Xuất hiện nhiều tỉ phú thế giới là doanh nhân Việt
Trước yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có tờ trình gửi các bộ ngành liên quan lấy ý kiến về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có tờ trình gửi các bộ ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp lấy ý kiến về xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kinh tế tư nhân đóng góp 40% GDP
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, tốc độ tăng vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân giai đoạn 2017-2019 đạt 20,85%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2016 (16,62%) và cao hơn mức tăng chung của khu vực doanh nghiệp (16,29%).
Kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 40% GDP; đóng góp lớn vào vốn đầu tư toàn xã hội và tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, một số tập đoàn đã đầu tư ra thị trường khu vực và quốc tế.
Đáng chú ý, xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, chiếm vị thế áp đảo trong danh sách doanh nghiệp đạt vốn hóa tỉ USD trên thị trường chứng khoán.
Đặc biệt là sự xuất hiện nhiều tỉ phú thế giới là doanh nhân Việt, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ doanh nhân thế giới.
Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp tăng chưa đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2020 là có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp còn thấp, công nghệ không cao, tham gia vào chuỗi kinh tế toàn cầu còn yếu khi chỉ có 15-17% là nhà cung ứng cho nước ngoài.
Bộ Kế hoạch và đầu tư thẳng thắn nhìn nhận, môi trường đầu tư kinh doanh còn khá nhiều hạn chế, thiếu minh bạch, tiềm ẩn rủi ro, sự cải thiện không đồng đều. Chính sách pháp luật thiếu ổn định, khó dự báo, tác động đến tâm lý không muốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp. Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, tình trạng phân biệt đối xử vẫn còn khá phổ biến.
Cho tư nhân tham gia khai thác hạ tầng, đảm bảo quyền sử dụng đất
Theo đó, tờ trình dự thảo chương trình hành động đưa ra các giải pháp hỗ trợ tư nhân như hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân.
Trong đó, đáng chú ý sẽ xây dựng chính sách để khu vực tư nhân được thuê quản lý, sử dụng khai thác hạ tầng giao thông do Nhà nước đầu tư.
Sửa đổi, bổ sung các quy định để bảo đảm quyền sử dụng đất thực sự là tài sản được chuyển nhượng, giao dịch, thế chấp cho các nghĩa vụ dân sự, kinh tế, để các tổ chức, cá nhân được thuê đất, giao đất lâu dài phù hợp với quy mô, phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Phát triển an toàn, đồng bộ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân huy động vốn, gắn với có chính sách tín dụng phù hợp để tăng cường kết nối trong mạng lưới sản xuất toàn cầu. Doanh nghiệp tư được tạo thuận lợi tham gia mua sắm công, tháo gỡ chính sách tiếp cận vốn…
Phấn đấu có 1,5 triệu doanh nghiệp, tư nhân đóng góp 55% GDP
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh.
Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 55% GDP năm 2025, năng suất lao động tăng 4-5%/ năm trong giai đoạn tới, có nhiều doanh nghiệp tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Đóng góp vật chất cho Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 theo lời kêu gọi của Chính phủ là sự hưởng ứng cấp bách của các doanh nghiệp, góp thêm nguồn lực để mua vắc xin, nhanh chóng tiến gần đến mục tiêu miễn dịch cộng đồng.