Xử lý nhiều vi phạm tại Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng vừa ban hành kế hoạch thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và tổ chức kiểm điểm, xử lý các tập thể, cá nhân liên quan vi phạm tại Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM (HFIC) giai đoạn 2010 - 2016.
Cuối tháng 2-2022, trên cơ sở báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung kết luận thanh tra "việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện thí điểm chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của HFIC", giai đoạn thanh tra 2010 - 2016.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra các vi phạm trong đầu tư, cho vay và đánh giá mô hình hoạt động, chức năng của HFIC so với quy định hiện hành để thay đổi cho phù hợp.
Vi phạm cho vay, đầu tư ra sao?
Theo báo cáo tài chính của HFIC, tổng giá trị đầu tư dài hạn của HFIC thời điểm tháng 6-2017 là hơn 3.250 tỉ đồng. Trong đó một số doanh nghiệp có vốn đầu tư của HFIC kinh doanh không hiệu quả. Còn theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước 2018, HFIC đầu tư vào 7 công ty, lỗ lũy kế 105 tỉ đồng.
Cùng với đó, một số khoản đầu tư tài chính dài hạn của HFIC cũng có vi phạm. Điển hình là khoản đầu tư (ngoài ngành) vào dự án tháp SJC sau hơn 9 năm kể từ ngày cấp chứng nhận đầu tư, dự án vẫn chưa khởi công xây dựng, vi phạm Luật đất đai.
Tương tự là khoản đầu tư của Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP (thuộc HFIC) tại Công ty cổ phần đầu tư Lavenue ở dự án số 8-12 Lê Duẩn. Ngoài ra HFIC cũng không thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM và Ngân hàng TMCP Việt Á theo quy định.
Trong giai đoạn 2010 - 2016, HFIC đã tài trợ vốn cho 152 dự án hạ tầng thuộc lĩnh vực giao thông đô thị, giáo dục, y tế, cấp thoát nước... trên địa bàn TP với tổng mức 25.039 tỉ đồng. Kiểm tra mẫu 16 hồ sơ, thanh tra phát hiện 7 hồ sơ vay có khuyết điểm, vi phạm gồm: cho vay quá giới hạn quy định, không thẩm định khi cho vay, tài sản bảo đảm chưa đăng ký...
Điển hình như HFIC cấp khoản vay 2.000 tỉ đồng mà không áp dụng biện pháp đảm bảo, vượt giới hạn cho vay đối với Ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) nhằm thanh toán cho các dự án thuộc chương trình xây dựng 12.500 căn hộ tái định cư. Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP chỉ đạo HFIC thu hồi trước hạn phần giá trị cho vay vượt giới hạn đối với Ban quản lý Thủ Thiêm.
Thay đổi chức năng cho phù hợp
Từ năm 2010, UBND TP thành lập HFIC để giao thực hiện thí điểm chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Sau khi thành lập, UBND TP chuyển giao lần lượt nguyên trạng 8 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND về làm doanh nghiệp thành viên của HFIC. Kết quả kinh doanh của HFIC từ khi thực hiện thí điểm (2010 - 2016) đảm bảo lợi nhuận trước thuế bình quân 1.267 tỉ đồng/năm.
Ngoài các vi phạm đầu tư tài chính, cho vay và bán chỉ định 53 nhà đất, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra HFIC có các thiếu sót, khuyết điểm trong việc cổ phần hóa 6/8 doanh nghiệp thành viên tiếp nhận từ UBND TP. Tới thời điểm thanh tra, cả 6 doanh nghiệp đều đang còn các tồn đọng tài chính trong quá trình cổ phần hóa, chưa quyết toán chuyển thể sang công ty cổ phần.
Đánh giá tổng thể vai trò của HFIC, bên cạnh những mặt đạt được thì Thanh tra Chính phủ chỉ ra chức năng thí điểm của HFIC đến nay "không còn phù hợp với quy định hiện hành, cần tổng kết, đánh giá toàn diện hoạt động của HFIC để có chỉ đạo, quản lý trong thời gian tới...".
Bởi lẽ, theo Thanh tra Chính phủ, mô hình hoạt động của HFIC có tính chất đặc thù, vừa thực hiện chức năng hoạt động của quỹ đầu tư phát triển địa phương, vừa thực hiện chức năng hoạt động của công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước, đồng thời thực hiện thí điểm chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Trong khi quy định hiện hành không tương thích nên quá trình hoạt động của HFIC khó khăn trong việc áp dụng cơ chế chính sách.
Để giải quyết chức năng, nhiệm vụ của HFIC cho phù hợp với tình hình, từ giữa năm 2020, Thủ tướng đồng ý với đề án của UBND TP.HCM thí điểm thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp của TP và chấm dứt chức năng thí điểm của HFIC. HFIC chỉ còn lại một chức năng nhiệm vụ chính là quỹ đầu tư phát triển địa phương.
Hiện nay, chức năng quỹ đầu tư phát triển địa phương của HFIC đã được thể chế hóa tại nghị định 147/2020 (quy định về tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư phát triển địa phương) với các chức năng gồm cho vay, đầu tư, ủy thác và nhận ủy thác vốn.
Tiếp tục thanh tra HFIC
Ngày 16-3-2022 Thanh tra TP.HCM đã công bố quyết định thành lập đoàn thanh tra đối với HFIC. Trước đó, Thanh tra TP cũng lập đoàn thanh tra về việc bán chỉ định 53 nhà đất công và sắp ban hành kết luận thanh tra.
Đồng thời, nhằm bảo toàn vốn nhà nước tại các công ty cổ phần kinh doanh thiếu hiệu quả mà HFIC có vốn góp, cuối năm 2021, Phó chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng chỉ đạo HFIC chủ trì họp với các doanh nghiệp nhà nước khác cùng có vốn góp để tổng hợp kết quả, báo cáo UBND TP có giải pháp xử lý.
Xác định lại giá đất trong việc bán chỉ định 53 nhà đất công
Theo kết luận thanh tra, tại Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP (thuộc HFIC) cũng để xảy ra việc bán chỉ định 53 nhà đất công (do công ty giữ hộ) mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra việc thẩm định giá là chưa bảo đảm. Thanh tra đề nghị UBND TP xác định lại giá đất, xử lý theo quy định pháp luật và kiểm điểm trách nhiệm, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý. Cuối tháng 2-2022, xem xét báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng chỉ đạo phải rà soát.
Ông Diệp Dũng - thành ủy viên, chủ tịch HĐQT Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) được điều động đến nhận công tác tại Đảng bộ Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC).