến nay, giá cà phê trong nước tăng cao kỷ lục, có thời điểm lên đến 64.000 đồng/kg. Mức giá này được xem là cao nhất từ trước đến nay. Nếu so sánh giá từ đầu niên vụ 2022-2023, cà phê trong nước có mức tăng đến 40%.

Theo các doanh nghiệp cà phê, 3 yếu tố cực kỳ quan trọng tác động đến giá mặt hàng này trên thị trường gồm: quan hệ cung-cầu, yếu tố đầu cơ và quy luật giá trị. Hiện nay, diễn biến giá cà phê theo nhiều doanh nghiệp là do yếu tố đầu cơ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho rằng: Chính sách thắt chặt tín dụng ở thời điểm đầu vụ khiến nhiều doanh nghiệp cà phê bị thiếu vốn nên không đủ sức thu mua hàng phục vụ sản xuất. Trong khi đó, với tiềm lực vốn rất mạnh, các doanh nghiệp nước ngoài đã tranh thủ thời cơ này đẩy mạnh thu gom một lượng lớn hàng nên sản lượng cà phê trong nội địa gần như không còn nữa.

Nếu không chủ động được nguồn vốn kinh doanh chắc chắn doanh nghiệp không thể chủ động được nguồn hàng để tồn kho và sản xuất liên tục cho tới niên vụ mới. Một nguyên nhân nữa là diện tích chuyển đổi cây trồng quá lớn, rồi tình hình biến đổi khí hậu khiến năng suất, sản lượng cà phê giảm đáng kể.

Ông Hiệp cho biết thêm hiện nay, các chính sách tín dụng đối với ngành cà phê chưa thật sự tạo thuận lợi để doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, cộng với biến đổi khí hậu khiến cây cà phê chịu tổn thất rất lớn. Việc giá tăng là tín hiệu tích cực để người dân không phá bỏ cà phê chuyển sang cây trồng khác.

Ở chiều ngược lại, nếu giá cà phê xuống thấp đồng nghĩa với việc sản lượng ngày càng giảm, từ đó nguồn cung cho xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng lớn. Hiện nguồn nguyên liệu nội địa không còn nên từ nay đến đầu vụ mới, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tạm ngừng hoạt động, từ đó tác động đến kim ngạch xuất khẩu cà phê.

Muốn ngành cà phê phát triển bền vững, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tín dụng trung và dài hạn, cần có các gói sản phẩm dành riêng cho doanh nghiệp, đồng thời thực hiện tái cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng cà phê, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook