Xuất khẩu gạo tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2023
Trong 4 tháng đầu năm 2023, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị xuất khẩu giảm, nên tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,66 tỷ USD, giảm 13,3%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) thông tin, ngày 4/5, Bộ NN-PTNT tổ chức buổi họp Giao ban Bộ NN-PTNT tháng 4/2023.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm trong bốn tháng đầu năm 2023
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) 4 tháng đầu năm ước đạt 28,81 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu 15,66 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước (CKNT); nhập khẩu 13,15 tỷ USD, giảm 6,3%; xuất siêu 2,51 tỷ USD, giảm 37,7%.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2023 ước đạt 4,54 tỷ USD, giảm 8,3% so với CKNT; trong đó, nhóm nông sản đạt 2,33 tỷ USD, tăng 24%; chăn nuôi đạt 41 triệu USD, tăng 46,7%; thủy sản đạt 800 triệu USD, giảm 28,6%; lâm sản đạt 1,2 tỷ USD, giảm 29,8%; đầu vào sản xuất đạt 169 triệu USD, giảm 21,3% và muối đạt 0,4 triệu USD, giảm 2,8%.
Bốn tháng đầu năm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị xuất khẩu (XK) giảm so với CKNT, nên tổng kim ngạch XK ước đạt 15,66 tỷ USD, giảm 13,3%. Trong đó, nhóm nông sản đạt 8,03 tỷ USD, tăng 8%; chăn nuôi đạt 149,1 triệu USD, tăng 39,9%; thuỷ sản đạt 2,63 tỷ USD, giảm 27,7%; lâm sản đạt 4,23 tỷ USD, giảm 29,9%; đầu vào sản xuất đạt 613 triệu USD, giảm 26,9% và muối đạt 1,5 triệu USD, giảm 14,9%.
Trong khi nhiều mặt hàng có giá trị XK cao hơn CKNT, như: Cà phê 1,7 tỷ USD, tăng 2,5%; rau quả 1,39 tỷ USD, tăng 19,4%; hạt điều 942 triệu USD, tăng 3,4%; thịt, phụ phẩm 45 triệu USD, tăng 63,7%..., nhất là gạo đạt 1,56 tỷ USD, tăng 54,5%. Cũng có những mặt hàng có giá trị XK giảm, như: Cao su 684,8 triệu USD, giảm 20,1%; chè đạt 50 triệu USD, giảm 5,8%; hồ tiêu đạt 325 triệu USD, giảm 10,2%; sắn và sản phẩm sắn đạt 453 triệu USD, giảm 12,1%; cá tra 558 triệu USD, giảm 39,9%; tôm 843 triệu USD, giảm 39,6%, gỗ và sản phẩm gỗ 3,91 tỷ USD, giảm 30,4%; mây, tre, cói thảm 245 triệu USD, giảm 29,2%...
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường XK NLTS lớn nhất; giá trị XK sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,9%, tăng 3,3% so với CKNT; Hoa Kỳ chiếm 18,9%, giảm 40,5% và Nhật Bản chiếm 8,1%, tăng 0,8%.
Đẩy mạnh phát triển thị trường
Bộ NN-PTNT nhận định: Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS giảm và thị trường xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên nhân do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga - Ukraine; lạm phát cao tại một số nước trên thế giới, trong đó có những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...), làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu (sức mua, cầu giảm).
Thêm vào đó, do sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường; ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới năm 2023.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, trong đó hoạt động sản xuất của nhiều lĩnh vực đều giữ đà tăng trưởng.
Về lĩnh vực chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định trứng gia cầm đang được tiêu thụ tốt tại thị trường châu Âu do xung đột chính trị tại khu vực này. Ngành chăn nuôi đang có tiềm năng lớn nên cần tích cực đàm phán mở cửa thị trường.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, từ ngày 5/5, tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTTN sẽ hoạt động theo Nghị định 105/2022/NĐ-CP. Thứ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ tiếp tục rà soát các văn bản để có những hướng dẫn kịp thời tới các đơn vị, nhằm đảm bảo công việc được thông suốt.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, điểm cải cách hành chính của Bộ đã đi từ thứ 11 lên thứ 7 trong các cơ quan Chính phủ. Có chỉ tiêu về cải cách hành chính Bộ NN-PTNT được đánh giá rất tốt. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị đầu mối về cải cách hành chính rà soát các nội dung liên quan, có kế hoạch duy trì các kết quả tốt và khắc phục các chỉ tiêu chưa được đánh giá tốt. Các đơn vị cần xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị mình về cải cách hành chính.
Phát biểu kết luận cuộc họp giao ban, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Các cơ quan trong Bộ cần tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thực. Cần kích hoạt toàn bộ bộ máy, mở cửa thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản hơn nữa.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, châu Âu đã thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan hoạt động phá rừng. Đây là điểm mới đặc biệt quan trọng, do vậy các cơ quan trong Bộ NN-PTNT cần chú ý để đảm bảo việc xuất khẩu nông sản không bị ảnh hưởng.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc xây dựng chính sách cần tạo không gian cho người dân phát triển. Cần hỗ trợ để người dân và doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ nông nghiệp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo tháng 4/2023 ước đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 573,9 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm đạt 2,95 triệu tấn với 1,56 tỷ USD, tăng 43,6% về khối lượng và tăng 54,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 526 USD/tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 45,9% thị phần, đạt 893,3 nghìn tấn với 450,4 triệu USD, tăng 32,9% về khối lượng và tăng 44,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Indonesia (gấp 177,4 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Bờ Biển Ngà giảm 70,9%.
Tháng 4/2023, giá xuất khẩu gạo từ Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan và Ấn Độ đều có xu hương tăng đến giữa tháng, sau đó quay đầu giảm về cuối tháng.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 495-500 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2021 và tăng 50 USD/tấn so với một tháng trước. Thu hoạch vụ Đông Xuân - vụ lúa lớn nhất trong năm đã kết thúc.
Các thương nhân cho biết hiện tại nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn mạnh, trong khi nguồn cung trong nước đang cạn kiệt. Tuy nhiên, với mức cao này, các nhà nhập khẩu bao gồm cả Philippines có thể sẽ mua chậm lại.
Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm hiện ở mức từ 382-388 USD/tấn, giảm từ 385-392 USD/tấn vào giữa tháng 4/2023. Giá gạo Ấn Độ giảm do đồng rupee mất giá, trong khi nhu cầu xuất khẩu khá ổn định.
Tại Thái Lan, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm ở mức 480 USD/tấn, giảm 10 USD so với mức từ 485-490 USD/tấn vào trung tuần tháng 4/2023, nhưng lại tăng 17 USD/tấn so với trung bình tháng 3. Thị trường gạo trầm lắng sau kỳ nghỉ lễ Songkran - lễ mừng năm mới của người Thái.
Thái Lan đã xuất khẩu được 2,06 triệu tấn gạo trong quý đầu năm nay, tăng 8,48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường trong nước, xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt đã kéo giá lúa tại các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến tăng trong tháng qua, với mức tăng từ 150-300 đồng/kg tùy chủng loại.
Lúa Đông Xuân đã cạn nguồn, nhu cầu lúa Hè Thu đang dần tăng. Nguồn cung lúa tươi đang cạn dần trong khi nhu cầu mua lúa khô chưa nhiều, một phần do nông dân đòi giá cao.
Cụ thể, tại An Giang giá lúa tăng 300 đồng/kg đối với cả lúa thường và lúa chất lượng cao, lúa IR50404 lên 6.200 đồng/kg, lúa OM 5451 lên 6.400 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, lúa Đài thơm 8 tăng 150 đồng/kg lên 6.600 đồng/kg; trong khi lúa IR50404 giữ ở mức 6.150 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 6.350 đồng/kg.
Tại Bạc Liêu, lúa Đài thơm 8 cũng tăng giá 250 đồng/kg, từ 6.400 đồng/kg lên 6.650 đồng/kg, lúa OM 5451 ổn định ở mức 6.250 đồng/kg, lúa tài nguyên đã thu hoạch xong.
Tuệ Minh