Xử vụ 'tịnh thất Bồng Lai': Bị cáo 90 tuổi Lê Tùng Vân nói 'đang độc thân, chờ lấy vợ'
Sáng 20-7, tại phiên tòa xử vụ 'tịnh thất Bồng Lai', các luật sư đề nghị tiếp tục hoãn phiên tòa, tuy nhiên sau khi hội ý, hội đồng xét xử tuyên bố tiếp tục phiên tòa.
Sau lần hoãn ngày 30-6, ngày 20-7, TAND huyện Đức Hòa, Long An đã mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ án "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" đối với các bị cáo Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi), Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) và Cao Thị Cúc (62 tuổi).
Do tuổi cao, bị cáo Vân và Cúc được chủ tọa cho ngồi tham dự suốt phiên tòa.
Phiên tòa lần này có thành phần tham dự nhiều hơn các phiên trước, chỉ thiếu một số người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Đại diện viện kiểm sát cho rằng dù có một số người vắng mặt nhưng do phiên tòa đã từng bị hoãn, sự vắng mặt này không ảnh hưởng đến tiến trình xét xử nên đề nghị tiếp tục.
Trong khi đó, các luật sư bào chữa cho các bị cáo đưa ra 10 ý kiến, nội dung chủ yếu cho rằng đã có ý kiến về việc một số chứng cứ có dấu hiệu giả tạo, hồ sơ vụ án có dấu hiệu bị sai lệch, có hay không việc thay đổi kiểm sát viên trong quá trình điều tra, cơ quan công an có thông tin cho báo giới về việc tiếp tục điều tra hành vi loạn luân trong khi thực tế không khởi tố hành vi này nên cần làm rõ.
Các luật sư có đơn tố cáo một số sai phạm liên quan vụ án gửi đến cơ quan chức năng nhưng chưa được phản hồi và yêu cầu tiếp tục hoãn phiên tòa.
Tuy nhiên, sau thời gian hội ý, hội đồng xét xử cho rằng ý kiến của các luật sư về sự vắng mặt của một số người tham dự phiên tòa chỉ chấp nhận một phần. Còn các ý kiến còn lại, hội đồng xét xử sẽ làm rõ và tuyên tiếp tục phiên tòa.
Bị cáo Lê Tùng Vân nói "không theo tôn giáo nào"
Trong phần thẩm tra lý lịch, bị cáo Vân do lớn tuổi, nghe không rõ nên được tòa sắp xếp một người có quyền và nghĩa vụ liên quan nói lại cho bị cáo này nghe.
Bị cáo Vân trả lời khá rõ ràng, trong đó đáng chú ý là bị cáo nói mình "không theo tôn giáo nào" và "vẫn còn độc thân, đang chờ lấy vợ".
Tương tự, các bị cáo khác cũng cho rằng mình không theo tôn giáo nào.
Bị cáo Trùng Dương còn cho rằng mình "không biết cha, không biết mẹ" và "không hiểu tại sao trong lý lịch ghi là con của bà Cao Thị Cúc".
Bị cáo Cúc cũng phủ nhận lý lịch "có hai người con" và cho rằng con của mình đều do người khác đưa nuôi.
Sau phần thẩm tra lý lịch, các luật sư bảo vệ bị cáo đề nghị phải triệu tập được người bị hại, cụ thể như ông Thích Nhật Từ.
“Người bị hại phải có mặt theo sự triệu tập của tòa án. Người bị hại có nghĩa vụ như bị cáo. Tuy có 4 luật sư bảo vệ cho bị hại nhưng khi thẩm vấn, chúng tôi phải hỏi ai. Làm sao chúng tôi biết ý chí của họ ra sao, có tiếp tục tố cáo hay không tố cáo nữa”, đại diện luật sư bào chữa cho các bị cáo phát biểu.
Xét các ý kiến này, hội đồng xét xử cho tạm dừng phiên tòa và cho biết sẽ vào hội ý lần 2.
Bên cạnh ý kiến về việc phải triệu tập thêm người bị hại, các luật sư còn đề nghị thay đổi thẩm phán, chủ tọa phiên tòa. Tuy nhiên, sau khi vào hội ý, hội đồng xét xử đã công bố bác đề nghị của luật sư, tiếp tục phiên tòa.
Phiên tòa tiếp tục với phần công bố cáo trạng. Theo cáo trạng từ viện kiểm sát, xuất phát từ động cơ lợi dụng quyền tự do ngôn luận để viết, chia sẻ đăng tải, tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Từ năm 2019 đến 2021, các bị cáo đã sử dụng máy tính, điện thoại di động để đăng tải trên mạng xã hội Facebook và YouTube thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc nhằm tuyên truyền, kích động, xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa (Long An), xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm ông Trần Ngọc Thảo (pháp danh Thích Nhật Từ), gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.
Từ năm 2016, các bị cáo trên cùng một số người khác đến ở tại số 191A ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An do Cao Thị Cúc làm chủ hộ.
Bị cáo Lê Tùng Vân biến nơi đây thành cơ sở tu tại gia theo Phật giáo lấy tên tịnh thất Bồng Lai nhưng không được ngành chức năng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Long An công nhận. Bị cáo Vân đổi tên cơ sở này thành Thiền am bên bờ vũ trụ để tiếp tục hoạt động.
Với vai trò là người tổ chức, quyết định, chỉ đạo điều hành mọi hoạt động, bị cáo Vân đã phân công vai trò nhiệm vụ cho các bị cáo Nhất Nguyên, Hoàn Nguyên, Nhị Nguyên, Trùng Dương và một người cùng cư trú tại đây là Lê Thanh Nhất Tuệ viết kịch bản, tập hát… và tạo một số tài khoản mạng xã hội để đăng những sinh hoạt tại nơi đây.
Quá trình tạo ra video clip đều thông qua ý kiến của bị cáo Vân, từ việc lên ý tưởng, nội dung… Sau khi video clip làm xong đều đưa người này xem, thống nhất đồng ý thì mới được đăng lên mạng để cộng đồng mạng xem, bình luận.
Bị cáo Cao Thị Cúc quản lý việc thu chi sinh hoạt trong hộ.
Tổng cộng, có 5 video clip và 1 bài viết trên mạng xã hội của nhóm người này được phân tích, giám định và xác định là hành vi có tổ chức.
Các bị cáo không đồng ý với cáo trạng
Khi được hỏi về nội dung cáo trạng, các bị cáo đều cho rằng có “chỗ nghe được”, “chỗ nghe không được” và đều không đồng ý với bản cáo trạng.
Bị cáo Nhất Nguyên, Nhị Nguyên đều cho rằng bị oan vì mình hoàn toàn không nhận lời chỉ đạo gì của ông Vân để thực hiện các clip mà cáo trạng truy tố.
Trong khi đó, bị cáo Trùng Dương cho rằng cáo trạng ghi sai vì mình không phải đồng phạm trong các vụ việc đăng YouTube. Bị cáo không hề hay biết gì về YouTube và cũng không nghe lời ông Lê Tùng Vân để làm việc này việc kia.
Khi được thẩm vấn kỹ, bị cáo Trùng Dương cho rằng mình được nhận nuôi, gọi ông Vân là sư thầy vì trong gia đình gọi chung như vậy và cho rằng mình không hề biết gì về các chủ tài khoản trên mạng cũng như các clip mà cáo trạng cho là mình vi phạm.
"Bị cáo khai vậy vì trong quá trình hỏi cung, bị cáo bị đánh", Trùng Dương nói.
Chủ tọa yêu cầu trình chiếu clip vi phạm của các bị cáo. Các luật sư bào chữa đề nghị chủ tọa phải đưa chứng cứ, biên bản về việc niêm phong và mở vật chứng trước khi đưa clip ra trình chiếu.
Chủ tọa bác yêu cầu này, tuy nhiên các luật sư thay phiên nhau đứng lên ngắt lời chủ tọa, tranh luận gay gắt về việc yêu cầu phải có chứng cứ niêm phong, có biên bản mở vật chứng trước khi đưa các clip ra trình chiếu vì cho rằng các vật chứng này có dấu hiệu làm giả mạo, không đúng sự thật.
Chủ tọa hỏi ý kiến của viện kiểm sát, đại diện viện kiểm sát cho rằng tại quyết định đưa vụ án ra xét xử đã có nội dung đưa các vật chứng ra xét xử.
Sau đó, chủ tọa nhắc lại đây là vật chứng kèm theo vụ án nên trong quá trình xem clip, nếu thấy nội dung nào không đúng có thể tranh luận sau và cho trình chiếu clip liên quan đến nội dung những bị cáo náo loạn tại trụ sở Công an huyện Đức Hòa.
Sau khi xem clip, Trùng Dương tiếp tục khẳng định không biết sự tồn tại của 5 clip mà cáo trạng đưa ra để chỉ vi phạm của mình, cho đến khi bị cáo được cán bộ cho xem tại cơ quan điều tra.
Khi được chủ tọa xét hỏi, bị cáo Lê Tùng Vân thừa nhận mình là người đã đặt tên "tịnh thất Bồng Lai" cho hộ bà Cao Thị Cúc và tự đặt pháp danh cho mình là Thích Tâm Đức.
Khi chủ tọa hỏi lý do vì sao gần 30 người đến sinh sống mà bị cáo cho là đệ tử, mặc áo nâu mà bị cáo không đăng ký sinh hoạt tôn giáo với chính quyền địa phương, bị cáo Vân cho rằng ông không theo đạo Phật.
Khi chủ tọa hỏi tiếp lý do vì sao trong gia đình có nhiều tượng Phật, vậy có theo Phật hay không, các luật sư đề nghị hội đồng xét xử chỉ hỏi trong nội dung cáo trạng.
Tiếp theo đó, khi được hỏi về nội dung của các video clip và có phải bị cáo Vân đã duyệt hay không, bị cáo đều trả lời to rõ: "Mấy cái video clip trong cáo trạng, tôi không biết, không duyệt. Những clip tui duyệt chỉ là những clip video có chửi thề, ảnh hưởng đến hình ảnh của Phật giáo. Đệ tử tui nó lớn tuổi rồi nên có quyền của tụi nó. Nó có trí khôn nên tui không can thiệp được, can thiệp chưa chắc tụi nó nghe".
Bị cáo Vân nhắc đi nhắc lại nội dung này với các câu hỏi mà chủ tọa đặt ra về nội dung của các clip tương tự trong cáo trạng, đồng thời nhiều lần nhắc rằng mình có 2 bằng cử nhân nên không làm trái pháp luật, khẳng định lại những clip trong cáo trạng bị cắt ghép.
Sau phần xét hỏi bị cáo Vân, phiên tòa tạm dừng và sẽ tiếp tục diễn ra lúc 14h cùng ngày.
Do vắng mặt nhiều người có quyền và nghĩa vụ liên quan, HĐXX phiên sơ thẩm vụ án đã tuyên hoãn tòa. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 20-7 tại TAND huyện Đức Hòa.