Xử lý nghiêm gian lận trên môi trường thương mại điện tử
Trước tốc độ phát triển nhanh và doanh thu ngày càng lớn, thương mại điện tử đang là mảnh đất màu mỡ để giới thiệu, kinh doanh trên các website bán hàng trực tuyến, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Sách trắng thương mại điện tử nêu rõ, dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm thông qua mua sắm online.
Điều này cho thấy, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về phát triển thương mại điện tử với tốc độ tăng trưởng thuộc Top 3 trong khu vực Ðông Nam Á. Tuy nhiên, thương mại điện tử đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung và kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hành vi vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ...trong thương mại điện tử nói riêng.
Thách thức lớn
Theo ông Trần Hữu Linh, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh, mua bán hàng hóa trực tiếp của người dung nên việc kinh doanh, mua bán, giao nhận và vận chuyển hàng hóa qua các hình thức thương mại điện tử càng trở nên hữu dụng và được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng.
Chính vì vậy, hàng hoá giới thiệu trên các website bán hàng trực tuyến, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, các ứng dụng bán hàng online rất phong phú, đa dạng với hàng nghìn chủng loại sản phẩm cùng nhiều hình thức giao nhận, thanh toán khác nhau. Tuy nhiên, môi trường này lại đang tiềm ẩn nhiều hành vi gian lận trong kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
“Mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi đó các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Không những thế, việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử cũng gặp không ít khó khăn, do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” này không đơn giản”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh chỉ rõ.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) nhấn mạnh, thời gian gần đây, các đối tượng có nhiều thủ đoạn mới để đối phó với cơ quan chức năng, khiến việc phát hiện các vi phạm gặp không ít khó khăn.
Đáng lưu ý, nếu như trước đây thương mại điện tử chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp, thì hiện nay có thể bán trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok…Thậm chí, nhiều shop còn trả phí cho Facebook, Google để quảng cáo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Đây là nguyên nhân khiến việc gian lận qua thương mại điện tử đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung và với thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường nói riêng.
Cụ thể qua việc phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử về thực phẩm.
Thống kê cho thấy, tính đến đầu tháng 7/2022, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 45 vụ việc, xử lý 42 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 700 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm gần 1,2 tỷ đồng với hành vi vi phạm chủ yếu kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.
Xây dựng hàng rào quản lý
Để nâng cao hiệu quả quản lý tại sàn thương mại điện tử, bà Trần Minh Ngọc - Giám đốc quản lý nội dung của Chợ Tốt cho hay, đơn vị đã xây dựng đội ngũ duyệt tin và hệ thống duyệt tin công nghệ cao để xác minh tin đăng bán, đồng thời thực hiện chế độ duyệt tin kép để lập tức gỡ bỏ tin đăng vi phạm… Các trường hợp xác định người bán có dấu hiệu lừa đảo đăng bán hàng giả, hàng nhái, Chợ Tốt sẽ khóa tài khoản và chặn người dùng này đăng tin.
Còn theo ông Vũ Anh - Giám đốc chiến lược sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, khi các đối tác đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn phải làm rõ mã số thuế, thông tin của doanh nghiệp, chụp ảnh chứng minh thư... để xác minh thông tin từ người bán.
Trước thực trạng này, ông Trần Hữu Linh cho biết Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác về thương mại điện tử. Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Tổng Cục trưởng trong quản lý thị trường về thương mại điện tử.
Ngoài ra, Tổng Cục trưởng cũng ban hành Công văn số 1621/TCQLTT-VPTC gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về việc thành lập Tổ công tác về thương mại điện tử; chủ trì thành lập Đoàn theo dõi tình hình thi hành pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Tuy nhiên, việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn đang gặp nhiều khó khăn. Cùng đó, các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Có những đối tượng duy trì thường trực hàng trăm tài khoản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để ngay lập tức có thể thay đổi khi bị phát hiện.
“Việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể. Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều có rủi ro bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh, trong khi thẩm quyền của lực lượng không thể đề xuất lấy các sao kê ngân hàng để theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng mà phải thông qua cơ quan công an. Các đối tượng kinh doanh hàng hóa vi phạm thường có quy mô nhỏ lẻ nên rất khó phát hiện, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm”, ông Trần Hữu Linh chỉ rõ.
Không những thế, các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Một số đối tượng lập các website thương mại điện tử, mạng xã hội với nội dung thông tin y hệt các website, địa chỉ của các cơ sở có uy tín khác khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn.
Mặt khác, bản thân người tiêu dùng chưa nâng cao ý thức trong hoạt động mua bán thực phẩm, ý thức tố giác tội phạm còn e dè đã nhiều khi tiếp tay cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đúng theo quy định của pháp luật. Trong thời gian tới, để việc chống hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc trên môi trường thương mại điện tử, ông Trần Hữu Linh kiến nghị cần tăng cường phối hợp giữa các đơn vị chức năng liên quan về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, trọng tâm.
Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm.
Liên quan đến việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử, ông Trần Hữu Linh khẳng định sẽ đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho lực lượng về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử của Bộ Công Thương. Đặc biệt các kỹ năng liên quan tới điều tra, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng. Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường cũng tổ chức tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp, nhất là chủ sở hữu các nhãn hiệu đã được bảo hộ. Điều này nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương nhằm mang lại hiệu quả cao trong kiểm tra, xử lý vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.