‘Xuất khẩu gạo đóng góp GDP chưa bằng một ban nhạc Hàn Quốc’

Chia sẻ Facebook
11/05/2022 22:16:55

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã nhắc đến câu chuyện của ban nhạc Hàn Quốc BTS khi đề cập đến câu chuyện sức mạnh văn hóa tại hội thảo 'Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ'.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TTXVN


Xây dựng "nền kinh tế văn hóa"

Hội thảo do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp tổ chức với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Ủy ban Văn hóa - giáo dục của Quốc hội đã nhận được 57 tham luận của các nhà quản lý, các học giả, doanh nhân, trí thức trẻ trong và ngoài nước.


PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - giáo dục của Quốc hội, trong bài tham luận Vai trò của công nghiệp văn hóa đối với nền kinh tế quốc dân và sự phát triển nền văn hóa Việt Nam đã dẫn câu chuyện của ban nhạc Hàn Quốc BTS như một câu chuyện truyền cảm hứng về phát triển nền công nghiệp văn hóa.

Ban nhạc BTS với tư cách đại sứ du lịch vào năm 2017 đã giúp phục hồi kinh tế trong nước của Hàn Quốc nhờ mỗi năm thu hút 790.000 du khách đến với nước này. Năm 2018, một viện nghiên cứu đã thống kê mỗi năm BTS mang về 3,67 tỉ USD.

Trong khi đó, năm 2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,3 tỉ USD, chưa bằng đóng góp của ban nhạc này cho GDP của Hàn Quốc. Điều đó cho thấy các sản phẩm văn hóa cũng đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế.

Ông Đinh Bá Thành - chủ tịch kiêm tổng giám đốc DatVietVAC Group Holdings - cũng đề cập đến nhiều chi tiết thú vị về Hàn Quốc - cái nôi của ban nhạc BTS - khi trình bày về định hướng xây dựng một nền kinh tế văn hóa tại Việt Nam.


Hàn Quốc là quốc gia duy nhất đặt mục tiêu đứng đầu thế giới về xuất khẩu văn hóa đại chúng, và định vị thương hiệu quốc gia là Văn hóa kinh tế. Hay tổng thống Kim Dae Jung với câu nói: "Doanh số phim Công viên khủng long bằng doanh số 1,5 triệu chiếc xe hơi Hàn Quốc".

"Trong thời gian qua, chúng ta ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP, nhưng kinh tế văn hóa dường như chưa có bước tiến", ông Thành chỉ ra.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, với nhiều năm nghiên cứu sức mạnh mềm văn hóa - cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện sức mạnh văn hóa dường như lại là câu chuyện của các cường quốc như Mỹ, Pháp, Anh, và gần đây nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc.

TS Phương dẫn chứng năm 1997 khi khủng hoảng kinh tế châu Á diễn ra, Hàn Quốc ở trong tình trạng rất ngặt nghèo. Khi đó sức mạnh văn hóa trở thành cú đánh cuối cùng, chuyển hóa thành sức mạnh mềm giúp Hàn Quốc vực dậy sự tự tin, niềm tin của một quốc gia. Nước này đã thành lập Cục Công nghiệp văn hóa, sử dụng sáng kiến để thúc đẩy công nghiệp văn hóa, mà mũi nhọn là truyền hình.

Theo bà, Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, tuy nhiên chưa lựa chọn sử dụng công nghiệp văn hóa như một giải pháp chuyển hóa nguồn tài nguyên này thành sức mạnh mềm thông qua các sản phẩm, dịch vụ.

"Một thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi dựa trên hệ thống của UNESCO cho các quốc gia đang phát triển cho thấy, năm 2018 các sản phẩm văn hóa đóng góp 3,61% GDP của Việt Nam. Điều này cho thấy chúng ta đang là nước công nghiệp văn hóa trung bình. Tuy nhiên Việt Nam lại không lọt top 30 quốc gia về sức mạnh mềm do chưa tạo ra được đột phá then chốt", TS Phương nêu.


Đứng trước nguy cơ xâm lăng về văn hóa

Các đại biểu tham dự hội thảo ở đầu cầu TP.HCM - Ảnh: VŨ THỦY

Tại hội thảo, các nhà quản lý, các trí thức đặc biệt nhấn mạnh về nội hàm "bảo vệ biên cương văn hóa Tổ quốc".

"Văn hóa là yếu tố quan trọng xây dựng nên chủ quyền của một quốc gia. Bảo vệ chủ quyền quốc gia không chỉ là bảo vệ vùng đất, vùng trời, vùng biển mà còn là bảo vệ văn hóa", PGS.TS Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - giáo dục của Quốc hội - nhấn mạnh.

Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946: "Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ", "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Nhận định "văn hóa còn, dân tộc còn", văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là sức mạnh nội sinh tạo động lực để xây dựng đất nước, khơi dậy niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhìn nhận, trong bối cảnh chuyển đổi số, văn hóa đang đứng trước nhiều thách thức, sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa xuyên quốc gia, trong đó có những sản phẩm độc hại hoặc mang giá trị không phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Ông mong muốn hội thảo có thể tạo ra kênh tham vấn chính sách giúp bộ ngành địa phương có cái nhìn toàn diện về bảo vệ biên cương văn hóa Tổ quốc.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn - Ảnh: TTXVN

Trong bài tham luận của GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương - cũng nhận định, trong thời đại thông tin hiện nay "con người có nguy cơ chết chìm trong thông tin mà vẫn luôn đói khát về mặt trí tuệ".

"Thông tin giả, xuyên tạc bản chất của sự thật chân chính làm cho người ta hiểu lầm, ứng xử lầm. Xã hội phát triển bao nhiêu, càng cần dẫn đường của văn hóa để hình thành lối sống lành mạnh, lương thiện", GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Ông Đinh Bá Thành cho rằng đánh mất giá trị văn hóa bản địa sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Do vậy, không phải ngẫu nhiên quốc gia lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có chính sách bảo vệ văn hóa.

Ông Thành nêu thực tế hiện nay các nội dung trên các nền tảng truyền phát trực tuyến OTT từ nước ngoài chiếm 80% nội dung được xem tại Việt Nam mà không chịu sự quản lý, xử phạt của các cơ quan hành pháp, tư pháp và "dường như đang dẫn dắt suy nghĩ của nhiều người xem tại Việt Nam".

"Trong một khảo sát gần đây, Việt Nam là một trong 5 nước có chỉ số văn minh trên không gian mạng thấp. Chúng ta đang đứng trước nguy cơ xâm lấn về mặt văn hóa trên không gian mạng. Do đó việc xác lập chủ quyền văn hóa trên không gian mạng, bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng là vô cùng quan trọng", ông nhìn nhận.


Văn hóa còn, dân tộc còn

Với vấn đề bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng tuổi trẻ, tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - yêu cầu các tổ chức Đoàn cần tận dụng tối đa không gian mạng và các thành tựu chuyển đổi số để nâng cao nhận thức, giáo dục thế hệ trẻ, hoàn thiện nhân cách trong thanh thiếu nhi.

Đồng thời tổ chức Đoàn cần tạo môi trường để khơi nguồn sáng tạo trong thanh thiếu nhi, nghiên cứu, xây dựng các giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, lan tỏa nhiều hơn nữa những câu chuyện đẹp, tấm gương tốt, phát huy vai trò của trí thức trẻ, văn nghệ sĩ trong lan tỏa các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam.

Chia sẻ Facebook