Xuất khẩu hạt tiêu: Kỳ vọng và thách thức
5 tháng đầu năm 2023, nước ta xuất bán gần 131,5 nghìn tấn hạt tiêu, thu về 406,5 triệu USD, giảm cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu hạt tiêu sụt giảm
Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 5/2023 đạt 3.106 USD/tấn, giảm 1,6% so với tháng 4/2023 và giảm 31% so với tháng 5/2022.
Tính chung 5 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu chỉ đạt 3.092 USD/tấn, giảm 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 5 tháng năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết các thị trường chủ lực ghi nhận mức sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của hạt tiêu Việt gồm Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ấn Độ, Đức, Hà Lan đều giảm từ 34,2-57,4%.
Trong top 10 thị trường chủ lực, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập ghi nhận xuất khẩu tăng về lượng lên đến 3 con số, lần lượt là 165,3% và 160%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu ở hai thị trường này lại chiếm tỷ trọng nhỏ.
Theo Kinh tế & Đô thị , tình hình ảm đạm không chỉ ở thị trường Việt Nam mà các quốc gia xuất khẩu hồ tiêu khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Một ví dụ cụ thể, 5 tháng đầu năm 2023 Brazil xuất khẩu 34.609 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch đạt 100,9 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9% về lượng nhưng giảm 22,5% về giá trị.
Các thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Brazil bao gồm: Việt Nam 6.047 tấn, so cùng kỳ giảm 3,7% và chiếm 17,5% thị phần. Tiếp theo là Senegal: 4.307 tấn, tăng 200,8%, chiếm 12,4% thị phần; Morocco: 3.638 tấn, tăng 46,1%, chiếm 10,5% thị phần. Đáng chú ý xuất khẩu sang UAE, Ấn Độ, Saudi Arab giảm, đặc biệt xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Đức giảm lần lượt 89,9% và 67,1%.
Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế dự báo thị trường hạt tiêu toàn cầu nhìn chung vẫn khá ảm đạm. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lực mua yếu tại các thị trường Mỹ và châu Âu là những yếu tố kìm hãm đà tăng của giá hạt tiêu. Bên cạnh đó, giới đầu cơ có xu hướng đầu tư vào cà phê Robusta cũng tác động tiêu cực lên thị trường hạt tiêu toàn cầu.
Việt Nam đang là quốc gia có sản lượng hạt tiêu đứng đầu thế giới. Năm 2022, nước ta xuất khẩu khoảng 220.000 tấn, chiếm 55% tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu. Do đó, thị trường hạt tiêu thế giới ảm đạm tác động trực tiếp đến ngành hàng này của nước ta.
Kết thúc phiên giao dịch 24/6, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt ở mức 3.735 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 3.350 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam tại cảng khu vực Tp.HCM giao dịch ở mức 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, mức 3.600 USD/tấn loại 550 g/l; giá tiêu trắng ở mức 5.000 USD/tấn.
Những ngày đầu tháng 6/2023, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm mạnh so với cuối tháng 5/2023 do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường Mỹ, châu Âu vẫn yếu. Hiện, giá tiêu trong nước có xu hướng giảm nhẹ và neo ở mức 69.000-72.000 đồng/kg.
Thời điểm hiện tại, dù các nhà nhập khẩu Mỹ và châu Âu đã quay trở lại thị trường, song chưa thực hiện giao dịch. Họ đang chờ vụ thu hoạch của Indonesia.
Kỳ vọng và thách thức
Theo Bnews , tại hội thảo “Hành trình Việt Nam trở thành nhà cung cấp hồ tiêu và gia vị bền vững” do Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 21/4 vừa qua, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, xuất khẩu hồ tiêu và cây gia vị dự báo sẽ đạt 2 tỷ USD vào năm 2025.
Phân tích hơn về nhận định này, bà Hoàng Thị Liên cho biết, hiện xuất khẩu tiêu và cây gia vị đã đạt 1,4 tỷ USD. Với điều kiện hiện nay có thể con số trên là hơi tham vọng, tuy nhiên, khi thị trường trở lại như trước khi dịch Covid-19 xảy ra thì tốc độ tăng trưởng của ngành này khá tốt. Hồ tiêu đã từng xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD. Khi nhu cầu cao, nguồn cung khan thì sẽ có sức ép lên giá, kỳ vọng về con số 2 tỷ USD là có thể nhìn thấy. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất sản phẩm ngày càng đạt chuẩn, sản xuất hữu cơ tăng lên, giá sẽ tốt hơn.
Ông Lê Việt Anh, Chánh văn phòng, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định, vụ mùa hồ tiêu tại Việt Nam năm 2023 tương đối khả quan, ước sản lượng thu hoạch đạt 200.000 tấn, tăng 9,3% so với năm ngoái. Trong khi đó, theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) sản lượng thu hoạch từ các nước sản xuất khác như Brazil, Indonesia và Ấn Độ đều dự báo giảm so với năm 2022. Tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu 2023 ước đạt 526 ngàn tấn so với 537,6 ngàn tấn của năm 2022.
Tuy nhiên, theo ông Lê Việt Anh, các yếu tố địa chính trị có thể là nguyên nhân chính tiếp tục gây ra những bất ổn về giá hơn là yếu tố cung cầu. Các yêu cầu và quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu về rào cản phi thuế quan tiếp tục gia tăng, đặc biệt các vấn đề liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng.
Đại diện Tổ chức IDH Việt Nam cũng đánh giá, thách thức lớn nhất đối với xuất khẩu hồ tiêu là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, là các thách thức liên quan tới môi trường như giảm phát thải carbon, khuyến khích mô hình canh tác bền vững, mô hình trồng xen một cách bền vững… Hay các thách thức về xã hội như lao động trẻ em, lao động bình đẳng giới.
Trong khi đó, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam lo ngại, dù sản lượng hạt tiêu nước ta vụ 2022/23 được dự báo lên 200.000 tấn nhờ yếu tố thời tiết thuận lợi song việc chặt hồ tiêu chuyển sang trồng cây ăn quả nên có thể trong ba năm tới nguồn cung sẽ thiếu hụt.
Trao đổi với VietNamNet , ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê ( Gia Lai ), cho biết, giá hạt tiêu trên 100.000 đồng/kg nông dân mới có lời. Nhưng một thời gian dài, người nông dân trồng tiêu phải bán với giá khá thấp. Trong khi đó, giá sầu riêng lại cao ngất ngưởng nên nhiều nhà vườn phá bỏ hồ tiêu để trồng sầu riêng hay các loại cây ăn quả khác.
Ông Bính lo ngại, không giữ được diện tích, vài năm tới nguồn cung thiếu hụt, giá tiêu sẽ tăng vọt. “Trồng tiêu phải mất 4 năm mới được thu hoạch. Bây giờ phá bỏ, đợi đến lúc tiêu được giá nông dân mới đổ xô trồng lại và đến chu kỳ thu hoạch thì giá tiêu lại rẻ”, ông Bính nói. Điệp khúc trồng chặt này trước đó đã diễn ra với ngành hồ tiêu.
Theo ông, hơn một thập kỷ qua, khi giá đạt đỉnh gần 230.000 đồng/kg, hồ tiêu được ví như “vàng đen” của Việt Nam. Người nông dân khi ấy ồ ạt trồng, nhưng vài năm sau giá giảm còn 34.000 đồng/kg lại chặt bỏ.
Cuối năm 2021 đầu năm 2022, ngành hồ tiêu được kỳ vọng quay trở lại thời hoàng kim, song dịch Covid-19 bùng phát, lạm phát xảy ra khiến giá tiêu không thể bứt phá, chỉ tăng lên hơn 90.000 đồng/kg rồi lại quay đầu giảm và neo ở mức thấp như hiện nay.
Thời gian tới, nông dân trồng hồ tiêu gặp một số thách thức như sự biến đổi khó lường của khí hậu, giá tiêu thế giới khó tăng mạnh do nhu cầu thấp. Ông Bính cho rằng, giá hạt tiêu có thể vẫn trong xu hướng tăng nhưng không như kỳ vọng.
Minh Hoa (t/h)