Xử mạnh tay với thao túng giá chứng khoán
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch FLC Group, bị bắt giữ vì có hành vi thao túng giá cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia bày tỏ quan điểm ủng hộ việc mạnh tay xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm làm trong sạch thị trường.
Thời gian qua, không ít ông chủ của những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, ì ạch nhưng lại siêng năng "bán giấy lấy tiền", thổi giá cổ phiếu lên cao rồi bán ra nhằm thu lợi bất chính.
Trên thực tế, những người từng bị xử phạt hành chính, thậm chí bị bỏ tù bởi hành vi thao túng chứng khoán hầu hết là lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết, có vị thế, có tri thức, có cả gia sản lớn…
Càng ít minh bạch, càng dễ thao túng
Giám đốc phân tích của một công ty có hơn 20 năm đồng hành cùng thị trường chứng khoán, cho rằng với nhiều nhà đầu tư, sự không minh bạch đang là rào cản ngăn họ bước vào thị trường chứng khoán.
Trong thực tế, không phải doanh nghiệp niêm yết nào cũng đạt chất lượng công bố thông tin, hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính.
Chỉ số ít doanh nghiệp được kiểm toán bởi 4 hãng lớn nhất thế giới (PWC, Deloite, E&Y và KPMG). Chưa kể, "số lượng nhà đầu tư cá nhân đa số là "con số vẽ". "Nhiều cổ phiếu không được pha loãng bên ngoài thị trường, mà bị cô đặc đến mức nhà đầu tư cá nhân khó có thể tiếp cận mua, đặc biệt là các cổ phiếu niêm yết sau khi cổ phần hóa", vị giám đốc này nói.
Cũng theo vị giám đốc này, nhiều doanh nghiệp rất lớn nhưng lượng cổ phiếu trôi nổi ngoài thị trường lại rất thấp, tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư cá nhân và nhỏ lẻ rất ít. Một bộ phận thành viên hội đồng quản trị "người nhà" lại có tỉ lệ sở hữu rất cao, thông tin hoạt động kinh doanh và thanh khoản đều nằm trong tay nhóm này khiến hoạt động "thao túng giá rất dễ dàng".
Theo một chuyên gia chứng khoán, cổ phiếu doanh nghiệp có vốn hóa càng nhỏ, mức thao túng càng lớn. Vì vậy, người có tiền cũng không muốn mua nhóm cổ phiếu này.
"Có nhà đầu tư từng hỏi tôi cổ phiếu này cổ phiếu kia có bị thao túng, tôi chỉ cảnh báo họ theo kinh nghiệm chứ không có bằng chứng. Nhưng trước giờ cũng có không ít vụ phanh phui chuyện chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp niêm yết tung tin đồn để lái giá cổ phiếu", chuyên gia này nói.
Theo TS Lê Đạt Chí - giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, bên cạnh những doanh nghiệp bài bản, làm ăn uy tín, tăng trưởng bền vững, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng với cổ phiếu của những doanh nghiệp có lãnh đạo kém uy tín, doanh nghiệp làm ăn bết bát nhưng "mông má" để đẩy giá cổ phiếu lên cao theo kiểu "bán giấy lấy tiền" để ăn chênh lệch.
"Nếu nhảy vào lệch sóng, nhà đầu tư không tránh khỏi thua lỗ", ông Chí nói.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng sau phi vụ bán "chui" hàng chục triệu cổ phiếu bị phát hiện và xử phạt, ông Quyết vẫn tiếp tục tổ chức "thổi giá" cổ phiếu FLC là coi thường pháp luật.
Theo ông Truyền, một trong những nguyên nhân là con số tiền phạt vài tỉ đồng còn khá khiêm tốn so với số tiền thu lợi bất chính từ hành vi thao túng cổ phiếu nếu trót lọt.
Xử mạnh tay, thanh lọc thị trường
"Trong sạch thị trường. Thấy nhiều nhà đầu tư cảm nhận đây là tin tốt bên cạnh tin tiêu cực" - ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc Công ty chứng khoán Đông Á, chia sẻ quan điểm ngay sau khi hay tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Dù mua lúc cổ phiếu FLC hơn 19.000 đồng/cổ phiếu nhưng khi giá cổ phiếu này rớt xuống còn 11.800 đồng (chốt phiên 30-3) và mất thanh khoản sau tin ông Quyết bị bắt, anh Thắng (nhà đầu tư, TP.HCM) cho biết ủng hộ quyết định của cơ quan chức năng và tiếp tục theo dõi vụ việc, đồng thời "xem đây là học phí đắt giá để tôi thức tỉnh, không dám lao như con thiêu thân nữa".
Điều đáng nói là sau khi bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước ra quyết định xử phạt 1,5 tỉ đồng và đình chỉ 5 tháng giao dịch chứng khoán vì bán "chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào hồi tháng 1-2022 nhưng theo cơ quan điều tra, trong khoảng thời gian tài khoản bị cấm giao dịch, ông Trịnh Văn Quyết vẫn tiếp tục có hành vi thao túng đẩy giá cổ phiếu lên.
Trước đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng bị vướng vòng lao lý với hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán.
Cụ thể, ngày 24-1-2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tạm giam ông Nguyễn Văn Nam - nguyên giám đốc Công ty CP liên danh SANA WMT (nay là Công ty cổ phần ASA, mã chứng khoán ASA) - do làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống 7 triệu cổ phiếu ASA rồi niêm yết bổ sung số cổ phiếu này tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để bán và thu tiền bất chính.
Ngày 26 và 27-5-2020, TAND Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm xét xử Phạm Thị Hinh - cựu chủ tịch HĐQT CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã KSA) - cùng hàng loạt nhân sự thuộc Công ty chứng khoán VSM vì lập 69 tài khoản để liên tục thực hiện mua bán cổ phiếu KSA, tạo cung cầu giả trên thị trường.
Với vai trò chủ mưu, Phạm Thị Hinh bị tuyên phạt 18 tháng tù, các đồng phạm trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội bị phạt 15 tháng tù treo.
Một vụ án đáng chú ý là ngày 7-5-2019, TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết với các bị cáo trong vụ thao túng giá chứng khoán.
Theo đó, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Hữu Tiệp (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty MTM) tù chung thân về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". 14 bị cáo còn lại bị tuyên từ 18 tháng tù đến 12 năm tù về các tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "thao túng giá chứng khoán"...
Cần tăng mức xử phạt hành chính
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, nhiều nước trên thế giới xử phạt tội thao túng chứng khoán rất mạnh tay. Chẳng hạn tại Mỹ, các cá nhân phạm tội thao túng chứng khoán có thể bị phạt tù lên đến 20 năm, phạt hành chính lên đến 5 triệu USD (đạo luật 1934).
Vào năm 2018, Trung Quốc cũng từng phạt một công ty logistics số tiền kỷ lục 870 triệu USD (20.000 tỉ đồng) vì thao túng giá cổ phiếu.
Trong khi đó, theo điều 211 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỉ đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội "thao túng thị trường chứng khoán".
Nếu thu lợi bất chính từ 1,5 tỉ đồng trở lên, gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3 tỉ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm có thể bị phạt lên đến 4 tỉ đồng hoặc phạt đến 7 năm tù giam...
Theo luật sư Truyền, ngoại trừ việc xử lý hình sự, số tiền phạt vài tỉ đồng còn khá khiêm tốn so với số tiền thu lợi bất chính từ hành vi thao túng cổ phiếu nếu trót lọt. "Để tăng tính răn đe, theo tôi, có thể cân nhắc mức xử phạt theo phần trăm tổng số tiền dùng để thao túng cổ phiếu", ông Truyền đề xuất.
Phong tỏa tài khoản phải công bố trước khi giao dịch
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Hải, tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cho rằng Bộ Tài chính mà trực tiếp là Ủy ban chứng khoán nhà nước (SSC) phải có trách nhiệm về hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết.
Theo ông Hải, hành vi tạo thanh khoản giả, "thổi" giá chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết và nhiều người liên quan xảy ra liên tiếp trong một thời gian dài nhưng SSC không phát hiện và ngăn chặn kịp thời, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cũng như niềm tin của nhà đầu tư.
"SSC đã không làm tốt nhiệm vụ chính là giám sát thị trường chứng khoán", ông Hải nói.
Để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, ngoài việc xử lý lãnh đạo các cơ quan quản lý thị trường là SSC và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, ông Hải cho rằng cần phải thay đổi cơ chế điều hành của SSC.
Thay vì tập trung quyền lực cho chủ tịch SSC, cơ quan này cần có thêm tổng thư ký, ủy viên thường trực chịu trách nhiệm giám sát, thanh tra thị trường chứng khoán… với chức năng độc lập với nhau.
Trong khi đó, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đông Á, để ngăn chặn hành vi bán "chui" cổ phiếu, SSC có thể áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản của những trường hợp phải đăng ký và công bố thông tin trước khi giao dịch.
A.HỒNG - L.THANH
Phó thủ tướng Lê Minh Khái:
Phải đảm bảo minh bạch, lành mạnh của thị trường chứng khoán
Tại văn bản chỉ đạo ngày 30-3, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế để chủ động điều hành thị trường tài chính, tiền tệ, tín dụng và thị trường chứng khoán, hoạt động của các tổ chức tín dụng ổn định, an toàn, thông suốt.
Cũng theo chỉ đạo của Phó thủ tướng, cần có giải pháp điều hành, giám sát thị trường chứng khoán phù hợp; bảo đảm an toàn, minh bạch, ổn định thị trường chứng khoán; chủ động công bố thông tin và thực hiện các giải pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.
Đẩy mạnh việc rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán để có chế tài mạnh mẽ, có tác dụng răn đe, bảo đảm minh bạch và lành mạnh của thị trường chứng khoán.
Các cơ quan, đơn vị chức năng được yêu cầu xử lý sớm, dứt điểm, có hiệu quả các vấn đề bất cập, tồn tại trong lĩnh vực chứng khoán như hệ thống giao dịch chứng khoán, việc công bố thông tin của các công ty đại chúng và doanh nghiệp niêm yết, chất lượng báo cáo kiểm toán doanh nghiệp…
Ngày 30-3, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch, phát triển bền vững.