Xuất hiện tình trạng này khi ngủ, coi chừng mắc ung thư

Chia sẻ Facebook
09/09/2022 12:16:50

Một nghiên cứu tại Thụy Điển cho thấy những người ngủ ngáy có nguy cơ mắc ung thư và có cục máu đông cao hơn bình thường.

Một số người mắc chứng ngưng thở khi ngủ khiến cơ thể bị thiếu oxy trầm trọng. Nhóm người trên cũng dễ hình thành các cục máu đông và não suy giảm nhanh hơn khi lớn tuổi.


Các chuyên gia cho biết, tình trạng gây ra chứng ngủ ngáy, nghẹt thở hoặc thở gấp gáp vào ban đêm, phải được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh gây hại sức khỏe .

Tiến sĩ Andreas Palm, Đại học Uppsala, Thụy Điển, cho biết: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy tình trạng thiếu oxy do tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ có liên quan đến ung thư”.

Cụ thể, nghiên cứu mới được công bố tại một hội nghị y khoa ở Barcelona đã theo dõi gần 4.200 bệnh nhân mắc chứng ngưng thở. Một nửa trong số họ cũng đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trong 5 năm qua.

Nhóm nhà khoa học do Tiến sĩ Andreas Palm dẫn đầu đã đánh giá mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhân trên thông qua hai bài kiểm tra. Một là đo số lần rối loạn nhịp thở khi ngủ và chấm điểm trên chỉ số chứng ngưng thở (AHI). Hai là đo số lần lượng oxy trong máu giảm 3% trong ít nhất 10 giây mỗi giờ, hay còn gọi là chỉ số khử bão hòa oxy (ODI).

Kết quả cho thấy bệnh nhân ung thư thường bị gián đoạn giấc ngủ nhiều hơn. Họ có điểm AHI trung bình là 32, nhiều hơn so với mức 30 ở nhóm không mắc ung thư. ODI của họ cũng là 28 so với 26 ở nhóm không mắc ung thư. Trong khi đó ODI cao hơn ở bệnh nhân ung thư phổi (38 so với 27), ung thư tuyến tiền liệt (28 so với 24) và ung thư da (32 so với 25).

Tiến sĩ Palm giải thích, các nghiên cứu đã cho thấy những bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ ung thư cao hơn. Nhưng ông vẫn chưa rõ liệu điều này có xuất phát từ chính chứng ngưng thở khi ngủ hay còn do các yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư, chẳng hạn như béo phì, bệnh chuyển hóa tim và thói quen sinh hoạt.

Nghiên cứu khác dẫn đầu bởi Giáo sư Raphaël Heinzer từ Trung tâm Điều tra và nghiên cứu giấc ngủ (CIRS) Đại học Lausanne - Thụy Sĩ, được trình bày cùng hội nghị, thì khẳng định người bị ngưng thở khi ngủ có nguy cơ bị suy giảm quá trình tâm lý trong vòng 5 năm kể từ khi xuất hiện tình trạng ngưng thở khi ngủ.

Điều này thể hiện qua các bài kiểm tra nhận thức - đánh giá chức năng nhận thức toàn phần bao gồm tốc độ xử lý thông tin, chức năng điều hành (tổ chức suy nghĩ, hoạt động, ưu tiên nhiệm vụ, đưa ra quyết định), trí nhớ ngôn ngữ và hình ảnh nhận thức, mối quan hệ không gian giữa các đối tượng...

Cũng tại hội nghị, một nghiên cứu khác dẫn đầu bởi Giáo sư Wojciech Trzepizuir từ Bệnh viện Đại học Anger - Pháp thì cho thấy nguy cơ xuất hiện huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân ngưng thở khi ngủ cao hơn người thường và ngưng thở khi ngủ càng nặng thì nguy cơ càng cao.

Ngoài ra, chứng ngưng thở lúc ngủ cũng gây suy giảm não bộ ở người cao tuổi. Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Lausanne ở Thụy Sĩ cho biết những người từ 74 tuổi trở lên, đặc biệt là nam giới, ghi nhận mức suy giảm mạnh hơn trong các bài kiểm tra nhận thức nhất định.

Ngưng thở khi ngủ là tình trạng một người bị ngừng thở trong thời gian ngắn khi họ đang ngủ. Điều đó làm cho lượng oxy trong máu giảm xuống, có thể “bỏ đói” các cơ quan quan trọng và mô của cơ thể, trong trường hợp xấu, gây tổn thương tế bào nghiêm trọng.

Chứng ngưng thở khi ngủ đang ảnh hưởng đến sức khỏe khoảng 1,5 triệu người ở Anh và 22 triệu người ở Mỹ. Những người béo phì, hút thuốc lá hoặc nghiện rượu nặng dễ bị rơi vào tình trạng ngưng thở khi ngủ.


Minh Hoa (t/h theo VietNamNet , TTXVN)

Chia sẻ Facebook