Xử lý thế nào người mặc đồng phục công an nổ súng cướp tiệm vàng ném cho người dân?

Chia sẻ Facebook
01/08/2022 14:37:04

Luật sư cho biết, cần trưng cầu giám định tâm thần để làm rõ nhận thức, năng lực điều khiển hành vi của người mặc đồng phục công an gây ra vụ cướp; người dân nhặt được vàng phải giao nộp lại cho cơ quan chức năng, tránh gặp phải rủi ro pháp lý.

Ngày 1/8, Công an Thừa Thiên Huế tiếp tục đấu tranh với đối tượng Ngô Văn Quốc (SN 1984, trú tại thị xã Hương Thủy) để làm rõ hành vi cướp tài sản.

Theo điều tra ban đầu, khoảng 12h30 trưa 31/7, đối tượng Quốc sử dụng súng AK bất ngờ xông vào hai tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi (trước chợ Đông Ba, phường Đông Ba, TP Huế) nổ súng chỉ thiên uy hiếp chủ tiệm vàng rồi cướp vàng.

Tuy nhiên, sau đó Ngô Văn Quốc đem số vàng này vứt ra phía vỉa hè cho người dân nhặt, rồi di chuyển đến khu vực cầu Gia Hội.

Nhận thông tin, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và một số cán bộ công an đã tiếp cận, trò chuyện và thuyết phục đối tượng. Sau khi nghe đại tá Đặng Ngọc Sơn (Phó Giám đốc Công an tỉnh) động viên, đối tượng Quốc đã giao nộp vũ khí và xin đầu thú.

Nghi phạm mặc quần đùi xanh, áo trắng bị cơ quan chức năng khống chế.

Dưới góc độ pháp lý, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) cho rằng, hành vi của Ngô Văn Quốc thể hiện sự manh động, làm ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội và gây nguy hiểm tới tính mạng người dân xung quanh.

Luật sư Cường phân tích, thông thường những tên cướp tiệm vàng hay che giấu thân phận, cố gắng cướp lượng lớn tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát. Còn đối tượng Quốc lại mặc quân phục công an, cướp tiệm vàng rồi vứt ra đường để người khác nhặt nên cần trưng cầu giám định tâm thần để làm rõ nhận thức, năng lực điều khiển hành vi của người này ở thời điểm gây án.

Trường hợp xác định Ngô Văn Quốc có đầy đủ năng lực và khả năng điều khiển hành vi, thì hành động dùng súng cướp tiệm vàng của nghi phạm đã đủ yếu tố cấu thành tội "Cướp tài sản" theo Điều 168 Bộ luật Hình sự.

Trích dẫn Điều 168, luật sư cho hay, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù 3 - 10 năm; trường hợp giá trị tài sản bị cướp từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng, khung hình phạt sẽ là 7 - 15 năm tù. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ làm rõ khẩu súng nghi phạm sử dụng có phải vũ khí quân dụng hay không. Nếu có căn cứ cho thấy đây là súng quân dụng, Quốc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” theo Điều 304 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt 1 - 7 năm tù.

“Nếu xác định chính xác Quốc là người đang công tác trong lực lượng công an , nghi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp kỷ luật là tước danh hiệu công an nhân dân trước khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Cường nói.

Trong khi đó, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty TNHH Luật Hoàng Sa) phân tích, đối với hành động mang vàng ném cho người dân của Quốc không làm mất đi mục đích chiếm đoạt của người phạm tội; còn những người dân nhặt vàng của nghi phạm ném ra là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, họ phải trả lại vàng nhằm tránh những rủi ro pháp lý.

Theo luật sư, những người nhặt được vàng nếu không trả lại có thể bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Khung hình phạt là phạt tiền 2 - 3 triệu đồng, mức phạt này quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Trường hợp giá trị tài sản từ 10 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội "Chiếm giữ trái phép tài sản" hoặc "Công nhiên chiếm đoạt tài sản" theo các Điều 176, 172 Bộ luật Hình sự.

Chia sẻ Facebook