Xuất khẩu hạt điều tăng mạnh trong tháng 3

Chia sẻ Facebook
08/04/2024 04:45:32

Tháng 3/2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 55 nghìn tấn, trị giá 289 triệu USD, tăng 106,8% về lượng và tăng 103,4% về trị giá so với tháng 2/2024.

Thông tin trên tạp chí Hải quan, theo ước tính, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt 5.248 USD/tấn trong tháng 3/2024, giảm 1,7% so với tháng 2/2024 và giảm 11,6% so với tháng 3/2023. Tính chung quý 1/2024, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt mức 5.329 USD/tấn, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Hạt điều có xu hướng giảm giá do nguồn cung tăng. Ảnh minh họa.


Theo Người Lao Động, đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết giá hạt điều giảm do sản lượng điều nguyên liệu tăng nhanh tại châu Phi, Campuchia. Tại Việt Nam, diện tích trồng hạt điều lại đang bị thu hẹp do hiệu quả kinh tế kém so với các cây trồng khác.

Tuy vậy, tiêu thụ hạt điều hiện vẫn thuận lợi, thị trường chính là Trung Quốc. Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm 2024, nước này nhập khẩu 8.410 tấn hạt điều, trị giá gần 42,16 triệu USD. Trong đó, nguồn cung từ Việt Nam chiếm hơn 76,5%.

Các doanh nghiệp trong ngành nhận định, năm 2023, xuất khẩu hạt điều đã tăng mạnh trở lại và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024. Theo ông Michael Waring - Chủ tịch Hội đồng Hạt và Quả khô Quốc tế (INC), ngoại trừ việc suy giảm trong năm 2022, nhìn chung nhu cầu tiêu thụ hạt các loại hạt (trong đó có hạt điều) vẫn đang có xu hướng tăng trên toàn cầu.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc đạt 683 triệu USD, tăng 55,23% so với năm 2022, chiếm 18,7% kim ngạch xuất khẩu điều của nước ta. Đây cũng là thị trường tăng ấn tượng nhất trong nhóm 3 thị trường xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.


Trao đổi với báo Công Thương , bà Chen Ying - Tổng Thư ký Hiệp hội hạt Trung Quốc (CNA), cho biết, nhu cầu nhập khẩu các loại hạt đang có xu hướng tăng lên từ năm 2019 đến nay, kể cả khi nền kinh tế nước này vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau dịch Covid-19. Trong các loại hạt đang được tiêu thụ nhiều ở Trung Quốc, hạt điều và hạt dẻ cười là hai loại hạt mà thị trường này phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Riêng với hạt điều, 70% lượng hàng đến từ Việt Nam.

Trong bối cảnh giá điều xuất khẩu đang giảm, để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp không nên vội vàng mua điều thô dự trữ với khối lượng lớn ngay từ đầu vụ khi mà sản lượng điều năm nay được dự báo là khá dồi dào. Thay vào đó, doanh nghiệp cần bình tĩnh, đợi khi giá điều thô ở mức hợp lý mới tiến hành mua, và chỉ nên mua điều thô khi đã có hợp đồng xuất khẩu điều nhân để cân đối được giá thành.

Ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Long Sơn - cho rằng, tổng công suất các nhà máy chế biến điều Việt Nam hiện đã quá lớn. Do đó, các doanh nghiệp cần mạnh dạn cắt giảm công suất chế biến để giảm áp lực điều thô của từng nhà máy cũng như của cả ngành điều. Khi áp lực nhập khẩu điều thô giảm, sẽ khiến cho giá điều thô phải giảm xuống ở mức hợp lý hơn. Đồng thời, áp lực tài chính của các doanh nghiệp cũng sẽ giảm xuống, qua đó, giúp cho doanh nghiệp không phải ồ ạt bán điều nhân như trong năm qua. Điều này có thể góp phần làm cho giá điều nhân tăng trở lại.


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook